Dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ khó khăn, điều này ảnh hưởng đến giá cả và đầu ra của gà lông trắng tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Long An…. Hiện, gà lông trắng giá thấp chưa từng có, chỉ còn 7.000 đồng/kg mà dân nuôi khó bán được.
Nuôi gần 200.000 con gà lông trắng, ông Hải – chủ trại chăn nuôi tại Đồng Nai, lắc đầu ngán ngẩm về tình trạng đang tồn đọng toàn bộ số gà mà ông đang nuôi. Ông cho biết giá gà xuống thấp hơn nhiều so với giá vốn nuôi mà cũng chẳng ai mua.
“Giá gà trắng hiện tại chỉ 6.000 – 7.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không đến mua. Trong khi đó, chi phí để nuôi thành gà thương phẩm vào khoảng 28.000-29.000 đồng/con và nuôi trong khoảng hơn 30 ngày”, ông chia sẻ.
Gà quá lứa, không bán được khiến chuồng nuôi chật chội. Cộng thêm thời tiết nắng nóng, đàn gà nhà ông mỗi ngày chết cả trăm con. Trước tình trạng này, ông lo sợ sẽ mất trắng đàn gà.
Giá gà công nghiệp giảm sâu, trong đó gà trắng chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg.
Chung tình trạng, nhà chị Út (Xuân Lộc, Đồng Nai) cũng có hàng nghìn con gà đến độ tuổi xuất bán mà chưa bán được. Chị đang mỏi mắt tìm đầu ra, nhờ bạn bè, người thân đăng bán giúp và bản thân chị đăng khắp các diễn đàn trên mạng tìm người mua.
“Tôi có đăng bán và nhờ mọi người tìm thương lái mua giúp nhưng có vẻ không khả quan. Dù đã miệt mài đăng bài cả tuần này, tôi vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào từ thương lái. Gà thì quá lứa, tôi chẳng biết phải làm gì với số gà này”, chị chia sẻ.
Không chỉ ở Đồng Nai, các trang trại, hộ chăn nuôi gà lông trắng, lông màu ở các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… cùng chung tình trạng khi giá gà giảm thấp chưa từng có mà vẫn không thể bán được.
Dù giá gà đã chạm đáy, các hộ chăn nuôi vẫn không thể tìm được đầu ra cho đàn gà nhà mình.
Trao đổi với báo chí, Ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, lý giải nguyên nhân khiến giá gà lông trắng tại các tỉnh phía Nam chạm đáy là do nhu cầu tiêu thụ tại các kênh đều giảm.
Theo ông, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều khu công nghiệp thực hiện giãn cách, bếp ăn tập thể giảm số lượng suất ăn, các cửa hàng làm đồ ăn nhanh cũng đóng cửa thời gian dài… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ thịt gà, bởi gà thịt công nghiệp chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, khu chế xuất, bếp ăn công nghiệp và hệ thống thức ăn nhanh.
Trước tình thế trên, Tổ công tác tiền phương Bộ Nông nghiệp ở TP.HCM cũng đã kết nối với các doanh nghiệp có nhà máy giết mổ công suất lớn chuẩn bị phương án tăng công suất giết mổ để bù vào phần thiếu hụt do các cơ sở nhỏ lẻ dừng hoạt động.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết sẽ thúc đẩy hơn nữa các chuỗi liên kết để hỗ trợ các HTX chăn nuôi. Đồng thời, ông cũng đề nghị các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 hướng dẫn các chốt kiểm soát dịch tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông xuyên suốt…