Loại rau này mọc dại ở các vách núi đá, không cần chăm sóc cũng tươi xanh mơn mởn. Trước đây nó là thứ rau "cứu đói" của bà con dân tộc, còn bây giờ nó trở thành đặc sản ngon, lạ được nhiều người lùng mua về thưởng thức.
Ai đã từng đến với núi rừng Tây Bắc, được ngủ nhà sàn, đến các chợ phiên, hay thưởng thức các món đặc sản núi rừng thì chắc hẳn sẽ biết tới món rau dạ hiến.
Dạ hiến (hay còn gọi là rau bồ khai, khau hương), tiếng Tày - Nùng gọi là Phjắc diển. Loại rau này thường mọc hoang dại bạt ngàn ở vùng núi đá Tây Bắc, nhiều nhất là ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Loại rau này có mùi giống với mùi bia, hơi khai nồng nên mới được gọi là bồ khai.
Rau dạ hiến mọc ở vách núi đá, vào mùa từ sau Tết Nguyên đán
Chị Bình - ở xã Quốc Dân, huyện Quảng Yên, Cao Bằng cho biết loại rau dại này không sống ở vùng đất màu mỡ mà mọc trên núi đá, chia thành nhiều nhánh, bò, bám vào thân cây gỗ vươn lên lấy ánh sáng mặt trời. Vào mùa xuân, rau bắt đầu trổ những mầm non, xanh tốt. Ngọn rau xanh mướt gần giống những ngọn rau su su, nhưng nhỏ và mảnh hơn, có mùi khai đặc trưng. Thời gian tháng 2 đến tháng 7 âm lịch là mùa cây phát triển, người dân nơi đây sẽ lên rừng tìm hái những ngọn rau dạ hiến xanh non, mang về chế biến thành các món ăn thơm ngon, thân thuộc.
"Trước đây, những ai vào rừng mà gặp được đám bò khai xanh mơn mởn thì may mắn vô cùng, hái về để chế biến các món ăn ngon. Một thời, dạ hiến này còn là loại rau cứu đói cho bà con dân tộc. Giờ đây nó thành đặc sản mà bất cứ ai đến với vùng đất Tây Bắc đều muốn thưởng thức. Rau dạ hiến xào tái là phổ biến nhất, ngoài ra còn có thể nhúng lẩu, nấu canh cũng rất hấp dẫn bởi vị thơm nồng, ngai ngái, ăn một lần thì nhớ mãi", chị Bình chia sẻ.
Thứ rau rừng này rất hấp dẫn bởi vị thơm nồng, ngai ngái, ăn một lần thì nhớ mãi
Lên Cao Bằng những năm trước, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bà, những mẹ gùi sau lưng mớ rau rừng xanh non từ núi xuống chợ để bán. Mỗi bó rau dại này có giá khoảng 30.000 đồng, ai cũng muốn mua về xuôi để làm quà.
Giờ đây, thứ rau dại này trở nên phổ biến hơn bởi người dân nghiên cứu và đem trồng như rau vườn nhà. Chị Nguyệt Nga (cũng ở huyện Quảng Yên, Cao Bằng) chia sẻ, năm 2016 gia đình chị thử nghiệm đem rau dạ hiến về trồng. "Gia đình tôi chuyển đổi 800m2 đất rẫy trồng ngô sang trồng dạ hiến. Không cần chăm bón và chăm sóc quá nhiều nhưng rau vẫn xanh mơn mởn do hợp đất và hợp khí hậu mát mẻ. Từ trồng rau dạ hiến, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng, đời sống gia đình được cải thiện đáng kể", chị Nga kể.
Đến mùa, người dân lại hái rau dạ hiến ra bán
Không chỉ chị Bình và nhiều gia đình khác ở Cao Bằng cũng đã thành công khi trồng thử nghiệm loại rau dại mọc ở vách đá này. "Ra Tết là dạ hiến vào mùa, bà con ngắt bán cho thương lái hay các nhà hàng, quán ăn ở địa phương. Chỉ độ 2 tuần sau rau lại ra lứa mới và có thể cắt bán tiếp. Mỗi kg tôi bán cho thương lái 35.000-45.000 đồng tùy thời điểm", chị Nga cho hay.
Hiện ở Hà Nội, rau dạ hiến được bán nhiều trên chợ mạng hay các cửa hàng bán rau đặc sản Tây Bắc với giá lên tới 110.000 đồng/kg.
Rau dạ hiến xào tái là món được ưa chuộng nhất
Không chỉ là món ăn ngon, rau dạ hiến còn được xem như một loại thuốc quý hiếm bổ thận, mạnh gân cốt. Ngoài ngọn và lá non dùng chế biến các món ăn thì những bộ phận khác của dạ hiến cũng được dùng nhiều trong đông y để làm thuốc.
Thân và lá của cây dùng được cả khô và tươi, có vị hơi đắng, tính bình, đi vào can, thận và đường niệu. Phần thân được chặt từng đoạn khoảng 2-3 cm, phơi khô đun sôi với nước để uống hạ sốt vào mùa hè hoặc chứng đau tê thấp vào mùa lạnh. Đặc biệt theo kinh nghiệm của người dân vùng Cao Bằng, rau bò khai được sử dụng chữa bệnh tốt nhất khi còn mùi vị đặc trưng.