Thứ rau rừng đặc sản này ít người biết đến và khó ăn, nhưng nếu ai thích thì rất ghiền, ở Hà Nội nó được bán với giá lên tới 80.000 đồng/kg.
Nói đến trung du người ta thường nhắc đến những rừng cọ, đồi chè chứ không mấy ai biết đến rau đắng cảy. Thế nhưng, với người dân ở vùng đất Phú Thọ, rau đắng cảy được coi là đặc sản vô cùng dân dã, gắn bó với bao nhiêu thế hệ nơi đây. Chỉ cần được thưởng thức một lần, chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi không thể quên vị đắng đặc biệt của thứ rau dại này.
Rau đắng cảy còn có tên gọi khác bọ mẩy, đại thanh, đắng cay, bọ nẹt, đắng cảy, đắng đốm. Loại rau này mọc dại nhiều trên rừng và núi cao, nơi đất cằn cỗi, mọc lẫn trong những loài cây, những bụi rậm hoang dại, hoặc mọc đơn lẻ ở các bờ ruộng, nương rẫy. Sau này, cây đắng cảy cũng được nhiều người mang về trồng trong vườn như một loại rau. Thân cây gầy guộc, mọc là là mặt đất, mọc cao đến đầu gối, lá thường mọc thành chùm như cây sắn.
Rau đắng cảy mọc dại trên rừng, trước kia là rau chống đói của người Phú Thọ
Vào tháng giêng, tháng hai, mưa xuân lất phất, khí hậu ấm áp là thời điểm đắng cảy vào mùa, ra lộc non mơn mởn. Ở khắp thân cành, những búp non mọc chi chít, mỡ màng, người dân rủ nhau vào rừng hái đắng cảy về chế biến món ăn. Để nấu canh, người dân thường dùng lá bánh tẻ thì chén canh mới đậm mùi lá đắng, còn nếu xào và rán trứng, người ta thường dùng đọt non.
Anh Nguyễn Phương (ở Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, nếu ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ chắc chắn sẽ không thể quên mùi vị của thứ rau dân dã này dù có đi đâu đi nữa. Trước kia rau đắng cảy mọc dại, ít ai ngó ngàng, sau đó người dân hái về làm các món ăn chống đói.
Giờ đây thứ rau dại này đã trở thành đặc sản vì có mùi vị đặc trưng
"Thời còn nghèo đói, đến mùa mấy đứa trẻ trong làng lại rủ nhau vào rứng hái những đọt đắng cảy non về cho mẹ nấu canh, rán trứng. Rau đắng cảy hái xong phải về chế biến ngay để rau được giòn và ngon. Thứ rau này luộc chấm với muối vừng, hoặc hấp trong nồi cơm cũng, nấu canh với lòng gà, thịt gà hay nấu với thịt heo hoặc cá đồng đều được. Khi nhai, đắng cảy sẽ có vị bùi bùi và nhăn nhẳn đắng y như cái tên của nó. Nhiều người ăn lần đầu sẽ thấy vị khó ăn, nhưng sau vài lần sẽ ghiền", ang Phương cho hay.
Theo anh Phương, lúc ấy, chẳng ai nghĩ sau này cái vị bùi bùi, ngăm ngăm đắng ấy trở thành món đặc sản, đến bây giờ, mỗi khi thèm hương vị của loại rau dại này anh phải đặt của người quen bán đặc sản ở Hà Nội hoặc nhờ mẹ gửi ở quê xuống.
Trên chợ mạng, dạo vào các group bán rau rừng, rau đặc sản sẽ thấy thứ rau đặc sản của Phú Thọ được nhiều người rao bán với giá 50.000-80.000 đồng/kg.
Chị Xuân Thanh (một người bán rau đặc sản trên chợ mạng) cho biết ra Tết là thời điểm rau đắng cảy vào mùa, lúc đó hàng dồi dào và giá khá rẻ, còn nếu trái mùa giá rau đắng cảy có thể lên tới 80.000 đồng/kg, có khi phải đặt trước vài hôm mới gom được hàng xuống Hà Nội.
Rau đắng cảy có thế chế biến theo nhiều cách
"Tôi có nhiều khách quen mê vị đắng của thứ rau rừng này, hơn nữa các loại rau rừng đều mọc tự nhiên, không phun thuốc, không chất bảo quản nên ai cũng thích. So với các loại rau khác, rau đắng cảy ít người biết đến hơn, nhưng ai đã biết đến nó hoặc đã ăn thử thứ rau này thì rất ghiền, cứ có hàng là đặt ngay vài cân", chị Thanh kể lại.
Chị Thanh cho biết thêm, rau đắng cảy khó bảo quản, sau khi ngắt chế biến càng sớm thì càng ngon và đậm vị nên chị luôn đặt hàng trong ngày, gửi xe xuống Hà Nội và giao luôn cho khách, ai đặt muộn sẽ không còn hàng.
Chưa biết đến rau đẳng cảy nhưng thấy loại rau lạ, lại là rau rừng sạch nên chị Lan Anh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) mua về ăn thử. "Lúc đầu đúng là khó ăn thật, nó có vị đắng đặc trưng, nấu canh chỉ có tôi và chồng ăn chứ con không ăn được. Nhưng những lần sau, tôi làm món trứng rán rau đắng, các con ăn đều khen ngon và giục mẹ mua tiếp".
Cây đắng cảy được bán trên sàn thương mại điện tử
Ngoài rau đắng cảy, trên chợ mạng và sàn thương mại điện tử, cây giống đắng cảy cũng được bán với giá 30.000 đồng/kg, nhiều người dân thành phố mua về để trồng.