Ăn gì giúp phòng tránh bệnh để không cần dùng thuốc khi đủ thứ dịch bủa vây lúc đông về?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 07/12/2023 14:32 PM (GMT+7)

Giữa thời điểm nhiều loại dịch bệnh hoành hành, làm sao để tăng sức đề kháng, giúp cơ thể phòng chống bệnh? BSCK II Đoàn Thị Anh Đào, Phó khoa Dinh dưỡng và Nội Tổng hợp (Bệnh viện Thanh Nhàn) sẽ giải đáp thắc mắc này.

Ths.BS Đoàn Thị Anh Đào

Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Thanh Nhàn

Xem tất cả bài viết của chuyên gia
Quỳnh Hoa (Hà Nội) (dangquynhhoa***@gmail.com)

Chào bác sĩ!

Theo như tôi quan sát, mùa đông các năm trước mọi người ít mắc bệnh hơn năm nay. Tôi nghe nói rằng năm nay nhiều dịch bệnh vào mùa đông do thay đổi thời tiết, nóng lạnh thất thường, khiến hệ miễn dịch suy yếu, virus và vi khuẩn tấn công.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người cần bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, giúp phòng bệnh tốt hơn. Nhưng điều này quá chung chung, tôi rất mong các bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên cụ thể là ăn những thực phẩm nào để tăng đề kháng và ăn liều lượng ra sao cho hợp lý, nhất là vào mùa đông thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay.

Ăn gì giúp phòng tránh bệnh để không cần dùng thuốc khi đủ thứ dịch bủa vây lúc đông về? - 1
Ths.BS Đoàn Thị Anh Đào

Chào bạn!

Lời khuyên các chuyên gia đưa ra là bổ sung dinh dưỡng để nâng cao đề kháng đúng là chung chung nhưng chúng ta phải hiểu rằng sẽ không có một chế độ dinh dưỡng chi tiết nào mà  mọi người đều áp dụng được. Mỗi người có một thể trạng, sở thích và cả tình trạng bệnh lý khác nhau. Do vậy, để có một chế độ ăn phù hợp với từng cá thể thì chúng ta nên đi khám dinh dưỡng, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra chế độ ăn uống phù hợp cho từng người.

Tuy nhiên, dưới góc độ dinh dưỡng, nhất là trong mùa đông, tôi vẫn có một số lời khuyên dành cho mọi người để vừa nâng cao đề kháng, vừa đảm bảo sức khỏe.

- Cần ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng

Theo đó, có 4 nhóm chất cần bổ sung không chỉ mùa đông mà tất cả các mùa trong năm, cụ thể: Nhóm tinh bột gồm có cơm, bún, mì, phở, khoai sắn; nhóm protein gồm có thịt, cá, trứng, sữa; nhóm chất béo gồm có dầu, mỡ các loại hạt chứa nhiều dầu; nhóm vitamin và khoáng chất bao gồm rau xanh, quả chín.

Chúng ta nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, nhất là nhóm rau xanh, bởi đây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất dồi dào giúp nâng cao đề kháng rất tốt. Nên ăn các loại rau lá, rau củ quả và quả chín. Với mùa đông, nên chọn các loại rau củ theo mùa như rau họ cải, các loại củ quả đang vào mùa như chuối. Rau theo mùa có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn rau trái mùa, tránh được cả nguy cơ tồn dư hóa chất.

Với nhóm protein, mọi người nên ăn đủ theo khuyến cáo, với khoảng 80-100 gam thịt hoặc cá/ngày. Nếu chia thực đơn theo tuần thì nên ăn nhiều cá hơn thịt và ăn đồ hấp luộc sẽ tốt hơn đồ chiên rán.

Để nâng cao sức đề kháng, mọi người nên đầy đủ 4 nhóm chất và đa dạng thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.

Để nâng cao sức đề kháng, mọi người nên đầy đủ 4 nhóm chất và đa dạng thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. 

- Đừng quên tập luyện và uống đủ nước

Để nâng cao sức đề kháng, ngoài việc bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác đó là thể dục, thể thao và bổ sung nước, cũng như các thực phẩm bổ sung khác.

Theo đó, thể dục thể thao trong mùa đông giúp phòng và chống được nhiều bệnh tật. Tuy nhiên mọi người cần chú ý tập vừa sức, không tập ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, hoặc không khí bị ô nhiễm.

Ngoài ra, cần chú ý uống đủ nước mỗi ngày. Trong mùa đông, mọi người thường “lười” uống nước, khi không uống đủ nước, việc trao đổi và hấp thu dưỡng chất trong cơ thể bị hạn chế. Không chỉ vậy, nó còn làm tăng gánh nặng cho một số bộ phận như giảm lưu thông máu, thận làm việc nhiều hơn, từ đó cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

- Cần tránh một số thực phẩm không lành mạnh

Mùa đông mọi người thường thích ăn đồ chiên rán, đồ ăn nhanh hoặc dùng đồ uống có cồn, nhiều đường… Đây đều là những đồ ăn thức uống không lành mạnh, mọi người nên tránh.

Nên nhớ rằng những đồ ăn này sinh năng lượng nhiều nhưng không cung cấp đủ nhu cầu dưỡng chất cho cơ thể, đồng thời làm tăng áp lực đào thải cho các bộ phận quan trọng như gan, thận, tiêu hóa… Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung và làm suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công, gây bệnh.

Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe.

Nhiều ca đột quỵ nguy kịch khi thời tiết giao mùa, chuyên gia chỉ rõ người có 5 dấu hiệu này cần biết để phòng bệnh
Đột quỵ có nguy cơ cao với người bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, bệnh lý tim mạch và nam giới hút thuốc lá nhiều...

Đột quỵ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ths.BS Đoàn Thị Anh Đào