Lá của cây lộc vừng thường được dùng để ăn sống hoặc nấu canh chua, có vị chát nhẹ đặc trưng và rất tốt cho sức khỏe.
Lộc vừng còn gọi là cây chiếc hay lộc mưng, dầu ma, hồ ma,… có tên khoa học là Barringtonia acutangula. Đây là loài cây bản địa của các vùng đất ẩm ven biển Nam Á và Bắc Úc, từ Afghanistan đến Philippines và Queensland. Tại Đông Nam Á, loài này phân bố ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Ở Việt Nam, cây lộc vừng mọc khắp nơi, từ Bắc vào Nam ra tới Côn Đảo.
Cây lộc vừng trồng làm cảnh.
Cây mọc tự nhiên ở rừng thưa, bờ bãi chỗ gần nước hoặc được trồng làm cảnh ở sân vườn, hàng rào, trước cửa nhà... Thân cây to, có thể cao tới 8-10m. Vỏ thân dày, nhám, màu nâu đen. Lá mọc so le, nhưng thường tập trung ở đầu cành, mép khía răng, mặt trên xanh sẫm bóng; cuống lá có màu đỏ. Hoa màu đỏ nhạt, chi nhị và vòi nhụy màu đỏ thẫm. Quả có 4 cạnh lồi, mỗi cạnh lại xẻ rãnh dọc, đựng một hạt. Cây rất dễ ươm mầm, đôi khi chỉ là một khúc cành mang rất nhiều rễ thành chùm ngập trong nước và một vài nhánh cây non mọc vượt lên, trông rất đẹp mắt.
Từ lâu, lá lộc vừng đã trở thành một món ăn quen thuộc và “đặc sản” của người dân các làng quê. Lá lộc vừng non có vị hơi chát, thường được dùng làm rau sống, ăn riêng hoặc trộn với lá đinh lăng non trong món gỏi cá, các loại cá kho, bánh xèo. Vì vậy, mỗi khi cây lộc vừng ra lá non đầy cành thường là cái cớ để nhiều gia đình đổ bánh xèo hoặc làm món ngon gì đó ăn cùng lá cây.
Lá lộc vừng non được dùng làm rau sống, ăn riêng hoặc trộn với lá đinh lăng non trong món gỏi cá, các loại cá kho, bánh xèo
Ngoài việc dùng để ăn sống, loại lá cây dân dã này còn có thể nấu canh chua như một loại rau. Đặc biệt, đọt lộc vừng non chấm với mắm nêm, mắm ruốc... giúp ăn cơm ngon miệng hơn.
Anh Phạm Huy Hùng (Bình Phước) chia sẻ: “Không cần ra tận đồng xa hay lên rừng nữa, giờ đây từ thành phố đến nông thôn có thể đâu đâu ta cũng thấy cây lộc vừng đứng trong sân nhà. Những cây lộc vừng trồng trước cửa nhà còn có tác dụng dung hòa năng lượng, mang lại phước lành cho gia chủ. Tuy bị “thuần dưỡng” nhưng đến mùa lộc vừng vẫn thay lá, vẫn cho những đọt non. Thi thoảng vẫn có bữa canh rau lá lộc vừng hay gỏi cá, chấm cá kho”.
Các món ngon từ lá lộc vừng.
Chẳng riêng gì anh Hùng, một người bạn của anh là chị Hà My (Tp.HCM) lần đầu được thưởng thức lá rau lộc vừng chấm kho quẹt đã “phải lòng” loại rau dân dã này. “Rau mang hương vị ngon ngọt, mát lành, đọng lại dư vị khó quên cho ai đã từng một lần thưởng thức”, chị My chia sẻ.
Chính vì vậy mà khi trở về thành phố, chị đã “săn lùng” loại rau này. Thật bất ngờ, chúng được bày bán khá rộng rãi tại các cửa hàng rau sạch, rau rừng Tây Nguyên hay Tây Ninh... Thậm chí ở nhiều nhà hàng, loại rau rừng này bỗng trở thành đặc sản cùng các loại lá khác. Liên hệ một cửa hàng bán các loại rau rừng ở quận 2, chủ nhà hàng chia sẻ: “Lá lộc vừng được bán với giá 30.000 đồng/kg, được nhập tận gốc ở Tây Ninh. Loại lá này được khá nhiều khách hàng ưa chuộng và trung bình mỗi ngày mình bán khoảng từ 5 - 10kg rau rừng các loại, trong đó có cả lá lộc vừng”.
Lá lộc vừng khô được bán trên các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, trên các sàn thương mại điện tử, loại rau này cũng có ở dạng “lá khô”, có lẽ do hạn chế về mặt vận chuyển nên khá khó để tìm được lá lộc vừng tươi các loại. Lá lộc vừng khô được bán với giá đắt hơn, từ 55.000 - 70.000 đồng/kg. Mặt hàng này chủ yếu được bán để làm thuốc chữa các bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy, trĩ…
Phần rễ được dùng để bào chế các loại thảo dược dùng để trị bệnh sởi. Quả dùng trị ho và hen suyễn. Phần hạt có thể giã nhuyễn ra, trộn chung với các loại bột và dầu, có thể dùng để trị tiêu chảy. Quả lộc vừng còn xanh, ép lấy nước, bôi chữa chàm, hoặc nghiền nhỏ ngâm với rượu sau đó ngậm nước chữa đau răng, trị ho và hen suyễn.