“Thế là tôi có vợ ở bên này. Ngày đó bà xã xinh đẹp, có nhiều trai trẻ nhòm ngó lắm. Vậy mà cô ấy lại lựa chọn người đàn ông già, có đến 3 vợ cũ và 8 đứa con riêng. Có lẽ là duyên nợ đời nên buộc phải gắn kết bên nhau”, chú Quốc thẳng thắn nói.
Tình yêu vốn không phân biệt tuổi tác, địa vị hay giới tính, chỉ cần đúng người, đúng thời điểm và đúng với cảm giác yêu thương là được. Bởi vậy ở đời có rất nhiều chuyện tình yêu “đũa lệch” khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng và ngưỡng mộ, như: cụ ông 70 tuổi ở Hà Nam cưới cô gái nhà bên 27 tuổi; cô dâu 62 tuổi ở Cao Bằng lấy chồng trẻ kém tận 35 tuổi…
Và đến giờ các cặp đôi vẫn sống hạnh phúc, đập tan mọi hoài nghi và lời bàn ra tán vào của người đời. Hơn cả, họ chính là người giúp thiên hạ có cái nhìn thiện cảm hơn vào những cuộc hôn nhân chênh lệch tuổi tác giữa vợ và chồng.
Ghé huyện nghèo của Campuchia – nơi có nhiều người Việt sinh sống, hỏi thăm vợ chồng chú Quốc (62 tuổi) – chị Thảo (34 tuổi) ai cũng hay biết. Thậm chí bà con có thể kể vanh vách về mối tình bị ngăn cấm cũng như cuộc sống thiếu thốn đủ thứ nhưng luôn tràn ngập tiếng cười trẻ thơ.
Mở đầu câu chuyện, chú Quốc tự giới thiệu bản thân và gia đình: “Tôi là người Việt xịn đó nhen, quê ở Long Xuyên (An Giang). Còn bà xã có cha mẹ là người Việt nhưng sanh ở đây nên quốc tịch Campuchia. Giờ 4 đứa con của chúng tôi cũng mang quốc tịch giống mẹ bởi đều chào đời trên vùng đất này.
Chú Quốc có 4 người vợ và 12 đứa con.
Vợ chồng tôi thường hay giỡn nhau rằng trong nhà chỉ có mình tôi “khác biệt” vì là người Việt Nam. Song không vì thế mà đám trẻ không biết cội nguồn và quê hương. Chúng biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Campuchia, biết hết văn hoá của cả hai đất nước”.
Sau đó chúng tôi liền gặng: “Tại sao chú lại sang đây làm việc rồi quen với chị Thảo?”, chú Quốc cười: “Xưa ở An Giang nghèo đói quá, làm hoài chẳng đủ ăn. Thế là tôi theo đám thanh niên trong vùng sang đây làm thuê cuốc mướn với hi vọng được đổi đời.
Quả thực tôi qua đây kiếm đồng tiền dễ hơn thật nhưng cũng ham chơi bời vì chẳng có ai quản. Vì thế mà tôi mới quen được bà xã”.
Cách đây hơn chục năm – thời điểm chú Quốc sang Campuchia “khởi nghiệp” được một thời gian dài, chú đi hát karaoke cùng đám bạn vô tình thấy cô gái gốc Việt xinh đẹp lại duyên dáng nên lại gần làm quen. Khi ấy chú đã xưng “chú” và gọi bằng “cháu” bởi biết cô nàng đáng tuổi con mình.
Chị Thảo và một bé con kháu khỉnh.
Dần dần chú Quốc và chị Thảo bén thân, giống như bạn bè tri kỷ, tâm sự đủ chuyện trên đời. Một ngày chú quyết định lấy hết can đảm tỏ tình với cô gái mặc dù trong thâm tâm biết rõ “phần thắng” nhất nhỏ. Ngờ đâu chị đã gật đầu đồng ý làm vợ của chú.
“Thế là tôi có vợ ở bên này. Ngày đó bà xã xinh đẹp, có nhiều trai trẻ nhòm ngó lắm. Vậy mà cô ấy lại lựa chọn người đàn ông già, có đến 3 vợ cũ và 8 đứa con riêng. Có lẽ là duyên nợ đời nên buộc phải gắn kết bên nhau”, chú Quốc thẳng thắn nói.
Lúc này chúng tôi “mắt chữ A miệng chữ O”, người đàn ông 62 tuổi như hiểu ra điều gì đó liền lên tiếng giải thích: “Thảo là vợ thứ 4 của tôi, trước đó tôi có 3 người vợ bên Việt Nam, vợ cả chỉ thua tôi 2 tuổi.
Cái này ít ai ở đây biết vì tôi không có kể ra. Song tôi xin khẳng định tôi ly hôn vợ này mới đến vợ kia, chứ không phải “đa thê” cùng một lúc. Hiện tại tôi có tổng 12 đứa con: 4 đứa sống tại Việt Nam, 8 đứa ở bên này. Hơn phân nửa đám con đã có gia đình. Thi thoảng chúng lại sang đây thăm tôi rồi nhận anh nhận em".
Chú Quốc hồi trẻ.
Chú Quốc không tiết lộ chuyện có 3 đời vợ trước khi quen chị Thảo nhưng chị và gia đình đều biết rõ. Đây chính là lý do khiến gia đình chị phản đối, không chấp nhận có con rể lớn tuổi.
“Cha mẹ cấm cản tôi quen anh ấy. Tôi phần vì quá thương, phần lại yêu hết lòng nên bất chấp cãi lời cha mẹ, quyết định lấy anh bằng được. Tôi bảo với cha mẹ rằng “sướng khổ sau này con tự chịu” nên đã bị từ mặt đến tận giờ.
Xưa tôi nghĩ cha mẹ chỉ doạ nạt, sau này có cháu ngoại sẽ nhận con rể nhận cháu. Nào ngờ tôi đẻ đến đứa thứ 4, ông bà vẫn không chịu tha thứ cho tôi”, chị Thảo tâm sự.
Thuở trẻ, chị Thảo là cô gái xinh đẹp có nhiều người để ý.
Đám cưới của chú Quốc và chị Thảo không có sự xuất hiện của bên ngoại nên chỉ có vài mâm cỗ thiết đãi bạn bè và đồng nghiệp. Khoảnh khắc ấy chú rất thương vợ bởi biết sẽ tủi thân, buồn chán. Chú tự nhủ sẽ cố gắng làm lụng để vợ không chịu thiệt thòi, không ân hận khi cưới mình làm chồng.
“Hơn chục năm lấy nhau, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng mẹ con tôi chưa phải chịu khổ lần nào cả. Vì thế tôi không hề ân hận khi cưới anh Quốc làm chồng. Tôi chỉ có một nỗi niềm trăn trở, mong cha mẹ hãy tha thứ và chấp nhận con rể, cháu ngoại. Mọi chuyện đã qua lâu rồi, tôi cũng không khổ sở gì cả”, chị Thảo chia sẻ.
Hiện tại, chú Quốc mưu sinh bằng công việc thợ hồ với thu nhập 500.000 đồng/ngày, còn chị Thảo ở nhà nội trợ. Số tiền đó chỉ đủ để gia đình 6 miệng ăn chi trả phí sinh hoạt, tiền học hành… Vì thế chú không thể thực hiện được ước mơ quay trở về Việt Nam sinh sống.
“COVID-19 bùng phát, cuộc sống của vợ chồng tôi ở bên này cũng khó khăn vô kể. Bao tiền tích cóp được đều phải bỏ ra để lo cái ăn cái uống nên chẳng thể thực hiện được nguyện ước về quê hương. Tôi chỉ mong giờ có sức khoẻ để còn lo cho vợ con, chứ không hi vọng hay ước mơ lớn lao gì”, người đàn ông An Giang nói.