Thứ rau dại này là đặc sản của Huế, muốn mua phải đặt hàng trước mới có. Với vị mặn tự nhiên, giòn sần sật, bất cứ ai đến vùng đất này cũng muốn được thưởng thức món ngon từ rau muối.
Rau muối có tên khoa học là Chenopodium album thuộc họ cây thảo (Chenopodiaceae) là loại cây được sử dụng làm rau ăn của bà con miền núi, ven biển.
Đây là loại cây thảo, thân cây nhẵn, phân nhánh nhiều. Lá mọc so le, có cuống ngắn, các lá phía dưới lớn hơn, có hình thoi, có răng lượn sóng ở mép, lá có màu lục trắng và có phấn. Do có lông mọng nước, làm cho mặt lá như rắc bột, rắc muối, vì vậy loại rau này mới có tên gọi là rau muối.
Cây rau muối mọc dại ở các bãi ven sông, các bãi đất mặn và ruộng muối.
Hoa của cây rau muối mọc thành từng chùm, có 2 đầu nhuỵ. Mùa ra hoa khoảng tháng 2 – 6, có quả vào mùa thu. Cây mọc hoang ở những vùng bãi hoang, vườn, ruộng, nương rẫy cũ, các thung lũng đất trên các bãi ven sông, các bãi đất mặn và ruộng muối.
Ở Việt Nam, rau muối mọc rải rác nhiều nơi nhưng tập trung nhiều nhất là ở Thừa Thiên Huế. Mùa rau muối bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 nhưng rộ lên giữa tháng 5, tháng 6 hàng năm. Thời điểm càng nắng gắt, rau càng phát triển.
Do có lông mọng nước, làm cho mặt lá như rắc bột, rắc muối, vì vậy loại rau này mới có tên gọi là rau muối.
Từ xưa, thứ rau mọc dại dân dã này đã gắn liền với người dân Huế, là loại rau "cứu đói" của người dân vùng đầm phá. Cách đây 10 năm, trong một lần đi công tác ở công trình ngăn mặn, chị Hòa Anh (ở TP.HCM) được đồng nghiệp đãi cơm ăn với rau muối luộc trộn lạc rang. "Bữa cơm giản dị nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Mùi vị mằn mặn tự nhiên, giòn sần sật của đĩa rau muối trộn lạc béo bùi hòa trong vị cay nồng của ớt tỏi giúp tôi có trải nghiệm thú vị khi dừng chân ở vùng biển của Thừa Thiên Huế. Sau này khi về thành phố, thỉnh thoảng tôi có nhờ bạn mua thứ rau này để thưởng thức", chị Hòa Anh kể lại.
Anh Tràng Hoan - người dân sống ở Hương Phong (TX Hương Trà) cho biết trước đây rau muối mọc bạt ngàn nhưng những năm gần đây, khi công trình ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long đưa vào sử dụng, loại rau này vắng bóng hẳn. Hơn nữa, việc hái rau khá kỳ công nên nguồn cung cấp ít dần.
Loại cây này ngày càng hiếm, phải đặt trước mới có hàng để mua
Trước đây, loại rau này có giá khoảng 30.000 đồng/kg, được các nhà hàng, quán ăn ở Huế nhập để làm món đặc sản hoặc một vài người mua về làm quà. Anh Hoan cho biết giờ đây, rau muối hiếm hơn và giá cũng đắt đỏ hơn, thỉnh thoảng mới thấy ở chợ bán rau muối với giá lên tới 90.000 đồng/kg.
Loại rau này trông gần giống thân hoa mười giờ, có lá nhỏ li ti nằm sát đất. Người hái rau phải tỉ mẩn ngắt từng mần rau nhỏ và mất vài giờ mới hái được 1kg mang bán. "Người hái rau muối bây giờ chỉ có thể tính trên đầu ngón tay, vì thế khách nào muốn thưởng thức thứ rau lạ này cũng phải gọi điện đặt hàng trước vài ngày. Mẹ tôi đi hái từ 11h trưa đến 5 giờ chiều hàng ngày, hai mẹ con chị hái chừng 5-7kg, hàng có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu", anh Hoan kể.
Đĩa rau muối trộn hấp dẫn của vùng biển Thừa Thiên Huế
Do cây rau muối đã có sẵn vị mặn nên khi chế biến, người dân phải đem vo nước lạnh, vắt bớt vị mặn đi. Đặc biệt, khi trộn món rau này, người chế biến chỉ cần phi hành với dầu ăn cho thơm, bỏ thêm các loại gia vị như bột ngọt, ớt tỏi và lạc rang là đã có một đĩa rau ngon mà không cần nêm muối. Mặc dù chỉ là món rau trộn nhưng nó được coi là đặc sản mà người dân Huế muốn giới thiệu để du khách biết đến.