Không chỉ thực phẩm chế biến có thể gây hại cho thận mà hai loại gia vị rất quen thuộc là đường và muối cũng có thể trở thành “thủ phạm” gây bệnh về thận.
Hiện tại có rất nhiều người mắc bệnh thận, trên thực tế, có 40-50% bệnh nhân bị bệnh thận là do biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra, sau đó là do tăng huyết áp. Hai loại gia vị mà mọi người thường dùng là đường và muối có thể trở thành “thủ phạm” gây các bệnh trên, gián tiếp gây bệnh về thận nếu như chúng ta ăn quá nhiều.
1. Ăn quá nhiều đường gây hại cho thận như thế nào?
Hơn một nửa số bệnh nhân phải chạy thận là do bệnh tiểu đường gây ra. Lượng đường trong máu quá cao sẽ khiến thận tiêu tốn nhiều năng lượng để chuyển hóa lượng đường dư thừa, giống như thận phải "làm việc quá sức”. Đồng thời lượng đường trong cơ thể cao sẽ gây viêm mạch máu, trong đó thận là nơi chứa rất nhiều mạch máu, theo thời gian sẽ làm tổn thương chức năng thận.
Dương Mạnh Nho, Chủ tịch Hiệp hội lọc máu cơ bản Đài Loan cho biết: "Đài Loan là một thiên đường thực phẩm, đồ uống có đường có thể mua theo ý muốn, khi uống đồ uống có đường mọi người sẽ cảm thấy thoải mái, nhưng chúng lại có hại cho sức khỏe”.
Theo "Báo cáo thường niên về bệnh thận năm 2018" của Nhóm nghiên cứu khoa học sức khỏe thuộc Viện nghiên cứu y tế Trung Quốc, bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã tăng 40% kể từ năm 2000. Mặc dù đa số những bệnh nhân mắc bệnh thận đều ở độ tuổi 60, nhưng Phó giám đốc Viện nghiên cứu y tế Hứa Chí Thành nói, có một điểm rất đáng e ngại: “Trước đây bệnh nhân chạy thận dưới 40 tuổi, đại bộ phận là do viêm cầu thận (nhiễm trùng), nhưng hiện nay hơn 30% trong số đó là do bệnh tiểu đường”. Điều này có nghĩa là những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nguy cơ cao dẫn đến mắc bệnh thận.
2. Lạm dụng muối là cách nhanh nhất để phá hủy chức năng thận
Một loại gia vị khác có thể hại thận nếu lạm dụng đó là muối. Nhiều người biết rằng ăn quá mặn sẽ gây tăng huyết áp, vì natri có trong muối sẽ khiến nước ứ đọng trong cơ thể, gây phù và tăng huyết áp. Quá nhiều nước sẽ gây ra áp lực lớn lên thận, chỉ cần huyết áp được duy trì ở trạng thái quá cao, chức năng thận sẽ bị phá hủy nhanh chóng.
Cũng có một số người vì các dây thần kinh giao cảm tương đối nhạy cảm. Các ion natri quá mức sẽ chạm vào các dây thần kinh giao cảm của thận, sẽ kích hoạt hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (RAAS), khiến các mạch máu co thắt, tăng khả năng hấp thụ nước của cơ thể, giảm đi tiểu, sau đó làm tăng huyết áp. Huyết áp cao sẽ hình thành mảng xơ cứng động mạch, có thể được coi là một loại bệnh mạch máu thận ở trong thận. Hãy tưởng tượng, đột quỵ sẽ để lại một số di chứng của các mạch máu, và huyết áp cao cũng sẽ gây ra bệnh thận.
Nguyên tắc vàng để bảo vệ thận
1. Uống đủ nước
Nước làm loãng nồng độ chất thải trong nước tiểu và giúp thận hoạt động tốt hơn. Các chuyên gia khuyên nên uống khoảng 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Trong trường hợp bị mất nước do thời tiết nóng hoặc tập thể dục làm đổ mồ hôi nhiều và mất nước, cần uống nhiều nước hơn.
2. Giữ cho cơ thể khỏe mạnh và năng động
Giữ cơ thể khỏe mạnh giúp làm giảm huyết áp, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Hãy năng động tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy, đạp xe.
3. Kiểm tra bệnh tiểu đường
Thường xuyên kiểm soát lượng đường trong máu. Khoảng 50% người bệnh tiểu đường dẫn đến tổn thương thận. Vì vậy, cần thường xuyên kiểm tra chức năng thận nếu đang bị tiểu đường. Nếu được phát hiện sớm, có thể làm hạn chế hoặc ngăn chặn tổn thương thận do tiểu đường.
4. Ăn uống lành mạnh, giảm lượng muối
Ăn uống lành mạnh và giữ trọng lượng cơ thể hợp lý nhằm giúp ngăn ngừa tiểu đường, bệnh tim và bệnh thận mạn tính. Giảm lượng muối ăn hằng ngày. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến nghị lương natri tiêu thụ hằng ngày là dưới 2.300 mg. Để giảm bớt lượng muối ăn vào, cần hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, nên tự nấu ăn với các nguyên liệu tươi sống.
5. Theo dõi huyết áp
Huyết áp cao cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương thận. Huyết áp cao dễ gây tổn thương thận, đặc biệt khi đi kèm với các bệnh khác như tiểu đường, mỡ máu cao và bệnh tim mạch.