Ngoài là một loại quả ăn vặt được yêu thích, trái hồng rừng còn là một vị thuốc.
Hồng là loại hoa quả bình dân, quen thuộc với người dân ở khắp mọi nơi, thế nhưng trái hồng rừng thì không phải ai cũng biết tới. Loại quả này mọc hoang dại trong các khu rừng hoặc được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai… và nhiều tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ. Cũng giống như các loại hồng khác, cây hồng rừng thường rụng lá khi ra quả, quả hồng khi chín có màu vàng cam, thịt mềm ngọt.
Nếu như trước đây, trái hồng rừng chín rụng đầy gốc không ai thèm nhặt, không mang về giá trị kinh tế, chỉ có người dân miền núi đi hái về để ăn hoặc ngâm rượu, làm thuốc thì trong những năm gần đây, quả hồng rừng đã dần được nhiều người tiêu dùng ở nước ta biết đến và tìm mua với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Theo đó, ngoài việc là một loại cây ăn quả thơm ngon, hồng rừng có có thể chữa trị được khá nhiều căn bệnh khác nhau.
Theo tìm hiểu, hồng rừng thường gồm hai loại là hồng ngọt và hồng chát. Đúng như tên gọi của mình, hồng ngọt khi vừa thu hoạch từ cây sẽ có vị ngọt tự nhiên, khá thơm ngon, trong khi đó hồng chát thì khó ăn hơn và phải khử bớt vị chát mới dùng được.
Quả hồng rừng được biết đến nhiều nơi trong những năm gần đây
Theo các phân tích, cứ mỗi 100g thịt hồng quả thì có 0,7g protein, 19,1mg phôtpho, 0,2 mg sắt, 0,16mg caroten, 10mg canxi, 0,2mg vitamin PP… Ngoài ra, quả hồng, lá hồng còn thường được sử dụng để làm các thành phẩm khác như làm mứt, xay sinh tố, trà… Theo đông y, mọi bộ phận của cây hồng như lá, thân, rễ, quả, đều có thể dùng làm thuốc và điều trị nhiều căn bệnh khác nhau rất hiệu quả.
Chị Ánh Viên - một người dân chuyên đi hái trái hồng rừng ở Yên Bái chia sẻ, mùa hồng rừng bắt đầu từ khoảng tháng 9, tháng 10. "Nếu như trước đây hồng rừng không ai để ý thì mấy năm gần đây bà con rủ nhau đi hái để gửi về xuôi hoặc bán cho thương lái. Ngoài bán quả tươi, hồng rừng được thái lát, đem phơi phô cũng rất được ưa chuộng.
Trái hồng rừng có kích thước nhỏ hơn hồng dưới xuôi, nhưng vị ngon ngọt thì không thua kém
So với trái hồng dưới xuôi thì hồng rừng có kích thước bé hơn nhiều, thế nhưng chúng cũng mềm và ngọt, là món ăn vặt rất được yêu thích. Hơn nữa, đây là thứ quả có thể dùng làm thuốc, đem lại rất nhiều lợi ích cho người dùng như: tăng cường hệ tiêu hóa, bồi bổ, tăng cường sức khỏe, giảm ho, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan. Rượu ngâm hồng rừng rất tốt cho sức khỏe".
Chị Viên cho biết hồng rừng được bán tại vườn có giá khoảng 10.000-15.000 đồng/kg tùy thời điểm. Còn ở Hà Nội, mỗi kg hồng rừng có giá khoảng 40.000-45.000 đồng/kg và phải đặt hàng trước mới có. Có năm mất mùa, giá hồng rừng có thể đội lên cao hơn.
Rượu hồng rừng rất tốt cho sức khỏe
"Nhiều khách ở Hà Nội gọi lên đặt trực tiếp, tôi thu gom thêm của bà con rồi gửi xe xuống. Thứ hồng dại này không lo ế hàng vì nhu cầu tiêu thụ cao, có người đặt vài yến về ngâm rượu", chị Viên nói thêm.
Để ngâm rượu hồng rừng, bạn nên chọn những quả hồng tươi, giòn, có chất lượng tốt. Còn nếu mua hồng khô cũng phải tìm địa chỉ uy tín, xem hồng có bị mốc và xỉn màu hay không trước khi ngâm. Nếu là hồng tươu, bạn hãy chọn những quả hồng có độ chín vừa tới. Không nên dùng quả còn xanh, non cũng nên tránh chọn quả chín quá, mềm nhũn. Rượu hồng được ngâm theo tỉ lệ 1:4 (1kg quả ứng với 4l rượu).