Vì ít người ưa chuộng nên những nhà trồng loại cây này đều chặt bỏ, thay thế bằng cây trồng khác.
Bước vào tháng 8 dương lịch là thời điểm quả na vào mùa thu hoạch. Tại các chợ truyền thống, các cửa hàng hoa quả hay chợ online, giá na dai chỉ vào khoảng 25-50 nghìn đồng/kg, na Đài Loan chỉ khoảng 100-120 nghìn đồng/kg nhưng na bở lại có giá lên tới hơn 200 nghìn đồng/kg khiến nhiều người bất ngờ.
Na bở hiện tại có giá đắt hơn hoa quả nhập khẩu.
Đặt mua 2kg na bở với giá 190 nghìn đồng, thêm phí ship 30 nghìn đồng/đơn, chị Trần Thu Hạnh, trú tại Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước khi đặt hàng, chị không nghĩ rằng giá na bở lại đắt hơn cả nho Mỹ, nho Úc hay táo Pháp như vậy.
“Ngày xưa quê tôi nhà nào cũng trồng vài cây na bở, vườn nhà tôi có 4-5 cây. Đến mùa chín ăn không xuể, chim chóc đến ăn rồi rụng đầy gốc. Bán không ai mua nên chặt bỏ hết, thay thế bằng na dai. Giờ thì mẹ tôi ốm, cứ bảo thèm ăn quả na bở mà tìm khắp chợ không ai bán phải lên chợ mạng tìm và tá hoả khi thấy họ bán tận gần 200 nghìn đồng/kg”, chị Hạnh nói.
Loại quả này có vị ngọt thanh, thơm hơn na dai nhưng trước đây không được ưa chuộng nên bị nhà vườn chặt bỏ.
Theo chị Hạnh, cả vợ chồng chị và hai đứa con chỉ thích ăn na dai vì vị ngọt sắc, múi dai và ít hạt, ăn rất ngon. Ngược lại, na bở không ai thích, chỉ duy nhất có bố mẹ chị là thích vị ngọt thanh và thơm của na bở.
“Na dai ngon như vậy, hiện tại bán đầy chợ, giá chỉ từ 25-45 nghìn đồng/kg thế mà na bở lại đắt gấp 10 lần. Nghe giá xong mà tôi choáng, phải tham khảo giá mấy nơi thì thấy giá rẻ nhất cũng phải 130 nghìn đồng/kg loại quả nhỏ, loại quả to 2-3 quả/kg thì lên tới 239 nghìn đồng/kg”, chị Hạnh chia sẻ.
Bán hoa quả tại chợ Khâm Thiên hơn 10 năm nay nhưng chị Bùi Bích Liên mỗi ngày chỉ dám nhập 5-10kg na bở về cho khách quen đặt hàng từ trước, không dám nhập thêm vì sợ ế.
Hiện tại giá na bở dao động từ 130-240 nghìn đồng/kg.
“Na bở loại to nhập tại chợ đầu mối cũng lên tới 150 nghìn đồng/kg rồi, mang về nó lại chín rất nhanh. Khi chín thì nứt toác ra, không ăn nhanh là hỏng. Bán cả tạ na dai nhưng ế một cân na bở là đi tong một ngày công. Vì thế ai đặt tôi mới dám lấy về”, chị Liên nói.
Theo chị Liên, sở dĩ na bở có giá cao như vậy là vì cách đây khoảng 10 năm, loại na này không có giá trị kinh tế cao, nhiều người không thích nên nhà vườn chặt bỏ để trồng na dai và na Đài Loan. Vì vậy, số lượng na bở ngày càng khan hiếm khiến giá thành trở nên đắt đỏ.
Trao đổi với PV, ông Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng), địa phương trồng chuyên canh cây na bở cho biết, trước đây na bở được các hộ dân trồng xen trong vườn tạp, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây người dân tiến hành trồng chuyên canh 1 loại là na bở.
Na bở loại 2-3 quả/kg có giá bán tại vườn là 100-120 nghìn đồng/kg.
Ông Hùng cho hay, trước năm 2017 khách ở Hà Nội ít ăn na bở. Na được thu hoạch chỉ phục vụ khách hàng ở trong tỉnh và một số địa phương như Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh. Giá thương lái thu mua cũng rẻ hơn cả na dai vì thương lái mang lên Hà Nội bán nhiều khi phải mang về vì không ai mua lại nhanh chín.
Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, nhờ áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc theo phương thức VietGap chuẩn an toàn từ khâu trồng, bón phân, tỉa cành, thụ phấn, chăm sóc… kết hợp với kế hoạch giới thiệu, quảng bá sản phẩm nên cây na bở cho năng suất cao, chất lượng tốt và được người tiêu dùng yêu thích.
“Hiện tại, giá na bở đạt tiêu chuẩn, trọng lượng từ 2-4 quả/kg được dán tem truy xuất nguồn gốc và được thương lái mua với giá từ 100-120 nghìn đồng/kg. Toàn xã có khoảng gần 1.000 hộ dân trồng na bở với tổng diện tích khoảng 100ha. Sản lượng trung bình đạt từ 7-9 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng”, ông Hùng chia sẻ.