Trước đây, rau bầu đất mọc dại ở trong vườn nhà, ven rừng ven suối không mấy ai để ý. Bây giờ thứ rau dân dã này thành món đặc sản lên tới 90.000 đồng/kg.
Rau bầu đất, hay còn được gọi với cái tên khác như kim thất, thiên hắc địa hồng, dây chua lè… ít khi được bày bán rộng rãi trong các gian hàng siêu thị hay ngoài chợ, nhưng được nhiều người sành ăn “săn lùng”.
Cây rau bầu đất có tên khoa học Gynura procumbens (Lour) Merr, họ Cúc – Asteraceae, phân bố ở nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines… những quốc gia có khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, ngoài là một loại rau ăn, nó được biết đến là một cây thuốc nam quý với nhiều tác dụng đặc biệt tốt với sức khỏe.
Xem thêm:
Loại quả xưa chín rụng vứt đi, nay là đặc sản 550.000đồng/kg, dịp Tết được "săn lùng" ráo riết
Loại quả dại xưa chín rụng đem vứt đi, giờ là đặc sản hiếm 70.000 đồng/kg, bao người nhầm lẫn
Rau bầu đất trước đây mọc dại, ít được sử dụng
Cây thuộc thân thảo, mọc bò hơi leo, cao trung bình khoảng 1m. Thân cây mọng nước, thường phân nhiều cành. Lá của cây khá dày, giòn, màu xanh đậm ở mặt trên, màu xanh nhạt ở mặt dưới, và các gân cũng đều màu xanh, lá có chiều dài từ 3 – 8cm, chiều rộng từ 1.5 – 3.5cm, hình răng ở mép, cuống dài tầm khoảng 1cm. Cụm hoa ở ngọn cây, gồm nhiều đầu màu tím ngả đỏ tía, thường ra hoa kết quả vào mùa xuân – hè.
Trước đây, loại cây này thường mọc hoang dại ở trong vườn nhà, hoặc ven rừng, ven các bờ suối, kênh mương, phân bố từ Nam ra Bắc. Cây bầu đất có sức sống mạnh mẽ, chống chịu được nắng gắt và phát triển rất nhanh nên thường bị nhổ bỏ như cây cỏ vì rất ít người ăn, một số ít chủ yếu được dùng làm thuốc.
Rau bầu đất được bán với giá khá cao trên sàn thương mại điện tử.
Theo thời gian, do quá trình công nghiệp hóa, canh tác theo phương thức hiện đại hóa khiến giống rau này trở nên khan hiếm, chỉ còn một số ít gia đình có xu hướng tự trồng loại rau này để đảm bảo sạch, an toàn và được dùng để nấu canh, làm thuốc chữa một số bệnh thông thường, phục vụ nhu cầu của gia đình chứ không có ý định canh tác quy mô rộng. Thế nhưng ngày nay, cây bầu đất rất được ưa chuộng, nhiều người tìm loại rau này trên các sàn thương mại điện tử với giá giao động từ 65.000- 90.000 đồng/kg nhưng cũng rất khó tìm.
Rau bầu đất có thể chế biến thành nhiều món ngon trong bữa cơm gia đình.
Theo chia sẻ của nhiều vị khách, lý do cây bầu đất đột nhiên trở nên “hot” là bởi xu hướng tìm kiếm các giống rau sạch và tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Cây bầu đất không cần phun thuốc trừ sâu hay bón phân vẫn cho ra sản phẩm có sản lượng tốt và đảm bảo chất lượng không thua kém các sản phẩm thuần nông, rau củ hữu cơ 100% sạch. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra giống cây này còn có rất nhiều tác dụng cực tốt cho sức khỏe.
Trong các bữa ăn gia đình, loại cây này có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như xào, nấu canh, là rau ăn kèm với các món lẩu, nhúng, mì gói… với mùi vị cay nhẹ, ngọt thanh rất dễ ăn và ngon miệng. Đặc biệt vào mùa hè, một đĩa rau bầu đất luộc có tính thanh nhiệt, giải nhiệt rất tốt. Một số nhà hàng, quán ăn cũng sử dụng rau bầu đất trong thực đơn.
“Ngày xưa cứ đến mùa hè là lại ra ven mương hái một nắm bầu đất về luộc hay xào vì chúng mọc dại khá phổ biến vào mùa nắng. Thế nhưng bây giờ thì không còn thấy nữa, muốn mua ở trên mạng nhưng quá trình di chuyển về đến nơi rau cũng khó giữ được độ tươi ngon”, chị Ngọc Hạnh (32 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ.
Chị Thúy Vy (37 tuổi, TP.HCM) cho hay: “Mình khá thích giống rau này vì ăn rất ngon lại có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Vào mùa hè, mình cố gắng tìm giống cây đã được giâm cành để trồng để tự trồng vì tìm mua khá khó nếu mua số lượng ít. Tuy nhiên việc tìm giống cây này cũng không hề dễ dàng”.
Tìm cây giống bầu đất cũng không dễ dàng.
Với giá trị kinh tế khá lớn, anh Tuấn Trần (45 tuổi, Gia Lai) cùng nhiều nhà vườn xung quanh bắt đầu tìm hiểu và phát triển giống cây này để phục vụ thị trường bằng hình thức bán qua mạng và bỏ sỉ ở nhiều nhà hàng. Theo chia sẻ anh Tuấn Trần, giống cây này bây giờ không dễ tìm, muốn trồng với số lượng lớn phải huy động cây con ươm sẵn trong bầu hoặc hạt giống từ nhiều nguồn khác nhau.
Dù vậy, rau bầu đất rất dễ trồng và chăm sóc, do đó nhà vườn của anh Tuấn Trần vẫn có mặt hàng này phục vụ khách hàng quanh năm. Tuy với số lượng không nhiều nhưng đảm bảo được canh tác sạch, 100% không dùng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Đặc biệt, với khí hậu nắng nóng quanh năm như ở Gia Lai, giống cây này phát triển rất tốt. Nếu có thể mở rộng quy mô, loại rau này sẽ mang lại một nguồn thu khá lớn cho gia đình anh Tuấn Trần cùng các nhà vườn khác.
Cũng trồng rau bầu đất nhưng với phương thức canh tác “hiện đại” hơn, một trung tâm ở Gia Lai đã thử nghiệm mô hình sản xuất các loại rau rừng theo hướng thương mại, trong đó có giống cây bầu đất. Cây bầu đất được mang vào nhà kính, trồng dưới hệ thống tưới tự động và bón phân vi sinh. Do hợp khí hậu, thời tiết tại Lâm Đông nên trên diện tích 100m2, chỉ sau gần 2 tháng, rau rừng đã cho thu hoạch với sản lượng gần 200kg mỗi tháng.
Theo Đông y cổ truyền, cây bầu đất có tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu hoặc dùng để điều trị bệnh viêm phế quản, đau nhức xương khớp. Có thể sử dụng chữa viêm họng, viêm phế quản mạn tính, phong tê thấp khớp xương đau nhức, chấn thương sưng đau… Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra thành phần flavonoid trong dược liệu này mang lại tác dụng chống viêm, chiết xuất của nó có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị viêm da do vi rút Herpes, giúp nhanh lành, giảm đau, giảm ngứa.