Từng là món ăn của người nghèo, giờ đây củ mài lên đời thành đặc sản ở thành phố, có thể làm thành nhiều món ăn ngon.
Củ mài còn có tên gọi khác là củ khoai mài, là loại cây dây leo mọc hoang dại ở vùng núi miền Bắc, miền Trung. Mấy năm gần đây, nhiều người mang củ mài về trồng để bán ra thị trường.
Cây củ mài thuộc họ thân leo, lá cây hình tim, mọc so le và thường có cục nhỏ ở góc lá gọi là dái mài. Mỗi cây thường cho một hoặc hai củ. Củ mài hình trụ dài ăn sâu xuống đất, có thể dài tới hàng mét, vỏ xù xì có màu nâu rất dễ phân biệt.
Củ mài dài cả mét, trước đây chúng mọc dại ở trong rừng, nay được người dân mang về trồng trong vườn nhà để bán ra thị trường
Được biệt, củ khoai mài thường được thu hoạch vào mùa hè khi lá cây đã lụi hết. Trước đây, thời kỳ còn khó khăn, củ mài được sử dụng như một loại lương thực chống đói. Người dân vào rừng đào đủ mài về để ăn thay cơm.
Chị Loan (ở Yên Bái) kể: "Mình còn nhớ củ mài dài lắm, mỗi khi đi rừng bố thường đào được 5-7 củ mài để ăn dần. Sau khi mang về, củ mài được rửa sạch, cắt từng khúc nhỏ rồi đem luộc. Hồi bé, mình hay ăn củ mài chấm đường, củ này có nhiều bột, ngọt thanh, ăn ngon miệng và hấp dẫn hơn khoai.
Ngoài ra, củ mài nấu chè và nấu cháo cũng rất ngon. Chè củ mài có độ dẻo dai một cách đặc biệt, hòa quyện hương thơm tự nhiên lan tỏa làm ai cũng thấy thèm. Loại chè này ăn nguội mới ngon. Bây giờ ở quê mình nhiều người mang về trồng để bán thị trường".
Loại củ này nhiều tinh bột, ngọt thơm, có thể chế biến các món ngon
Theo chị Loan, khi trồng củ mài, người nông dân phải tạo luống với độ sâu vừa phải, trải phía dưới 1 lớp vỏ bao xi măng để hạn chế củ mọc sâu xuống đất. Đây là cây trồng không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ chăm sóc, nhân công ít, nhưng mang lại thu nhập đáng kể.
Từ củ mài có thể làm thành nhiều món như luộc, chấu chè, hầm xương, bột củ mài để nấu súp, nấu cháo... Mấy năm nay, củ mài được bán trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Vì lạ miệng và bổ dưỡng nên nhiều người đặt mua củ mài về chế biến món ăn.
Ngoài ra, củ mài sau khi sấy khô còn là vị thuốc được dùng nhiều trong đông y với tên gọi là hoài sơn hay sơn dược.
Chè củ mài và cháo củ mài là 2 món hấp dẫn nhất được chế biến từ củ khoai mài
Ông Hiệp (ở Hà Tĩnh) chia sẻ cây củ mài có 3 loại, đó là loại dây mọc có gai, loại dây trơn và loại dây xanh. Trong 3 loại đó, củ mài dây xanh chiếm ưu thế vượt trội, ưa thích quang hợp và cho năng suất cao.
"Trồng củ mài không khác mấy so với trồng khoai lang. Mùa khoai mài bắt đầu từ tháng Chạp, đến đầu tháng 10 năm sau, thân cây héo dần, lá rụng, báo hiệu mùa thu hoạch. Tôi trồng 3 sào củ mài, mỗi năm trồng đơn giản, ít mất công sức, cho thu nhập 150 triệu đồng", ông Hiệp chia sẻ.
Với đông y, củ khoai mài là dược liệu quý, có tác dụng tốt, như chống lão hóa, trị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể…