Uống nước lọc hoặc trà sau bữa ăn là thói quen của rất nhiều người nhưng các chuyên gia cho biết một trong hai loại đồ uống này có thể khiến bạn bị thiếu sắt.
Uống đủ lượng nước mỗi ngày là điều cần thiết để có một sức khỏe tốt. Nó không chỉ giúp bạn giữ nước mà còn hỗ trợ các chức năng quan trọng của cơ thể như thải độc tố, tạo nước bọt và vận chuyển chất dinh dưỡng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Như vậy, khi không uống đủ nước, bạn có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe như mất nước, nhiễm trùng đường tiết niệu, các vấn đề về khớp và cơ... Uống đủ nước thôi chưa đủ mà còn cần phải uống đúng loại và đúng thời điểm.
Ví dụ như sau bữa ăn, nhiều người rất muốn uống nước để sạch miệng nhưng có người chọn nước lọc, người lại muốn thưởng thức tách trà, đặc biệt người Việt rất hay có thói quen uống trà đá hay trà nóng sau ăn. Điều này có lợi hay hại?
Uống nước lọc sau khi ăn tốt cho tiêu hóa
Nhiều người cho rằng không nên uống nước sau khi ăn vì sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, ngăn cản sự hấp thụ chất dinh dưỡng đúng cách.
Tuy nhiên, bác sĩ Vipul Rustgi - bác sĩ tư vấn với hơn 10 năm kinh nghiệm chủ yếu điều trị bệnh Tiểu đường và các biến chứng, rối loạn tuyến giáp, tăng huyết áp, tim mạch, tiêu hóa,... ở Delhi (Ấn Độ) cho biết uống nước sau bữa ăn có lợi hơn hại. Nó giúp phân hủy thức ăn để cơ thể bạn hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng. Không những vậy, nó còn ngăn ngừa táo bón, đầy bụng, khó tiêu.
Trang tin sức khỏe Mayo Clinic cũng ủng hộ ý kiến này, uống nước lọc hay các loại nước khác trong hoặc sau bữa ăn giúp cơ thể bạn phân hủy và xử lý thức ăn, để cơ thể bạn có thể tiếp nhận các chất dinh dưỡng. Nước cũng làm cho phân mềm hơn, giúp ngăn ngừa táo bón.
Uống trà sau bữa ăn có lợi không?
Uống nước sau bữa ăn có lợi cho tiêu hóa nhất là nước lọc, vậy còn trà thì sao? Trà cũng có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ chứa polyphenol và các thành phần khác, có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim mạch, viêm khớp và tiểu đường.
Trà là một thứ tốt, nhưng hóa ra nó lại không phù hợp cho việc sử dụng ngay sau bữa ăn. Lý do là trà có thể ức chế sự hấp thụ sắt.
Nicole Dynan, chuyên gia dinh dưỡng thực hành và chuyên gia dinh dưỡng thể thao người Australia cho biết: "Sắt là một khoáng chất quan trọng giúp vận chuyển oxy xung quanh máu của chúng ta. Cơ thể thiếu sắt dễ dẫn đến mệt mỏi và giảm khả năng miễn dịch. Các nguồn thực phẩm tốt nhất cung cấp chất sắt bao gồm thịt đỏ, đậu khô và đậu lăng, rau lá xanh, quả hạch và hạt, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt".
Các polyphenol được tìm thấy trong trà có thể ức chế hấp thu sắt. Các loại trà này bao gồm trà đen, trà xanh, trà thảo dược, thậm chí cả ca cao, cà phê. Uống những thứ này trong hoặc ngay sau bữa ăn sẽ làm giảm hấp thu sắt non-heme từ thực phẩm.
"Trà đen có tác động mạnh hơn trà thảo dược, và trà càng đặc thì khả năng ức chế càng cao do hàm lượng polyphenol cao hơn", chuyên gia Nicole Dynan cho hay.
Tuy nhiên, quá trình này có thể không ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người ăn thịt thường xuyên vì số lượng sắt được hấp thụ sẽ vượt qua lượng sắt bị tiêu hao mất do trà gây ra. Về cơ bản, những nhóm người sau đây mới cần cẩn thận khi uống trà trong hay ngay sau bữa ăn - phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, người ăn chay trường.
Chuyên gia Dynan nói: "Đối với hầu hết mọi người không cần phải tránh uống trà. Tuy nhiên, nếu bạn không ăn nhiều thịt đỏ (nguồn sắt sẵn có nhất) hoặc theo chế độ ăn chay, tốt nhất nên uống trà tách biệt với các bữa ăn để tránh tác dụng ức chế hấp thụ sắt của trà.
Li Ning - Chuyên gia dinh dưỡng, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Liên hiệp Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết thêm trong trà còn chứa nhiều axit tannic, cũng phản ứng với sắt trong thức ăn tạo thành chất mới khó hòa tan, lâu ngày sẽ khiến cơ thể con người thiếu sắt, thậm chí gây ra các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt. Vì vậy, không nên uống trà ngay sau bữa ăn.