Thứ rau mọc dại ở vùng đất ngập mặn giờ đây là đặc sản có mùi vị riêng, được nhiều người săn lùng với giá lên tới 120.000 đồng/kg.
Rau muối có tên khoa học là Chenopodium album thuộc họ cây thảo (Chenopodiaceae) là loại cây được sử dụng làm rau ăn của bà con miền núi, ven biển. Cây bò trườn giống hệt với hoa 10 giờ, dài đến 1m, lá dài 1-2cm mọc thành chùm từ thân. Cây có hoa gồm nhiều hoa nhỏ tụ họp thành chùm màu trắng, thường ra vào tháng 4-5 hằng năm.
Rau muối mọc dại ở trên các cánh đồng lúa
Đây là loại rau mọc hoang trên đồng ruộng vào khoảng tháng 2, tháng 3 sau vụ lúa đông xuân ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nước ta, chủ yếu ở khu vực đất ngập mặn và nhiều nắng. Rau muối cũng mọc hoang và có nhiều ở các thung lũng đất trên các bãi ven sông, các bãi đất mặn và ruộng muối ở phía Bắc, ít khi thấy ở phía Nam.
Nhiều thực khách lần đầu nghe thấy tên của loại rau này cứ tưởng là do cách chế biến món rau hay là loại rong mọc ở biển, thực tế đều không phải. Người dân các vùng núi gọi là cây rau muối bởi vì cây mọc ở vùng đất ngập mặn nên khi ăn có vị mặn, nhờ vậy mà tên gọi của thứ rau dân dã này ra đời.
Từ xưa, người dân tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã biết sử dụng rau muối như một loại rau, chế biến thành nhiều món ăn ngon như luộc, xào hay nấu canh. Chị Thu Hiền - người kinh doanh quán cơm ở bên bờ biển xã Hải Dương, Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế chia sẻ: “Rau muối trông gần giống thân hoa mười giờ, có lá nhỏ li ti nằm sát đất. Người hái rau phải tỉ mẩn ngắt từng phần rau nhỏ và mất vài giờ mới có đủ để chế biến một đĩa rau muối trộn”. Được biết, rau muối trộn là món ăn đặc sản ở quán ăn của chị Hiền.
Nộm rau muối là món nổi tiếng có mặt trong các nhà hàng, quán ăn
“Hái rau xong phải đem vo nước lạnh, vắt bớt vị mặn đi. Đặc biệt, khi trộn món rau này bỏ thêm các loại gia vị như bột ngọt, ớt tỏi và đậu phộng rang (lạc rang) mà không cần nêm muối. Chỉ là món rau trộn dân dã nhưng người dân địa phương rất tự hào để giới thiệu mỗi khi có khách phương xa tìm đến”, chị Hiền nói thêm.
Rau muối có vị ngọt, tính bình thanh mát, khi ăn có vị mặn và chát nhẹ ở đầu lưỡi rất lạ miệng và dễ ăn. Rau có mùi thơm đặc trưng của hương đồng cỏ nội, màu sắc cũng xanh thẫm trông không đẹp mắt nhưng lại rất ngon. Ngoài ra, rau muối còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và có công dụng chữa bệnh trong đông y.
Theo nghiên cứu, rau muối chứa protein, lipid và các chất khác. Nhiều nơi trên thế giới như ở Ấn Độ, rau muối được trồng để dùng trong nhiều món ăn, nấu súp và chế các dạng nước uống từ hạt lên men vì rất tốt cho sức khỏe.
Rau muối sau khi được thu hoạch.
Cây rau muối dễ trồng bằng hạt, phát triển tốt trên mọi loại đất, không thấy sâu bệnh, ưa nắng và nước ngập mặn. Tuy nhiên những người làm nghề hái rau muối ở Hương Phong (thị xã Hương Trà, Huế) ngày càng ít đi. “Trước đây nước mặn xâm nhập lên vùng thượng nguồn, rau muối mọc nhiều. Từ khi công trình ngăn mặn, giữ ngọt được đưa vào sử dụng, loại rau này vắng bóng hẳn. Hơn nữa, việc hái rau khá kỳ công nên nguồn cung cấp ít dần. Rau muối nằm lẫn trong cỏ, muốn thu hái chỉ còn cách ngồi phơi mình dưới cái nắng gắt mùa hè, tỉ mẩn gom góp từng nhánh rau nhỏ”, chị Tiểu Bình cho hay.
Rau muối được người hái bán cho các quán ăn, nhà hàng ở Huế với giá khoảng 50.000 đồng/kg, một số nơi bán quà quê của Huế nhập rau muối làm món đặc sản hoặc một vài người mua về làm quà với giá dao động 70.000 - 120.000 đồng/kg, tùy mùa nắng mưa. Ngay cả người địa phương muốn ăn món rau này cũng phải điện thoại “đặt hàng”, hái được nhiêu sẽ bán hết sạch. Chị Bình cho biết, mỗi tháng tranh thủ chuyện đồng áng chị hái rau muối đi bỏ sỉ mỗi ngày 5-7kg, tháng kiếm thêm 2-3 triệu đồng.
Người dân ở Huế đi hái rau muối ở các vùng đất ngập mặn.
Anh Nguyễn Anh Phương (TP. Huế) kể: “Tôi thích cảm giác mằn mặn, sật sật của món rau muối trộn. Vì là rau sạch nên khi nào về chơi ở Cồn Tè, gia đình đều gọi điện thoại dặn trước chủ quán và nhờ mua một ít lên chế biến đãi bạn bè. Gặp lại rau muối như gặp lại ấu thơ, chỉ mong người dân sớm trồng loại rau này thông dụng vì có thể cho ra một thứ hàng hóa có giá trị kinh tế trên thị trường nông sản”.
Theo Đông y, rau muối có tác dụng chống viêm, an thần, nhuận tràng nhẹ, trị kiết lỵ, tiêu chảy, rắn độc cắn. Nước sắc rau muối làm thuốc chữa đau răng, chân răng có mủ (sắc đặc, để ngậm trong miệng). Rễ sắc uống chữa đau bụng (20g rễ, sắc nước uống, chia 2 lần trong ngày). Hạt nhai chữa các bệnh đường tiết niệu. Nước ép thân dùng chữa vết tàn nhang và cháy nắng.