Thời tiết nắng nóng khiến nhiều trẻ bị ốm, sốt, phải nhập viện. Tuy nhiên, không nhất thiết cứ con hơi ốm đã đưa đi viện, các bà mẹ rất cần có kiến thức chăm sóc trẻ để biết được khi nào trẻ có thể chăm sóc tại nhà và khi nào cần đưa trẻ đến viện sớm.
Theo Bác sĩ Cận Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ bị sốt, các bậc cha mẹ cần ghi nhớ:
- Nới rộng quần áo của trẻ, không ủ cho trẻ bằng các loại chăn hay gối.
- Tìm nơi thoáng mát để trẻ nằm và chơi.
- Hạn chế cho trẻ sử dụng thuốc tự mua, không đúng bệnh.
- Trời nắng nóng, số trẻ bị sốt vô cớ khá nhiều, khi trẻ bị sốt kéo dài trên 3 ngày, dứt khoát phải đưa trẻ tới bệnh viện.
Khi chăm sóc trẻ sốt tại nhà, các bà mẹ cần thực hiện theo cách sau:
- Cặp nhiệt độ: Cặp nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn, nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của trẻ áp sát ngực. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số được hiển thị trên nhiệt kế cộng với 0,3 - 0,4 độ C. Ví dụ, nhiệt kế hiển thị 38 độ C thì thân nhiệt thực sự của trẻ là 38,4 độ C.
Không nhất thiết cứ con hơi ốm đã đưa đi viện, các bà mẹ rất cần có kiến thức chăm sóc trẻ để biết được khi nào trẻ có thể chăm sóc tại nhà và khi nào cần đưa trẻ đến viện sớm (Ảnh minh họa)
- Hạ sốt: Hạ sốt cho trẻ bằng nhiều cách như uống thuốc, chườm mát cho trẻ bằng khăn ướt. Lau khô mồ hôi. Để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Nới lỏng quần áo và bỏ bớt chăn cho trẻ khi đang sốt cao. Lau bằng khăn ướt nước ấm, tuyệt đối không sử dụng nước lạnh do có thể dẫn tới tình trạng bệnh nặng hơn do cơ chế co mạch ngoại vi.
- Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C cha mẹ nên sử dụng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.
- Bù nước và điện giải: Nếu trẻ còn bú, tiếp tục cho bú nhiều hơn bình thường và cho uống bù nước orezol theo đúng chỉ dẫn. Trường hợp trẻ không uống được, cần dùng bông sạch chấm nước trên vào môi, miệng trẻ liên tục để niêm mạc môi miệng hấp thu nước, tránh thiếu nước và chất điện giải.
- Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt mũi bằng natri colorit 0.9% nhằm tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
- Dinh dưỡng: Cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh…
Khi đã thực hiện chế độ chăm sóc và theo dõi bệnh của trẻ, nhưng biểu hiện bệnh vẫn chưa thuyên giảm, cha mẹ cần đưa trẻ tới các trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau:
- Khi trẻ sốt cao trên 38,5oC, đặc biệt là trên 39oC mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng.
- Lơ mơ, li bì, ngủ nhiều.
- Xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần từ 5 ngày trở đi.