Cố dậy sớm tập luyện hay ngủ thêm thì tốt hơn? Đáp án khiến nhiều người thay đổi 180 độ

Ngày 27/04/2022 06:45 AM (GMT+7)

Ai cũng biết những lợi ích không thể chối cãi của tập thể dục và cũng từng nghe rằng ngủ đủ là chìa khóa để khỏe mạnh, sống lâu. Vậy cố gắng dậy sớm để tập thể dục hay ngủ thêm cho đủ sẽ tốt hơn? Các chuyên gia sẽ giải đáp vấn đề này trong bài viết dưới đ

Từ 5-6h sáng, tại các công viên, đường lớn hay trong các phòng tập luyện ở khu đô thị, nhà chung cư… nhiều người hay các nhóm đã bắt đầu tập luyện. Nhiều người không muốn ra đường, sáng sớm có thể tự tập theo các video tại nhà, tham gia các lớp tập online…

Chị Thanh Hòa (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ 2-3 năm nay, tại khu chung cư chị ở, phong trào tập luyện buổi sáng sớm rất sôi động. Các phòng sinh hoạt cộng đồng đều có lớp nhảy zumba và yoga từ 5 tới 6h cho phụ nữ, đánh cầu lông, đánh bida cho nam giới... Ngoài ra còn có các nhóm 4-5 người rủ nhau chạy bộ khu vườn hoa gần đó.  

Muốn giao lưu với các chị em cùng tầng, vừa để rèn luyện sức khỏe và giảm cân, chị cũng đăng ký tham gia một lớp nhảy zumba 5h sáng. Tuy nhiên, vì có con nhỏ đêm hay quấy đêm nên hôm nào chuông kêu báo giờ đi tập sáng là chị Hòa lại uể oải, đấu tranh tư tưởng mãi mới dậy được. “Tập thì cũng vui nhưng xong về cảm thấy buồn ngủ. Với buổi sáng sớm nào cũng khổ sở mới dậy được, tôi thấy mệt quá. Không biết có nên cố hay nghỉ”, chị Hòa tâm sự. 

Nhiều người chọn tập thể dục vào buổi sáng để nâng cao sức khỏe. Ảnh minh họa: VnExpress.net

Nhiều người chọn tập thể dục vào buổi sáng để nâng cao sức khỏe. Ảnh minh họa: VnExpress.net

Dậy sớm để tập thể dục - không phải với ai cũng tốt

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thuận, BV Thể Thao Việt Nam cho biết, "nên dậy sớm tập luyện hay ngủ thêm" là thắc mắc không phải lần đầu ông nhận được.

Theo bác sĩ, một trong những nguyên tắc để có sức khỏe tốt là duy trì tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Về thời điểm tập luyện, bác sĩ Thuận cho rằng, không có thời điểm nào là tốt nhất cho tất cả mọi người. Lựa chọn tập vào buổi sáng, trưa hoặc tối tùy thuộc vào lịch sinh hoạt, vận động của mỗi người. Điều quan trọng là các bài tập cần đều đặn và phù hợp thể trạng. 

Bác sĩ Thuận cho biết, việc tập luyện vào buổi sáng giúp xương khớp và cơ bắp được khởi động, bôi trơn sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Buổi sáng cũng là thời điểm không khí còn trong lành, mát mẻ, việc tập luyện giúp chúng ta cảm thấy sảng khoái, khỏe khoắn, nhanh tỉnh táo hơn. 

“Nói chung, có tập luyện là tốt hơn không tập, dù vào buổi nào. Với những người làm văn phòng, phải ngồi nhiều thì càng cần vận động thường xuyên, đi lại vào bất cứ thời điểm nào, ở đâu, thay vì chỉ tập một lúc trong ngày”, bác sĩ chia sẻ. 

Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý, không nên thường xuyên thay đổi giờ giấc luyện tập để tránh làm rối loạn nhịp điệu thể chất, phá vỡ nhịp sinh học, làm suy giảm các chức năng sinh lý của cơ thể.

Theo thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh, chuyên gia tham vấn và trị liệu tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Hà Nội, các chuyên gia tâm lý cũng như các nhà dinh dưỡng đã kết luận rằng việc tập thể dục hàng ngày sẽ giúp cho sức khỏe tinh thần, trí não được vận hành ổn định hơn. 

Tập luyện đúng cách vào buổi nào cũng tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
 

Tập luyện đúng cách vào buổi nào cũng tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Cơ thể chúng ta vận hành theo đồng hồ sinh học và  hình thành thói quen tập luyện trong một khung giờ nhất định. Chẳng hạn như có nhiều người quen tập thể dục vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối thì cơ thể sẽ thích nghi để đến đúng thời gian đó là sẵn sàng cho việc tập luyện với cường độ cao hơn các hoạt động khác.  

“Nếu như bạn không có lịch tập thể dục cố định thì cơ thể có thể thấy mệt mỏi vì phải thường xuyên thích nghi. Vì thế, luyện tập thể dục thể thao cần kiên trì trong một thời gian cố định trong ngày, trong tuần mới đạt được hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe”, thạc sĩ Hanh nói. 

Giữa hai việc - cố gắng dậy sớm để tập luyện hay nên ngủ  đủ giấc - cái nào tốt hơn, chuyên gia cho rằng, mỗi người có khung giờ ngủ và khung giờ vận động khác nhau, phụ thuộc vào công việc và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Và khái niệm ngủ đủ giấc của mỗi cơ thể cũng khác nhau, chẳng hạn trẻ em cần 7-8 tiếng, trong khi người lớn có thể ngủ ít hơn, nhưng biểu hiện giống nhau ở chỗ: khi thức dậy chúng ta cảm thấy cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái bởi chức năng của giấc ngủ là giúp con người sạc lại năng lượng sau một ngày vận động mệt mỏi.

Ngoài ra, cơ thể vận hành theo nhiệt độ. Khi ở nhiệt độ thấp thì cơ thể sẽ dễ đi vào giấc ngủ, còn khi ở nhiệt độ cao thì cơ thể sẽ tỉnh táo. Như vậy thì hoạt động tập thể dục buổi sáng rất cần cho cơ thể bởi vì sau một đêm ngủ, cơ thể cần vận động để làm nóng người và sẵn sàng cho một ngày làm việc học tập và làm việc. 

Đối với người thường xuyên bận rộn, phải suy xét xem nên ngủ đủ giấc hay dậy sớm tập thể dục thì đầu tiên họ cần quan sát số giờ ngủ đủ của - đó là khoảng thời gian ngủ mà khi tỉnh dậy mình cảm thấy thoải mái nhất. Khi ngủ đủ khung giờ thì cơ thể đã đủ năng lượng để vận hành cho một ngày mới rồi, còn việc tập thể dục thì chỉ cần vận động nhẹ nhàng để cơ thể tăng dần nhiệt độ là được. Khung giờ thể thao với cường độ mạnh hơn thì có thể được sắp xếp vào giờ chiều tối để cơ thể có sự trao đổi chất phù hợp cho đồng hồ sinh học. 

Với một số người, giấc ngủ đủ còn quan trọng hơn việc cố dậy sớm tập luyện. (Ảnh minh họa)

Với một số người, giấc ngủ đủ còn quan trọng hơn việc cố dậy sớm tập luyện. (Ảnh minh họa)

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để chúng ta nhận biết được cơ thể mình có cần thay đổi lịch sinh hoạt so với hiện tại  hay không? Đó là khi bạn cảm nhận được cơ thể đang có sự mệt mỏi chân tay hay có những cơn đau đầu, đau bụng, đau ngực,…cảm giác không còn năng lượng để tiếp tục hoạt động, cũng như mỗi sáng thức dậy mà cơ thể không cảm thấy khỏe khoắn, tinh thần không được sảng khoái. Lúc này, đồng hồ sinh học đang báo động cho chúng ta rằng cơ thể đang chưa ngủ đủ giấc sau một đêm, cơ thể chưa có khung giờ để vận động hợp lý để trao đổi chất, tiêu hao năng lượng dư thừa và tích lũy các dưỡng chất lành mạnh. Cơ thể đang bị rối loạn và cần được điều chỉnh lại lịch sinh hoạt để phù hợp hơn, nếu không có thể dẫn tới những trạng thái bệnh lý nặng. 

Một số lưu ý để tập luyện an toàn, hiệu quả:

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thuận, dù tập luyện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng nên lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo an toàn và mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe: 

- Luyện tập phù hợp với bản thân, tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe, thể chất, bệnh tật hiện mắc… Có thể khám sức khỏe hoặc tư vấn bác sĩ trước khi bắt đầu quá trình tập luyện để đảm bảo an toàn. 

- Xác định rõ, cụ thể mục đích tập luyện: Bạn tập luyện để duy trì sức khỏe, giảm cân, tăng sức bền hay khắc phục các vấn đề sức khỏe…? Nếu tập để điều trị hay hỗ trợ điều trị một bệnh lý cụ thể nên được bác sĩ hay chuyên gia thể lực "kê đơn".

- Khởi động đúng và đủ trước khi tập luyện giúp cơ thể đạt trạng thái tốt nhất khi hoạt động thể lực, các hệ thống tim mạch, hô hấp, hệ thống cơ xương khớp được chuẩn bị thích nghi với vận động, giúp phòng tránh chấn thương, mệt mỏi quá sức.

- Chú ý điều kiện thời tiết, nhiệt độ môi trường tập luyện. Mùa lạnh nên tập muộn hơn khi mặt trời đã lên làm tan sương giá. Mưa lạnh, ẩm thấp nên tránh tập ngoài trời. 

- Đảm bảo dinh dưỡng, nước uống khi tập luyện.

- Đánh giá hiệu quả tập luyện giúp điều chỉnh cho phù hợp, phòng tránh mệt mỏi quá sức, chấn thương hay bệnh lý do tập luyện quá mức, không phù hợp gây ra. 

Có 5 thói quen đoản mệnh khi ngủ dậy vào buổi sáng, rất nhiều người đang mắc 
Mỗi ngày mới luôn bắt đầu từ sáng sớm. Do vậy những thói quen dù tốt hay xấu trong thời khắc bình minh đều sẽ ảnh hưởng đến cả ngày hôm đó, lâu dần sẽ...

Sống khỏe

Yên Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe