Trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, người đàn ông miền Tây tiếp tục lai tạo nhiều loại hoa màu tím.
Hơn một năm trước, dư luận thích thú trước câu chuyện ông Tiếp (74 tuổi) ở Sa Đéc (Đồng Tháp) yêu thích màu tím đến mức độ thứ gì liên quan cũng phải tím. Thậm chí có người còn đùa rằng ông chính là người mộng mơ, lãng mạn và thủy chung nhất nhì vùng sông nước miền Tây.
Sau đó, ông Tiếp đã có những trải lòng liên quan đến đam mê của mình khiến không ít người xúc động. Đặc biệt mỗi khi Tết đến xuân về, ông lại “cho ra đời” nhiều “sản phẩm” có màu tím và đằng sau chứa đựng thật nhiều tâm sức.
Ông Tiếp và những thứ màu tím xung quanh ông (Ảnh Tâm Minh)
Trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, người đàn ông miền Tây tiếp tục lai tạo nhiều loại hoa màu tím, ví dụ như loại cúc Hàn Quốc thân nhỏ, hoa tím và được trồng trong chậu. Ông đã đem đến tham dự lễ hội hoa của tỉnh Đồng Tháp, nhận về nhiều lời khen từ những người sành cây cảnh trong vùng.
“Tôi lai tạo giống hoa cúc tím Hàn phù hợp với khi hậu nắng nóng của vùng sông nước. Nó vốn ưa lạnh nên tôi phải tìm tòi cách để thích ứng với nơi đây.
Ngoài ra, tôi còn lai tạo ra giống lúa màu tím dùng để chơi cảnh trong dịp Tết Nguyên đán làm rất nhiều người thích thú và ngỡ ngàng vì xưa giờ cây lúa nước của người Việt màu xanh, khi chín sẽ có màu vàng”, người đàn ông tâm sự.
Từ trên cao có thể thấy ngôi nhà của người đàn ông được lợp ngói tím.
Người đàn ông kể rằng bản thân từng được qua Nhật Bản học hỏi, xem cách người nông dân trồng lúa nước 7 màu, trong đó có màu tím. Song ông không thể đem hạt giống về trồng nên nhờ người bạn lấy cho 1-2 hạt.
Sau đó, ông Tiếp ươm giống, trồng giống lúa tím của Nhật tại vườn nhà. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, cây cao quá đầu người, không thể trưng làm cảnh. Do đó ông phải đến hợp tác xã xin giống lúa tím, về lấy phấn của lúa Nhật kết hợp với giống Việt Nam.
“Trải qua nhiều lần thụ phấn, tôi mới có thể cho “ra đời” cây lúa tím trưng làm cảnh như hiện tại. Nó tím từ lá đến bông, cao tầm vài chục phân. Nhiều người ngỡ ngàng khi thấy chúng nhưng đâu có biết phải đến đời F10 mới hoàn hảo như thế”, ông Tiếp tâm sự.
Năm nay trong vườn và nhà của người đàn ông yêu thích màu tím có rất nhiều thứ tím mới mẻ. Ông trang trí ở vườn bằng những chậu hoa màu tím, thậm chí cỏ dại cũng mang sắc tím mộng mơ. Còn trong nhà, từ bát đũa, xoong nồi cho đến bàn ghế, bộ ấm chén cũng tím.
Năm nay trong vườn – nhà của người đàn ông yêu thích màu tím có rất nhiều thứ tím mới mẻ. (Ảnh Tâm Minh)
Người đàn ông cũng tiết lộ tường nhà được sơn lại màu tím, không còn nhợt nhạt như mọi năm trước. “Tôi quá say mê màu tím thủy chung nên muốn bất cứ thứ gì là của mình cũng tím. Có lẽ tôi kể ra ít ai tin được bởi trên đời làm gì có ai yêu màu tím mù quáng như thế”, người đàn ông nói.
Xưa ông Tiếp làm nghề “gõ đầu trẻ” song cuộc sống khó khăn, đồng lương ít ỏi từ nhà giáo chẳng thể giúp gia đình đủ ăn đủ tiêu. Vì thế ông quyết định đi học thêm nghề trồng hoa với mục đích bán bông kiếm thêm thu nhập.
Một thời gian theo nghề trồng cây trồng hoa, người đàn ông nhận ra nông dân trồng đủ các loại hoa, đủ màu nên thành ra chẳng có tên tuổi gì cả. Năm 1977, ông xuống vườn hoa thấy cây hồng nhung có bông màu tím đen trông rất đẹp. Ông liền ước ao và khát vọng xây dựng cho mình dòng hoa tím mang thương hiệu ông Giáo Tiếp. Cuối cùng qua nửa thế kỷ ông mới thành công.
Tính đến nay ông Tiếp đã lai tạo hơn 100 cây, loài hoa màu tím… Ông bảo bản thân có quan niệm sẽ đi tìm cái gì lạ màu tím rồi làm trước. Khi thành công ông sẽ chỉ cho anh em trong làng hoa làm sau.