"Cần phải tìm hiểu và chuẩn bị hành trang thật kỹ trước khi đi để không bị sốc và thất vọng, nhất là các bạn nữ, nếu không chuẩn bị kỹ các bạn sẽ gặp khó khăn hơn các bạn nam rất nhiều..."
Thời còn đi học phổ thông, thế hệ 8x chúng tôi bắt đầu đón nhận làn sóng Hàn Quốc đầu tiên với bộ phim truyền hình đình đám “Mối tình đầu”. Từ lúc đó đến bây giờ, làn sóng Hàn Quốc đã lan truyền và có ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.
Việc các bạn trẻ thế hệ 9x, 10x hâm mộ đến phát “cuồng” tài tử Hàn Quốc đẹp trai, hay các ban nhạc Kpop đã không còn là chuyện lạ. Tôi không bàn luận sâu về vấn đề này bởi vì có rất nhiều bài báo và trên các diễn đàn mạng xã hội đã mổ xẻ. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến một khía cạnh rất nhỏ trong sự ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc, đó là du học.
Hình ảnh đường phố Hàn Quốc (Ảnh internet)
Nhiều bạn nữ thế hệ 9x khi học hết phổ thông đã khăn gói lên đường du học Hàn Quốc với bao ước mơ hoài bão. Hàn Quốc trong tâm trí các bạn ấy là thiên đường nơi có các hoàng tử đẹp trai, nơi tình yêu luôn lãng mạn, mùa thu có thảm lá vàng, mùa đông có tuyết trắng mộng mơ... Thậm chí, lý do và động lực thôi thúc các bạn lên đường chỉ là sang để gặp được "Upa". Điều đó không có gì là sai vì ai cũng có ước mơ, hoài bão. Mà những "mơ mộng" thì đương nhiên là toàn chuyện tốt đẹp.
Chỉ có điều, khi các bạn sang đây, đến quá nửa là thất vọng ngay từ ngày đầu, nhất là những bạn không có người thân, bạn bè ở Hàn Quốc. Mặc dù, mới lần đầu đặt chân lên đất Hàn, cảm nhận chung của bất kỳ người Việt Nam nào cũng vô cùng tốt đẹp. Đất nước Hàn Quốc hiện ra với giao thông thuận tiện, đường sá sạch sẽ và nhất là thái độ phục vụ của người Hàn gây được thiện cảm. Họ ăn nói nhỏ nhẹ, lịch thiệp.
Thất vọng vì chuyện ở
Vấn đề chỉ thực sự xảy ra khi bạn phải quay về thực tại với việc đầu tiên, đó là thuê được nhà để ở. Nhiều bạn sẽ nghĩ sao không vào ký túc xá. Xin thưa với các bạn rằng ký túc xá ở Hàn vô cùng đắt đỏ, nhất là các trường nằm ở thành phố lớn. Thường thì chỉ các bạn có điều kiện kinh tế khá giả mới ở được ký túc xá. Điều này hơi ngược với Việt Nam. Thêm nữa việc ra vào ký túc xá khá phiền phức, bạn phải quẹt thẻ thì cửa ra vào mới mở. Để đảm bảo an ninh, bạn bè của bạn không được vào thăm và nếu chẳng may bạn làm mất thẻ thì bạn sẽ gặp nhiều khó khăn để được cấp lại.
Phần đông du học sinh Việt Nam chọn thuê nhà bên ngoài. Nếu thuê nhà trọ ở Hàn Quốc bạn phải đặt cọc một số tiền từ 3.000 đến 5.000 USD (khoảng 65-hơn 100 triệu đồng) cho một phòng trọ vỏn vẹn 10 m2 khép kín. Chủ nhà sẽ giữ số tiền này đến khi hết hạn hợp đồng. Tiền thuê hàng tháng cũng không hề rẻ, trung bình cũng tầm 350 USD/tháng (khoảng 7,7 triệu đồng). Hầu hết các bạn mới từ Việt Nam sang lần đầu chưa từng nghe qua về điều này.
Hơn nữa tìm được nhà trọ vào mùa nhập học cũng là điều vô cùng khó khăn. Bạn sẽ phải nhờ đến các trung tâm môi giới. Họ sẽ móc hầu bao của bạn một khoản tiền công kha khá nữa.
Vậy trong thời gian chờ đợi trung tâm môi giới tìm nhà cho bạn thì bạn sẽ ở đâu? Bạn chỉ còn một lựa chọn duy nhất là ở Gosiwon - phòng trọ tạm thời. Ở đây bạn sẽ không phải đặt cọc. Nhưng đi kèm với nó sẽ có rất nhiều điều bất tiện.
Gọi là căn phòng cho hoành tráng chứ kỳ thực nó còn nhỏ hơn nhà tắm của các bạn ở nhà, với diện tích chỉ khoảng gần 3m2. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn đã bật khóc khi lần đầu phải ở Gosiwon.
Đối với các bạn nữ đồ đạc lỉnh kỉnh thì ngủ trong chiếc “hộp” này thật không thoải mái chút nào. Nhà tắm và nhà vệ sinh thì được gọi là nhà “liên hợp quốc”. Bởi vì bạn sẽ phải dùng chung với khoảng vài chục người trong các “hộp” khác nữa đến từ đủ các quốc gia chủ yếu là Nam Á và Châu Phi. Nói cho khách quan thì không khác nhà vệ sinh công cộng ở các khu tập thể ở Việt Nam cho lắm.
Phòng trọ Gosiwon diện tích gần 3m2 với gần 4 triệu/tháng
Ăn uống: Giá thịt đắt đỏ, rất ít loại rau
Chuyện ăn uống thì đỡ hơn chút vì các món Hàn đã khá phổ biến ở Việt Nam. Các bạn có thể ăn ở căng-tin nhà trường với giá cả cũng chấp nhận được. Tuy nhiên, mỗi suất cũng giá 70.000 đồng và... bé tí tẹo.
Tuy nhiên, ăn mãi ở căng-tin trường cũng chán. Nếu muốn tự nấu nướng thì bạn phải tính toán chi phí. Ở Hàn, thịt bò dao động từ 700.000-2 triệu đồng/kg, thịt lợn khoảng 200.000- 400.000 đồng/kg. Thịt gà thì rẻ hơn khoảng hơn 100.000 đồng/con.
Đối với những bạn thích ăn rau thì lựa chọn Hàn Quốc có vẻ hơi sai lầm bởi ở đây không đa dạng các loại rau như ở Việt Nam, chủ yếu ăn bắp cải và cải thảo với giá khoảng 70.000 đồng/bắp.
Học hành vất vả hơn ở quê nhà
Công việc chính đi du học là phải học mà. Việc học đại học ở Hàn vất vả hơn nhà rất nhiều. Điểm số được tính theo cả quá trình bạn học và bài thi cuối kỳ thường chỉ chiếm khoảng 40% số điểm. Điều này làm cho các bạn phải cố gắng trong suốt cả kỳ chứ không chỉ cắm đầu ôn gần kỳ thi học kỳ như ở nhà.
Nhiều môn bạn còn phải đi lấy số liệu thực tế, đi khảo sát. Bạn phải đi thật chứ không bịa được đâu nhé, họ có cơ chế kiểm soát rất chặt chẽ. Nếu bạn muốn có một kết quả tốt thì hầu như bạn không có thời gian cho việc đi chơi.
Sống một mình xa nhà, bạn vừa chăm chỉ học tập nhưng cũng cần phải tự lo giữ sức khỏe cho mình. Bạn nào đã từng phải đi khám bệnh chắc hẳn đều rất sốc về giá dịch vụ y tế ở đây.
Chăm sóc sức khỏe: Tuyệt vời nhưng chi phí rất cao
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Hàn thì rất chu đáo, tuyệt vời nhưng có thể bạn sẽ ngất xỉu và “nhập viện” trở lại khi nhận được hóa đơn thanh toán viện phí.
Một ca bó bột gãy chân nếu không có bảo hiểm sẽ tiêu tốn khoảng 7.000 USD. Nếu có bảo hiểm bạn chỉ còn phải thanh toán gần 1.000 USD, một con số vẫn còn rất gây sốc đối với tất cả người Việt.
Bên cạnh đó, với số tiền 1.000 USD để nhổ chiếc răng sâu thì nhiều bạn đã chọn giải pháp chịu đau đớn để đợi về Việt Nam chữa trị cho kinh tế.
Đi Hàn không có nghĩa là dễ dàng gặp sao Hàn
Chuyện thần tượng thì sao nhỉ, cơ hội gặp thần tượng của các bạn cũng rất hiếm. Để có vé vào xem thần tượng biểu diễn vô cùng đắt đỏ và bạn chỉ có thể đứng từ xa trước hàng rào bảo vệ dày đặc. Nhiều bạn ở nhà cứ nghĩ rằng sang là gặp được thần tượng như gặp hàng xóm nhà mình vậy, thực tế là chẳng hề dễ dàng chút nào.
Thế còn các anh chàng Hàn Quốc đẹp trai như trong phim thì sao? Thực tế và trong phim khác nhau nhiều lắm. Hàn Quốc rất giỏi khâu quảng bá, marketing giống như câu các cụ nhà ta hay nói: “Đẹp phô ra”. Xét về độ ga-lăng thì có lẽ trái ngược với phim 100% luôn.
Theo phỏng đoán của mình thì có hai lý do chính: Một là phụ nữ Hàn khá chủ động trong công việc, điều này có thể là hệ quả của việc nam nữ bình đẳng cho nên họ không cần giúp. Hai là nam giới ở Hàn họ rất sợ bị quy vào tội quấy rối tình dục. Các bạn đều biết tội danh liên quan đến tình dục ở Hàn bị phạt rất nặng, thậm chí là “thiến” sinh học. Thế nên họ tránh cho lành kẻo “giúp người không khéo mang vạ vào thân”.
Đường phố ở Hàn khá nhiều dốc cao vì địa hình của họ chủ yếu là đồi núi. Hình ảnh một cô gái Hàn mảnh mai tự mình leo dốc kéo hai vali đồ đạc cồng kềnh mà không có ai giúp là chuyện bình thường. Các bạn nữ sang du học một mình hãy chuẩn bị tinh thần trước rằng bạn sẽ phải kéo vali một mình và không có chàng hoàng tử nào xuất hiện để giúp đỡ đâu nhé.
Hình ảnh khá phổ biến trên đường tại Hàn Quốc
Thay cho lời kết, người viết chỉ muốn nhắn nhủ rằng, quyết tâm du học là điều tốt, sẽ học hỏi được nhiều điều mới. Thế nhưng, các bạn phải tìm hiểu và chuẩn bị hành trang thật kỹ trước khi đi để không bị sốc và thất vọng. Nhất là các bạn nữ, nếu không chuẩn bị kỹ các bạn sẽ gặp khó khăn hơn các bạn nam rất nhiều.
Theo Nguyễn Hoàng Nam, từ Seoul, Hàn Quốc