Ghé Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhất định phải thưởng thức rau nhót - loại rau mọc dại nhưng lại nổi tiếng là đặc sản trứ danh tại nơi này.
Không biết từ bao giờ, người dân đất Nghệ An quen thuộc với loại cây mọc dại trên cánh đồng muối, thân giống hệt cây hoa mười giờ, đó là rau nhót, hay còn có nhiều tên gọi khác như rau còng còng, rau sương muối… Loại rau này là cây thân mọng nước, nhỏ, nhiều nhánh và lớn nhanh trong họ rau sam (Portulacaceae). Cây thân thảo, cao khoảng 10 – 15cm. Lá hình dải hơi dẹt, dài 1,5 – 2cm, mép nguyên, thân có màu hồng nhạt, lá có màu xanh nhạt. Rau nhót mọc lẫn trong đám cỏ xanh rì thành từng đám, rễ bám chặt vào đất hút chất dinh dưỡng.
Rau nhót là đặc sản của vùng đất Nghệ An
“Rau nhót chứ không phải rau ngót. Một số nơi còn gọi nó là rau còng còng. Vào giai đoạn cuối xuân đầu hạ hay khi trời có mưa nhiều, rau nhót lớn nhanh lắm, tươi mơn mởn. Rau nhót có nhiều nét giống với cây hoa mười giờ, chỉ mọc trên đất đồng muối, ven các đầm nước lợ và hồ tôm…”, chị Minh Vy (38 tuổi), một người con đất Quỳnh Lưu chia sẻ.
Với bà con đất Quỳnh Lưu, rau nhót là một loại đặc sản quen thuộc trong những bữa cơm quê đạm bạc. Sáng sớm đi làm muối, chị Minh Vy xách rổ dạo quanh một vòng là đã có một bữa rau nhót xanh mơn mởn. “Rau nhót thường hái quanh năm, nhưng hái rau vào tháng Giêng đến tháng 5 thì sẽ ngon hơn bởi thời tiết mát mẻ nên rau mọc nhiều”, chị Vy vừa hái rau vừa chia sẻ.
Vì sinh trưởng và phát triển hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, không có phân hóa học, không thuốc trừ sâu nên rau có vị rất đặc biệt và được mọi người xem là một loại rau sạch. Tuy vậy, rau nhót sau khi được hái về còn phải mất khá nhiều công sơ chế. Trước hết phải nhặt sạch, ngâm trong nước chừng một, hai giờ cho giảm bớt vị mặn tự nhiên rồi lại rửa tiếp, luộc chín, vắt hết nước và dùng đũa đánh rời ra từng ngọn. Tuy sơ chế vất vả nhưng bù lại, rau nhót có thể chế được thành rất nhiều món ăn.
Món rau nhót trộn nộm có vị lạ, hấp dẫn khiến ai cũng ghiền
Đầu tiên phải kể đến món rau nhót trộn nộm. Chỉ cần vắt rau cho ráo nước, trộn cùng chút rau thơm, lá chanh, đường, ớt và lạc vừng rang. Nộm rau nhót khi ăn sẽ giòn giòn giống tảo biển, lại có vị thanh mát, vị chua cay mặn ngọt hài hòa, phảng phất mùi thơm của lá chanh, rau thơm; ngậy bùi của lạc rang… Ăn cùng bánh mướt, bún là vô cùng chuẩn vị.
Nếu đem xào thì rau nhót đặc biệt hợp với tỏi, hàu và tôm. Còn đơn giản nhất là luộc lên ăn thì chấm rau với tương là đủ. Ăn rau nhót, dù là người mới thưởng thức lần đầu cũng khó lòng quên được cái cảm giác mặn mặn, giòn giòn rất hấp dẫn loại rau này mang lại. Rau nhót giản dị, dễ ăn, cứ thế trở thành đặc sản của đất Quỳnh Lưu từ khi nào.
Thế nhưng phải về đến Nghệ An mới thấy loại rau này được bày bán rộng rãi. Nghề hái rau nhót giúp bà con nông dân ở Quỳnh Lưu kiếm thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, bà Mỹ (57 tuổi, Nghệ An) tìm đến một số cánh đồng muối trên địa bàn huyện để hái rau nhót, có những ngày bà hái được khoảng gần 10 kg rau. Một buổi sáng bà cũng kiếm được 80 - 100 nghìn đồng.
Rau nhót được người dân săn lùng bán cho thương lái.
Nhiều năm trở lại đây, nhiều thương lái bắt đầu truy lùng loại rau này để mang rau nhót về “phố thị”. Tại Hà Nội, có thể tìm thấy rau nhót tại một số chợ mạng, chợ chung cư… hoặc các cửa hàng đặc sản, rau sạch. Trung bình, 1kg rau nhót sẽ có giá khá đắt đỏ, từ 70.000 - 100.000 đồng. Dù có giá khá đắt đỏ nhưng thứ rau này vẫn luôn đắt khách và ở trong tình trạng cháy hàng.
“Với những người từng gắn với những cánh đồng muối, đầm tôm đầm cá ở Cát Bà, Đồ Sơn thì ăn rau nhót còn là một cách trở về với ký ức tuổi thơ. Với người dân phố thị, rau nhót là một cách thưởng thức một thứ quà quê vừa sạch, vừa đậm tình đậm nghĩa. Vậy nên thi thoảng mình vẫn ghé mua loại rau này ở cửa hàng quen như một thói quen” - anh Hùng (41 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.