Được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật nên người dân miền Tây đã nghĩ ra nhiều cách chế biến thành các món đặc sản, đặc biệt phải kể đến các món khô miền Tây.
Về miền Tây sông nước du lịch, du khách sẽ được chiêu đãi cơ man các loại đặc sản từ trái cây, rau cỏ đến cá tôm, cua nước ngọt… Vốn được thiên nhiên ưu đãi, người dân miền Tây không chỉ có vô số những món ăn dân dã với nguyên liệu thiên nhiên thuần túy mà còn rất nhiều những đặc sản được chế biến theo công thức đặc trưng. Trong đó phải kể đến các loại khô miền Tây, có món trông ghê sợ nhưng ngon nổi tiếng và giá cả cực đắt.
Khô tắc kè
Khô tắc kè có vẻ ngoài khá “dị” nhưng từ lâu đã được tương truyền là món ăn bổ dưỡng tăng cường sinh lực phái mạnh, có thể dùng để chế biến nhiều món nhậu hoặc ngâm rượu nên ngày nay được rất nhiều người miền Tây sản xuất, chế biến nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo dân nhậu.
Khô tắc kè ở miền Tây.
Khô tắc kè cũng được sản xuất nhiều tại vùng Tịnh Biên, An Giang. Thằn lằn sống ở trong các vách nhà, ổ hang đất… được người dân bắt đem xẻ thịt phơi khô 2 - 3 nắng là có thể cho ra thành phẩm. Để chế biến thành món nhậu, có thể đem khô tắc kè nướng, ngâm rượu hoặc xào với các gia vị. Món khô đặc biệt này có mùi vị rất đặc biệt, thơm ngọt và giòn, nếu nhấm nháp với ly rượu đòng đòng thì sẽ rất bén mồi nên bất kỳ ai sành ăn đều yêu thích món khô đặc sản này.
Trung bình cứ 3kg tắc kè sống sẽ cho ra 1 kg tắc kè khô, tắc kè được bán theo con, mỗi con giá khoảng 45.000 đồng tới 50.000 đồng, tính ra đến vài trăm ngàn đồng/kg.
Khô nhái - vũ nữ chân dài
Khô nhái hay còn được biết đến với nhiều cái tên mỹ miều như “vũ nữ chân dài”, “kiều nữ đại gia” hay “cô gái chân dài”... Đây là món mồi nhậu khoái khẩu của người dân xứ miền Tây miệt vườn vì mùi vị thơm ngon, ngọt, giòn và dễ chế biến.
Bình quân cứ 4kg nhái tươi sẽ cho một kg khô, được bán với giá trung bình khoảng 500.000 đồng/kg.
Nơi sản xuất khô nhái nổi tiếng cũng là vùng đất biên giới giáp ranh Campuchia, huyện Tịnh Biên, vùng Bảy Núi, An Giang. Để có sản phẩm làm ra khô nhái, đêm khuya người dân miền Tây phải lặn lội đi soi nhái ở ngoài đồng để bắt “vũ nữ chân dài”. Đồ nghề săn nhái là cây vợt lưới dẻo, cán vợt được làm bằng thân cây trúc to bằng ngón chân cái và có chiều dài hơn 2m. Nhái sau khi bắt về lột da, ướp với gia vị muối, tiêu, ớt cho thấm đều vào thịt rồi mang phơi khô. Chỉ sau 2-3 nắng là đã cho một lứa khô nhái đạt chuẩn.
Bình quân cứ 4kg nhái tươi sẽ cho một kg khô, được bán với giá trung bình khoảng 500.000 đồng/kg. Vào dịp Tết hay các ngày lễ đặc biệt, khô nhái sẽ có giá lên tới 600.000 đồng/kg nhưng vẫn không có đủ hàng bán. Hiện tại, nghề làm khô nhái đang mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều bà con miền Tây.
Khô rắn
Với địa hình nhiều sông, hồ, kênh, rạch… nên tại miền Tây có rất nhiều loại rắn nước hiền lành, không có độc và đặc biệt, rắn từ lâu đã trở thành món đặc sản nổi tiếng của miền Tây. Một trong số những cách chế biến các loại rắn rắn bông súng, rắn râu, rắn nước, rắn trun…. là làm khô. Khô rắn khi ăn có mùi vị thơm ngon, hương thơm không lẫn vào đâu được nên rất được khách du lịch ưa chuộng và ưu ái gọi là đặc sản miền Tây.
Khô rắn miền Tây trông có vẻ đáng sợ, nhưng chúng có mùi vị thơm ngon, hương thơm không lẫn vào đâu được nên rất được khách du lịch ưa chuộng
Để làm ra khô rắn, cần bắt các loại rắn về cắt tiết, lột hết phần da, loại bỏ phần xương, nội tạng rồi sau đó tẩm ướp gia vị. Miếng khô rắn thoạt nhìn khó có thể biết là loại thịt gì bởi khô rắn không còn da, thịt rắn đã được lọc tách cẩn thận, chính vì vậy trông không còn đáng sợ. Vào mùa nước nổi, đến khu vực biên giới giáp Campuchia thuộc xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang sẽ thấy không khí làm khô rắn ở các lò chế biến khô rắn độc nhất miền Tây rộn ràng như thế nào.
Do cách làm khá kỳ công nên khô rắn cũng có giá rất đắt đỏ. Cứ 12 kg rắn sống cho ra 1kg khô, giá bán bình quân từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg, lúc cao điểm nhất trong dịp Tết, giá tăng lên 350.000 - 500.000 đồng/kg nhưng không có hàng đáp ứng.
Khô chuột đồng
Về miền Tây chắc chắn không thể bỏ qua những món ngon từ thịt chuột đồng, thơm mùi lúa gạo. Các món ăn có thể thưởng thức tại chỗ như thịt chuột nướng lu, phá lấu chuột… vốn đã quá nổi tiếng, nhưng có một món thịt chuột có thể mang về làm quà, đi đường xa không lo hư hỏng chính là khô chuột đồng.
Chuột đồng - loài ai gặp cũng xua đuổi nhưng là đặc sản ở miền Tây
Khô chuột đồng rất được ưa chuộng
Khô chuột đồng nổi tiếng nhất ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Những con chuột đồng mà người nông dân bắt từ ruộng lúa về được sơ chế sạch, sau đó ướp với gia vị chờ cho thấm rồi đem đi sấy khô.
Hiện giá bán mỗi kg khô chuột từ 150.000-170.000 đồng. Có thể dễ dàng tìm các loại khô chuột đồng tại chợ đặc sản, chợ đầu mối miền Tây. Khô chuột đồng tuy không quá phổ biến, nhưng cũng là món được nhiều dân nhậu săn lùng. Mua khô chuột đồng về nướng trên than nóng, khi chín đập dập rồi chấm muối tiêu chanh. Món ăn đặc sản này giòn rụm, ăn vừa béo, vừa ngậy, lại có vị cay cay, thơm thơm của gia vị, được dân mạng truyền tai nhau.