Hai món canh nhiều người ưa thích mùa hè mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên khi ăn cần phải đặc biệt lưu ý để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Khi hè về thời tiết nắng nóng việc chế biến món ăn sao cho phù hợp thời tiết, giúp giải nhiệt cơ thể là vấn đề được rất nhiều gia đình quan tâm. Trong số các món ăn khoái khẩu mùa hè, canh bầu nấu tôm và canh cua mùng tơi nấu mướp là hai món ăn được rất nhiều gia đình yêu thích.
Tuy được sử dụng nhiều nhưng ít ai để ý đến giá trị dinh dưỡng của hai món ăn này quen thuộc này. TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, cả hai món ăn đều là những món truyền thống được sử dụng từ rất lâu tại Việt Nam, nhất là vào mùa hè. Đặc biệt, đây là món ăn có thể chiều lòng được tất cả mọi người từ nông thôn đến thành thị, từ người nghèo đến người có điều kiện.
Bác sĩ Hưng cho rằng, rất khó để so sánh giá trị dinh dưỡng cụ thể của hai món canh này, vì nó còn phụ thuộc vào thực phẩm kết hợp, cũng như số lượng của từng loại thực phẩm trong một bát canh.
Canh cua có nhiều giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên khi ăn cùng cà muối phải chú ý số lượng để tránh việc nạp quá nhiều muối vào cơ thể. Ảnh minh họa.
Theo định lượng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia một bát canh cua mùng tơi nấu mướp với thành phần gồm: Thịt cua đồng 55g; Mồng tơi 70g; Mướp 100g; Muối 1g; Dầu thực vật 5g.
Với thành phần thực phẩm như trên, bát canh cua mùng tơi nấu mướp sẽ có giá trị dinh dưỡng như sau: Năng lượng 120kcal; Protein 9.1g; Lipid 7.0g; Glucid 5.1g; Chất xơ 2.3g; Vitamin A 116mg; Beta-caroten 1504mg; Vitamin C 58mg; Caxi 218,7mg; Natri 668.4mg; Kali 558.9mg; Kẽm 0.4mg. Tổng lương muối trong món ăn tương đương 1.671mg (1.67g).
Còn đối với canh bầu nấu tôm, thành phần gồm có: Tôm biển bỏ vỏ 22g; Bầu 150g; Dầu thực vật 5g; Muối 1g. Khi kết hợp các thành phần như trên, bát canh bầu nấu tôm sẽ có giá trị dinh dưỡng: Năng lượng 88kcal; Protein 5.4g; Lipid 5.4g; Glucid 4.6g; Chất xơ 1.5g; Vitamin A 20mg; Beta-caroten 15mg; Vitamin C 12mg; Canxi 50.6mg; Sắt 0.7mg; Natri 452.6mg; Kali 265.7mg; Kẽm 1.3mg; Cholesterol 33.4mg. Tổng lượng muối trong món ăn tương đương 1131,5mg (1,13g).
Qua bảng thành phần và giá trị dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng định lượng như trên có thể thấy món canh cua mùng tơi nấu mướp có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với canh bầu nấu tôm. Điều đáng lưu ý nữa đó là hàm lượng cholesterol trong canh cua là bằng 0, còn trong canh bầu là 33.4mg.
Việc ăn canh cua hay canh tôm bầu tùy thuộc khẩu vị, sở thích mỗi người, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng lưu ý khi ăn canh cua mọi người hay ăn cùng cà muối chua, dù là món ăn truyền thống, ngon miệng và rất đưa cơm nhưng khi sử dụng mọi người cần hạn chế về số lượng. Bởi trong canh cua hàm lượng muối đã có khoảng 1.13g, trong khi đó cà muối thường rất mặn, nếu ăn quá nhiều sẽ không tốt cho cơ thể.
Theo bác sĩ Hưng, sự so sánh trên chỉ là tương đối, khi ăn mọi người còn phụ thuộc vào khẩu vị và sở thích của mỗi người. Ngoài ra, khi ăn mọi người cũng nên chú ý, nhất là ai có cơ địa dị ứng với hải sản.
“Dù là món ăn yêu thích trong mùa hè, nhưng mọi người cũng cần phải chú ý đến sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn. Không vì khoái khẩu mà ăn liên tục canh cua hay canh bầu nấu tôm trong cả tuần hay cả mùa hè. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối, có thể dư chất nọ nhưng thiếu chất kia. Chỉ ăn 1 đến 2 lần/1 tuần với hai món canh trên, không nên lạm dụng”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Tin liên quan
"Mẹo vặt" nào giúp khỏe đẹp ngày Tết? Có điều cực dễ làm nhưng tốt cho cả trái tim và lá gan của bạn
Muốn giữ sức khỏe trong dịp Tết, đôi khi không cần phải “đao to, búa lớn”, hàng ngày chỉ cần thực hiện một số mẹo vặt đơn giản cũng sẽ nâng...
Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe
Ai cũng biết nước dừa và trà xanh đều chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể, nhưng nếu bạn muốn chống lão hóa, duy trì vẻ tươi trẻ của làn da thì chăm uống loại nào sẽ dễ đạt hiệu quả cao...