Chần thịt sẽ khiến chất độc tích tụ nhiều hơn, hóa ra loại nước nhiều gia đình bỏ đi lại giúp làm sạch thịt hiệu quả

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 01/09/2024 06:06 AM (GMT+7)

Khi sử dụng thịt lợn làm thực phẩm, đa số mọi người đều sợ tồn dư hóa chất nên rửa sạch dưới vòi nước rồi chần qua, thế nhưng đây lại một sai lầm khi chế biến thịt.

TS.BS Từ Ngữ

Tiến sĩ, bác sĩ Từ Ngữ - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Ông thường xuyên tham gia các tọa đàm lớn về dinh dưỡng,...

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Chần thịt không phải là cách giúp loại bỏ tạp chất, hóa chất trong thịt

Thịt lợn là thực phẩm phổ biến nhất trong bữa ăn của các gia đình Việt, nhưng loại thực phẩm này cũng bị nhiều “tai tiếng”, khi tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Điều nhiều người lo sợ nhất đó chính là vấn đề tồn dư hóa chất ở trong thịt, vì đa số thịt lợn hiện nay được nuôi bằng thức ăn công nghiệp.

Để hạn chế nguy cơ gây hại tới sức khỏe, các gia đình trước khi chế biến thường sơ chế bằng cách rửa thật sạch dưới vòi nước chảy nhiều lần, nhằm loại bỏ vi khuẩn, tạp chất nếu có. Sau đó, tiếp tục cho thịt vào chần với nước sôi để loại bỏ mùi hôi, hóa chất nếu có.

Đa số mọi người tin rằng, khi chần thịt xuất hiện bọt lăn tăn nổi lên đó chính là chất bẩn, hóa chất có trong thịt. Do vậy, ngày càng nhiều người sơ chế thịt theo cách này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây không phải là cách sơ chế thịt an toàn.

Chần thịt sẽ khiến chất độc tích tụ nhiều hơn, hóa ra loại nước nhiều gia đình bỏ đi lại giúp làm sạch thịt hiệu quả - 1

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho rằng, khi chần thịt các protein trong thịt vón lại và nổi lên mặt nước, chứ đó không phải là tồn dư hóa chất được đào thải ra ngoài. Thực tế, với các tạp chất nếu có ở phía ngoài, việc rửa sạch trước đó cũng đã đảm bảo.

Ông Thịnh còn cảnh báo, việc chần thịt bằng nước sôi còn vô tình khiến miếng thịt bị biến tính, khi gặp nóng chúng co lại, khiến các chất bẩn hoặc máu đọng nếu có ở phía trong không thoát ra ngoài được. Do vậy, mọi người không nên chần thịt qua nước sôi, tốt nhất hãy ngâm hoặc rửa sạch trước rồi cho lên chế biến chín. Việc nấu chín cũng sẽ làm vi khuẩn, ký sinh trùng nếu có bị tiêu diệt.

Nước vo gạo giúp khử khuẩn, làm sạch thực phẩm rất tốt

TS.BS Từ Ngữ (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) tư vấn, thay vì rửa dưới vòi nước hay chần thịt qua nước sôi, mọi người hãy dùng nước vo gạo để rửa hoặc ngâm qua miếng thịt trước khi chế biến. Theo ông Ngữ, đa số các gia đình đều vo gạo nấu cơm trước khi chế biến các món ăn khác. Khi đó, thay vì bỏ đi nước vo gạo, mọi người hãy tận dụng để ngâm, rửa thực phẩm trong đó có thịt.

Theo đó, thành phần của nước vo gạo có chứa nhiều tinh bột, vitamin nhóm B, ancaloit và một số hoạt chất khác giúp làm sạch thực phẩm, loại bỏ tạp chất có trong thịt lợn và hòa tan một số chất hữu cơ. Việc ngâm rửa thực phẩm bằng nước vo gạo ngoài làm sạch bề mặt, cũng có thể giúp trung hòa chất độc nếu có ở trên bề mặt thực phẩm.

Chần thịt sẽ khiến chất độc tích tụ nhiều hơn, hóa ra loại nước nhiều gia đình bỏ đi lại giúp làm sạch thịt hiệu quả - 2

Tuy nhiên, ông Ngữ cũng cho rằng, trường hợp thịt hay thực phẩm bị nhiễm hóa chất với lượng lớn, ngấm sâu vào trong thớ thịt thì việc ngâm rửa bằng nước vo gạo hay làm cách nào cũng không có tác dụng. Hơn nữa, nếu sử dụng nước vo gạo để rửa, ngâm thực phẩm cũng cần phải đảm bảo nguồn gạo an toàn, không dùng chất bảo quản trước đó.

Khi ngâm thực phẩm trong nước vo gạo, không nên ngâm quá 7-10 phút, khi ngâm lâu sẽ khiến chất dinh dưỡng bị hòa tan trong nước. Dù ngâm bằng loại nước này, sau đó vẫn nên rửa lại với nước sạch trước khi chế biến để miếng thịt giữ được nguyên vị nhất.

Ngoài dùng nước vo gạo, mọi người có thể sử dụng nước muối loãng để ngâm, rửa thịt sẽ tốt hơn là chỉ rửa với nước thông thường. Theo các chuyên gia, việc ngâm nước ngoài giúp loại bỏ tạp chất, còn khử được mùi hôi, đẩy chất bẩn và máu trong thịt tiết ra ngoài.

Khi ngâm rửa bằng nước muối cần lưu ý, không pha đậm đặc vì như vậy không làm thực phẩm sạch hơn. Ngược lại, nồng độ muối quá nhiều sẽ ngấm ngược vào miếng thịt, từ đó khiến cho chất lượng thịt bị thay đổi, khi chế biến lượng muối sẽ vào cơ thể, gây dư thừa muối.

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề TS.BS Từ Ngữ