Rất nhiều phụ huynh khi con mắc COVID-19 có triệu chứng sốt thì vô cùng lo lắng. Vậy khi trẻ bị sốt thì cần xử lý thế nào, dấu hiệu nào cần báo nhân viên y tế? TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM sẽ giải đáp vấn đề nà
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Chào bác sĩ!
Tôi có một cháu 5 tuổi, mắc COVID-19 được 3 ngày. Cháu hàng ngày vẫn ăn uống tốt nhưng không được nhanh nhẹn như bình thường, cháu hơi ho húng hắng và có sốt.
Cháu sốt theo cơn, thông thường khoảng gần 39 độ C, lần cao nhất là 39,5 độ C. Mỗi lần sốt gia đình cho cháu uống hạ sốt và cháu có đáp ứng thuốc nhưng mọi người vẫn rất lo lắng.
Bác sĩ cho tôi hỏi, khi trẻ mắc COVID-19 bị sốt có đáng lo không? Cần xử lý ra sao và khi nào cần gọi nhân viên y tế cho cháu đến viện?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo như bạn mô tả, trường hợp cháu mắc COVID-19 như vậy không quá đáng ngại, có thể tiếp tục điều trị, theo dõi ở nhà nhưng cần theo dõi sát hơn.
Như tôi đã chia sẻ rất nhiều lần, trẻ mắc COVID-19 nếu không có bệnh nền thì ít khi có triệu chứng nặng, hoàn toàn có thể điều trị ở nhà được. Trường hợp ho, sốt là triệu chứng bình thường khi mắc COVID-19, điều quan trọng nhất là trẻ sốt vẫn đáp ứng thuốc, cháu vẫn ăn được. Tất nhiên, khi cháu sốt sẽ bị mệt và không thể nhanh nhẹn như lúc bình thường.
Còn về cách xử lý khi trẻ bị sốt thì rất đơn giản. Chắc hẳn trẻ ở lứa tuổi 3 đến 5 tuổi hay lớn hơn đều đã từng bị sốt một số lần, vậy thì khi mắc COVID-19 bị sốt phụ huynh cũng xử lý như những lần sốt trước. Không có gì phức tạp cả.
Theo đó, nếu sốt trên 38,5 độ thì cho uống hạ sốt, uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sĩ tư vấn. Với trẻ nhỏ, thuốc đường uống thường có tác dụng nhanh hơn thuốc nhét hậu môn, liều thuốc Paracetamol là 10-15mg cho mỗi kg cân nặng.
Ngoài ra, phụ huynh có thể lau mát cơ thể trẻ, nhưng lưu ý không lau nước quá ấm, không dùng nước đá để lau. Bù nước cho trẻ đầy đủ, nới lỏng quần áo, đặt trẻ ở nơi thông thoáng phù hợp với thời tiết tại thời điểm đó.
Trường hợp trẻ sốt và đáp ứng với thuốc, vẫn chơi đùa và ăn được thì không đáng lo ngại. Ảnh minh họa.
Với trẻ mắc COVID-19 bị sốt trong trường hợp nào thì đáng lo ngại? Đó là khi sốt cao liên tục 48 giờ, không đáp ứng thuốc hạ sốt. Kèm theo đó là tình trạng bỏ bú/ăn, lơ mơ…thì cần sự tư vấn của bác sĩ và có thể phải đưa đến cơ sở y tế.
Một vấn đề hết sức lưu ý đó là, trẻ mắc COVID-19 sốt cao đôi khi lại không phải nguyên nhân do virus SARS-CoV-2, mà có thể lại đang ở trong tình trạng “bệnh chồng bệnh”. Điển hình nhất là vừa mắc COVID-19, vừa bị sốt xuất huyết. Thực tế đã có trẻ bị như vậy, vì thế cần phải theo dõi sát trẻ, khi sốt cao trên 48 tiếng, không đáp ứng hạ sốt cần gọi nhân viên y tế.
Ngoài sốt, cần quan tâm đến nhịp thở của trẻ mắc COVID-19. Khi trẻ thở mệt thì có thể triệu chứng cũng đang nặng lên. Trẻ nhỏ không như người lớn, nếu bị thở mệt là trẻ sẽ không chơi đùa, bỏ ăn ngay. Do vậy, khi thấy trẻ li bì, không chơi đùa, bỏ ăn thì cần đặc biệt chú ý đếm nhịp thở cho trẻ. Còn khi trẻ mắc COVID-19 nhưng vẫn chơi đùa, vẫn ăn tốt thì không quá lo lắng, điều đó chứng tỏ trẻ vẫn đang an toàn.
Về chỉ số SpO2 ở trẻ, nếu ở mức dưới 95 thì cần phải đặc biệt lưu ý, vì đó cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Còn chỉ số SpO2 ở mức 96-97 thì đang ở ngưỡng an toàn. Trong khoảng 3-5 ngày đầu, phụ huynh có thể đo SpO2 cho trẻ 2-3 lần/ngày. Sau 5 ngày dương tính, đa số trẻ sẽ bình phục.
Tin liên quan
Rất nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ 5-11 tuổi tiêm vắc xin, nhất là về các tác dụng phụ. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng điều này...
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Trường hợp bị phản ứng nặng hơn sau tiêm vắc xin mũi 3 liệu có bất thường và bị nổi hạch có ảnh hưởng gì không? TS.BS Trương Hữu Khanh,...
Nhiều trường hợp trẻ bị co giật, ngất sau tiêm vắc xin COVID-19 không phải do vắc xin mà xuất phát từ yếu tố tâm lý và tác động từ môi...
Tin bài cùng chủ đề Cách phòng, chữa COVID-19
Việc triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 liều cơ bản cho trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên sẽ được Bộ Y tế khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể khi...