Loại cua này sống trong núi đá, ăn lá rừng, thịt rất chắc, ngọt, thơm và có vị hấp dẫn riêng.
Cua đá có tên khoa học là Gecarcoidea lalandii, thuộc họ cua đất (Gecarcinidae). Loài cua này không thực sự phổ biến trên thế giới và chỉ được tìm thấy ở một số nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, cua đá suối thường sinh sống ở trong các hốc đá, khe nước,.. ở trong các khu vực rừng núi thuộc tỉnh Hà Giang, được xem là đặc sản của núi rừng. Do sống ở địa hình hiểm trở nên việc bắt cua đá suối tương đối khó khăn và cần có một chút kỹ năng cùng sự kiên trì.
Cua đá là đặc sản núi rừng của vùng đất Hà Giang
Đúng như tên gọi thì cua đá sở hữu bộ vỏ mai vô cùng cứng chắc và rất khó để con người phá vỡ hoặc loại bỏ bằng lực tay thông thường. Màu sắc của lớp vỏ mai thường là màu tím sẫm. 8 cẳng chân của cua đá tương đối dài nhưng 2 chiếc càng lại khá ngắn. Tuy nhiên khi trưởng thành thì càng của chúng được đánh giá là tương đối lớn.
Nhìn bề ngoài, những con cua này có hình dáng rất giống với các loại cua biển, cua đồng, chúng to bằng nắm tay, có màu đậm, chân dài, càng ngắn nhưng to và khỏe. Mỗi con cua nặng khoảng 0,2-0,3 kg. Người dân ở Hà Giang cho biết loài này thường xuất hiện khi trời mưa, mùa mưa là lúc chúng bò ra khỏi hang để kiếm ăn nên lúc này bắt cua núi đá là phù hợp nhất. Thức ăn của loài này là côn trùng, các loại lá rừng nên thịt chắc, ngọt và có mùi vị hấp dẫn riêng.
Là người bán đặc sản cua núi đá Hà Giang trên chợ mạng, chị Hoàng Minh Anh cho biết loài cua này thường sống nép mình ở dưới các hốc đá, hang đá để tránh ánh nắng mặt trời. Chúng chỉ ra ngoài bờ suối tìm kiếm thức ăn khi trời mưa. Vì vậy, muốn bắt được loại cua này phải đi bắt vào những ngày mưa.
Cua đá chỉ xuất hiện khi trời mưa
1kg cua đá có giá khoảng 170.000 đồng
"Trước đây cua đá có nhiều lắm, mỗi khi đến mùa mưa, chúng tôi lại hẹn nhau đi bắt về chế biến thành các món ăn ngon. Thời đó, ít ai mang cua đá đi bán, nếu có bán thì giá cũng rất rẻ vì việc bắt nó rất dễ dàng. Còn giờ đây, cua đá trong tự nhiên hiếm hơn rất nhiều, lại được nhiều người tìm mua nên giá cũng đẩy lên cao", chị Anh chia sẻ.
Theo chị Anh, cua đá rất khôn, chỉ cần có tiếng động nhỏ là chúng bỏ chạy ngay vào các hốc đá ẩn nấp. Vì thế muốn bắt cua thì phải đi vào ban đêm. Lúc đó, chỉ cần rọi đèn pin là chụp được cua cho vào giỏ, nhưng bắt cua cũng cần có kỹ năng và phải nhanh, nếu không sẽ bị cua cắp vào tay rất đau, cua đá càng rất khỏe.
Theo khảo sát, trên chợ mạng, những con cua đá to từ 5-6 con/kg bán với giá 170.000 đồng/kg; loại nhỏ từ 7-8 con giá 115.000 đồng/kg; loại 10-12 con/kg thì chỉ 50.000 đồng/kg. Cua chủ yếu vận chuyển đi các tỉnh như Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình… để bán online hoặc bán cho nhà hàng.
Cua đá có trong tự nhiên, thịt chắc, ngọt nên được nhiều người lựa chọn
Cũng là người bán đặc sản cua đá trên chợ mạng, anh Phú Nguyễn (ở Hà Giang) cho hay: "Cua đá bây giờ hiếm hơn trước rất nhiều. Càng lên núi cao thì cua đá càng to và ngon nên nhóm của tôi thường leo lên được đỉnh núi, đi bộ khoảng 1-2 tiếng mới đến chỗ bắt cua.
Những hôm mưa, đi một đêm mỗi người cũng bắt được nửa bao tải cua, khoảng 10-20 kg rồi bán cho thương lái, hoặc bán đi các tỉnh thành. Đây là cua có trong tự nhiên, thịt săn chắc, ngọt, giá lại rẻ hơn nhiều so với cua biển rất được khách ở tỉnh lựa chọn".
Mùa cua núi đá chỉ có từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Cua đá rửa sạch, để nguyên con hấp bia là cách chế biến nhanh nhất mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon. Ngoài hấp bia, còn có thể chế biến các món khác như cua đá rang muối, hấp sả, bún riêu cua đá.