Chữa lành không hề xấu, nhưng những người mượn danh nghĩa chữa lành để trục lợi bất chính thì rất đáng lên án. Do vậy, mọi người cần cảnh giác, cũng như tìm hiểu những cách có thể tự chữa lành cho bản thân.
- Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (2016 - nay)
- Nguyên Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương...
Sẵn sàng vay nợ, nghỉ việc để chữa lành
Gần đây từ khóa "chữa lành" được rất nhiều người tìm kiếm. Trên mạng xã hội, có hàng chục hội nhóm liên quan đến chữa lành, có nhóm lên tới hàng trăm nghìn thành viên. Tại đây, đủ các khóa học chữa lành, vật phẩm chữa lành, cho đến kinh nghiệm chữa lành được chia sẻ. Thế nhưng, cũng không ít người sau khi chữa lành lại rơi cảnh nợ nần, “rách nát” hơn.
Yến Nhi (24 tuổi, ở Hà Nội), mới chia tay người yêu sau hơn một năm gắn bó. Nhi buồn chán, xin nghỉ việc không lương một tháng để rời khỏi thành phố về quê chữa lành. Có kinh nghiệm từ những lần chia tay trước, Nhi cho biết mỗi lần thất tình, cô luôn tìm cách trốn tránh thực tại, đi du lịch hoặc về quê để quên đi nỗi buồn. “Đã có lần cơ quan không cho nghỉ, nhưng em sẵn sàng bỏ việc để chữa lành tâm hồn đang tổn thương. Bởi có làm việc em cũng chẳng thể tập trung được”, Nhi nói.
Bỏ việc, vay tiền để đi chữa lành là cách dễ phản tác dụng. Ảnh minh họa.
Còn Hoàng Đan (27 tuổi, ở TP HCM) chia sẻ, cô đang nợ ngập đầu vì “đu trend” chữa lành trên mạng. Đang là trưởng bộ phận một công ty, do kinh tế khó khăn Đan phải nghỉ việc. Sự việc đến bất ngờ khiến Đan hụt hẫng, lo âu, mất ngủ nhiều đêm, làn da xanh xao vì thiếu ngủ.
“Khi đó đúng là tôi cần chữa lành thật”, Đan nói và chia sẻ rằng, cô lấy tiền tiết kiệm để tham gia các khóa tu, thiền nhằm tìm sự an yên cho bản thân.
“Khi tham gia một khóa chữa lành ở quận 2, ngoài trị liệu bằng cách rung chuông, họ còn yêu cầu mua viên có khả năng tiếp năng lượng, giúp những tổn thương trong tâm trí được hàn gắn nhanh hơn”, Đan chia sẻ về trải nghiệm của mình trên mạng xã hội.
Rất nhiều vật phẩm chữa lành được rao bán với giá đắt đỏ. Ảnh minh họa.
Viên đá Đan mua có giá 7 triệu đồng, được cô mang theo bên mình mỗi khi đi ngủ. Sau gần 3 tháng tham gia chữa lành, mua đủ các vật phẩm nhưng tâm trạng của Đan chẳng cải thiện được bao nhiêu. Đã vậy, cô gái này còn ngập trong nợ nần. Đến khi không có khả năng chi trả, Đan cầu cứu đến bố mẹ thì bị mắng thậm tệ. "Vậy là ngoài những vết thương trước đó chưa chữa lành được, tôi lại tiếp tục phải hứng thêm những vết rách mới còn nặng nề hơn từ chính những người thân", Đan than thân, trách phận.
Không tỉnh táo dễ rơi vào cạm bẫy chữa lành
TS.BS Trần Thị Hồng Thu - PGĐ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, hiện nay những người rơi vào trường hợp như hai bạn trẻ trên rất phổ biến. “Nếu không tỉnh táo, các bạn sẽ rất dễ rơi vào cạm bẫy chữa lành. Khi đó, sẽ không những sẽ bị rách thêm, mà nhiều người còn bị tổn thất về tinh thần”, bác sĩ Thu cảnh báo.
Theo bác sĩ Thu, thực tế chữa lành không xấu. Thậm chí, nhiều người quan tâm đến chữa lành, còn là tín hiệu đáng mừng. Điều đó chứng tỏ, người trẻ đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần, chứ không chỉ vẻ bề ngoài hay vóc dáng.
Thế nhưng, điều đáng nói là mọi người lại không hiểu bản chất vấn đề, còn e ngại, có sự kỳ thị khi nhắc đến hai chữ tâm thần. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người “sập bẫy” các dịch vụ và vật phẩm chữa lành, để rồi “tiền mất, tật mang”.
“Qua thăm khám tôi nhận thấy, hiện nay giới trẻ tiếp nhận thông tin quá nhiều, nhưng lại không có kiến thức để sàng lọc. Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần theo hướng khoa học đang thiếu hụt. Nắm bắt được xu thế đó, các dịch vụ tự phát, không chính thống phát triển như “nấm sau mưa”, quảng cáo rầm rộ nên nhiều người tìm đến”, bác sĩ Thu lý giải.
Các chuyên gia đều thừa nhận, chữa lành không xấu, nhưng cần phải tỉnh táo để tránh "tiền mất, tật mang". Ảnh minh họa.
Bác sĩ Thu cảnh báo, các dịch vụ lợi dụng chữa lành để trục lợi là rất xấu và tiêu cực, có thể đẩy những người bị tổn thương xuống “vực thẳm”, đến khi nhận ra thì đã quá muộn.
Do vậy, bác sĩ Thu cho rằng, muốn chữa lành thì chúng ta phải hiểu việc này dành cho ai, có thể thực hiện được bằng cách nào. “Hiện chúng ta chỉ nói chung chung là chữa lành, khái niệm này sẽ khiến nhiều người mơ hồ. Đó là lý do người cung cấp dịch vụ sẽ đánh đồng, mượn từ khóa chữa lành để kiếm lời bất chính”, bác sĩ Thu chia sẻ.
Đồng quan điển trên, Ths.BS Nguyễn Hồng Bách - GĐ Viện Tâm lý học và Truyền thông cho biết, ông không phản đối việc chữa lành, nhưng cần chữa đúng đối tượng và thời điểm. Hơn nữa, không có phương pháp nào dành cho tất cả mọi người, cũng không có vật phẩm nào chữa lành được những tổn thương tâm lý.
Bác sĩ Bách tư vấn, những trường hợp sau cần được chữa lành:
- Người gặp sang chấn tâm lý, ví như trải qua mất mát lớn, người thân yêu từ giã cõi trần, mất con hoặc bị sốc trong mối quan hệ công việc, bạn bè, người yêu…
- Người gặp tai nạn, bị rơi vào trạng thái sống trong ám ảnh hoặc gặp những chuyện khủng kiếp trong cuộc sống như bị xâm hại tình dục, bị lừa dối, đánh nhau để lại di chứng.
- Người gặp vấn đề rắc rối về tài chính như phá sản.
- Trường hợp bản thân nội sinh như phổ tự kỷ chức năng gây ảnh hưởng trong giao tiếp, cuộc sống thường nhật.
Còn TS.BS Trần Thị Hồng Thu đưa ra quan điểm rằng, chữa lành về bản chất là biết cách chăm sóc sức khỏe, đối phó hiệu quả với stress, từ đó giảm bớt lo âu, trầm cảm, lấy lại cân bằng tinh thần. Đồng thời, bà Thu một lần nữa cảnh báo rằng, trong bối cảnh dịch vụ chăm sóc tâm lý, tâm thần đang thiếu và yếu, mọi người cần nêu cao cảnh giác, tránh tin theo những lời hứa không thực tế, rơi vào bẫy lừa dối và càng bế tắc hơn.
Mọi người có thể tự chữa lành bằng cách ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện khoa học và hợp lý. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Thu tư vấn, mọi người có thể tự chữa lành theo 10 biện pháp dưới đây:
- Dinh dưỡng lành mạnh: Ăn đầy đủ, cân đối và đa dạng dinh dưỡng. Tránh chất béo không bão hòa, đồ ăn nhanh;
- Thể dục đều đặn;
- Ngủ đủ giấc;
- Hạn chế thuốc lá, rượu bia;
- Làm việc mình thích, thích việc mình làm;
- Biết quản lý thời gian, ưu tiên việc quan trọng;
- Tạo mối quan hệ gia đình, xã hội tích cực;
- Biết cách thư giãn: Yoga, thiền định, hít thở sâu;
- Không quá rảnh hoặc ôm quá nhiều việc;
- Nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm lý/tâm thần đáng tin cậy khi cần, tìm hiểu kỹ.
Tin liên quan
Chữa lành là việc nên làm khi nội tâm cơ thể gặp vấn đề, tuy nhiên khi nào nên thực hiện và cách thức ra sao thì không phải ai cũng hiểu.
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Khi gặp bế tắc trong công việc, áp lực về tâm lý, không ít bạn trẻ sẵn sàng nghỉ việc để đi "chữa lành", hành động này liệu có thật sự mang...
Theo các bác sĩ, dinh dưỡng rất quan trọng với bệnh nhân ung thư, vì vậy, người bệnh không nên quá kiêng khem mà cần ăn đủ chất, giàu năng...
Tin bài cùng chủ đề Mental Health
Nếu gần đây bạn tăng hoặc giảm cân dù không cố gắng thay đổi cách ăn uống, hoặc dễ cáu gắt, sợ bị người khác chỉ trích, có thể bạn đang bị rối loạn lo âu và cần được hỗ trợ.