Giờ đây, me sấy, mứt me chua ngọt, siro me là đặc sản được các chị em ưa chuộng.
Me - loại quả từng gắn bó một thời về niềm ký ước của bao trẻ thơ vùng thôn quê. Hồi đó, cây me mọc ở trong vườn nhà, ở ven đường nhưng chủ yếu để lấy bóng mát, trẻ con thỉnh thoảng hái những trái me chín để chấm muối ớt như một món ăn vặt chứ không ai mang ra mua bán ở chợ.
Me là thứ quả dân dã gắn với tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra ở các miền quê
Theo tìm hiểu, cây me có tên khoa học là Tamarindus indica, một loại cây nhiệt đới có nguồn gốc từ châu Phi. Hiện chúng có mặt nhiều ở các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam và châu Mỹ Latinh. Là một loại cây nhiệt đới, cây me có thể sống và phát triển tốt trong môi trường có khí hậu nóng, đất khô, nơi có sương giá. Do đó, đây là loại cây dễ sống và được nhiều người trồng mà không phải tốn nhiều công chăm sóc.
Cây me dễ sống và được nhiều người trồng mà không phải tốn nhiều công chăm sóc
Quả me có màu nâu, bên ngoài có lông, bên trong có nhiều hạt và cùi thịt. Khi còn non quả cứng và có vị chua. Trái me non (cả lá me non) là thứ gia vị đặc biệt không thể thiếu trong món canh chua của miền Nam. Khi chín, quả có vị ngọt ngọt, chua chua thường được chế biến làm nước giải khát hay làm mứt, ô mai.
Chị Quỳnh Nga (ở Diễn Châu, Nghệ An) chia sẻ: "Trước đây, ở đường làng xóm tôi có mấy cây me cổ thụ, trái sai trĩu, đến mùa từng chùm me lúc lỉu trông rất thích mắt. Đó là nơi tụ hội của bọn trẻ chúng tôi để hóng gió, để trèo lên cây hái trái me chua ăn. Me "dôn dốt" là ngon nhất, khi đó chúng chưa chín nhưng cũng đã không còn non nữa. Khác với vị chua đậm của me non, thịt me “dốt dốt” có bột, mùi vị bùi bùi, ăn vào cảm nhận được cái vị chua chua, ngọt ngọt thật đặc trưng. Giờ đây ở thành phố me rất có giá, được bán ở vỉa hè, trên chợ mạng, làm đủ các món ngon hấp dẫn trong mùa hè".
Trái me giờ đây thành đặc sản ở thành phố
Theo khảo sát, trên thị trường, ngoài trái me tươi thì những sản phẩm làm từ quả me rất được ưa chuộng. Mứt me chua ngọt giá 180.000 đồng/kg, siro me có giá 70.000 đồng/chai, me sấy 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, ở siêu thị còn có me tách hạt đóng túi zip, bảo quản ngăn lạnh có thể dùng dần để nấu canh, kho cá... được bán với giá khoảng 50.000-70.000 đồng/kg.
Vừa mua một túi me nửa cân ở siêu thị, Hà Trang (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết nhà chị rất thích vị chua của quả me khi nấu canh, kho cá nên trong tủ lạnh lúc nào cũng có sẵn, cần có thể mang ra nấu luôn. "Loại này rất dễ sử dụng và để được lâu chứ trái me tươi chỉ để được 1-2 tuần là hỏng, hơn nữa không phải lúc nào cũng mua được. Tôi thấy me đóng sẵn rất tiên lợi, vẫn giữ được vị chua và thơm của quả", chị Trang bày tỏ.
Mấy năm gần đây, trái me bán đắt hàng nên cũng mang lại nguồn thu nhập cho những người trồng loại cây này ở miền Tây. Bán sỉ lẻ các thành phẩm của quả me trên trang cá nhân, chị Ánh Hồng (ở TP.HCM) cho biết me chín rộ vào thời điểm ra Tết, lúc này chị lấy me tận gốc ở miền Tây sau đó lên TP.HCM chế biến thành mứt me, siro me, me sấy, món nào cũng ngon và hấp dẫn.
"Lúc đầu tôi bán chủ yếu cho bạn bè và người quen ở chung cư, còn bây giờ nhiều người lạ tìm đến để mua nên tôi còn thuê người làm cho kịp hàng trả khách", chị Hồng nói.
Theo y học dân gian, me có vị chua, tính mát, thanh nhiệt, giải khát, tăng cường hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể… Còn theo các nhà khoa học, trong 100 gram cơm trái me có khoảng 10% acid hữu cơ, 12,50 % đường, kali và một số hoạt chất khác giúp kích thích vị giác, cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể…