Ít ai biết được rằng hai loại cây dại này lại có thể chế biến thành những món ngon khó cưỡng, nổi tiếng cả một vùng.
1. Cây dâm bụt
Cây dâm bụt được biết tới là loài cây được trồng để làm hàng rào, làm cảnh hoặc chúng mọc dại ở khắp mọi nơi, bất cứ chỗ nào có bãi đất trống.
Theo tìm hiểu, ở miền Nam cây hoa dâm bụt được gọi là bông bụp, chúng còn có các tên gọi khác là xuyên can bì, thuộc họ cẩm quỳ, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Á. Đây là loại cây nhỡ, cao từ 1 – 2m, lá đơn, mọc cách, phiến lá khía răng cưa. Hoa to, màu đỏ hồng, cũng có loại màu trắng hồng, màu vàng, hoa thường mọc ở nách lá hay đầu cành.
Hoa dâm bụt có màu sắc rực rỡ, tươi sáng, chúng thường nở cùng lúc vô cùng bắt mắt.
Ít ai biết được rằng ngoài công dụng làm cảnh thì lá của loại cây này còn có thể chế biến thành món ăn dân dã của người dân ở các làng quê - canh cua rau dâm bụt. Đặc biệt ở Ninh Bình, loại lá cây vốn mọc hàng rào này trở thành “đặc sản”, ghé cố đô Hoa Lư ngàn năm nhất định phải thưởng thức bát canh cua đồng nấu với rau dâm bụt mát lành, được ăn kèm với cà pháo muối... Đơn sơ vậy thôi mà cứ ăn hoài hết chén cơm này tới chén cơm khác.
Ngoài ra, lá dâm bụt còn có thể luộc chấm nước mắm tỏi ớt ăn rất ngon và mát. Rau dâm bụt xào tỏi cũng là một món ăn cực nổi tiếng tại đất Ninh Bình. Nhiều người lần đầu nghe tới canh rau dâm bụt cua đồng, dâm bụt luộc, xào tỏi… chắc hẳn phải hốt hoảng: “Thứ rau mọc dại này mà cũng làm được nhiều món ăn vậy sao?”...
2. Cây lá dít
Cây dít thuộc họ Zanthoxylum. Họ này có khoảng 250 loài, trong đó có loại gọi là cây sưng, sâng. Trung Quốc gọi là lưỡng diện châm vì hai mặt lá đều có gai. Cây dít là cây bụi thân leo, có gai. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm năm lá chét nguyên. Tại Việt Nam, cây lá dít mọc hoang dại khắp nơi, leo bờ rào ở một số huyện miền núi của tỉnh Phú Yên như Sơn Tịnh, huyện Sơn Hòa.
Nhìn bề ngoài, lá dít trông tựa như lá trà nhưng nhỏ hơn và mặt dưới phơn phớt tím. Một số dân sành ăn ở Phú Yên thích mê thứ "lá giang rừng" mới lạ này.
Anh Nguyễn Văn Bông - bếp trưởng một khách sạn ở Phú Yên cho biết các đồng bào dân tộc Ba Na, Ê Đê… ở Phú Yên rất sành ăn lá dít. Món phổ biến của họ là nấu với thịt gà đi bộ. Vài chục năm trước trước, họ nấu với gà rừng với lá dít, nhưng nay lượng "gà bay" đã trở nên khan hiếm.
Lá dít nấu canh chua hợp với nhiều loại hải sản hoặc các loại chim rừng nhưng nấu với thịt gà tươi sống là chuẩn vị nhất, xứng danh là đặc sản. Khi ăn món này kèm một chén muối ớt rừng giã nhỏ, mùi thơm cùng với vị chua của lá dít hòa cùng vị ngọt thơm của thịt gà, cộng với vị cay của ớt trên đầu lưỡi, vừa ăn vừa xuýt xoa.