Khi nói chuyện trên mạng xã hội, cô gái trẻ nói rất nhiều, có cảm giác rất dễ gần. Thế nhưng, khi gặp trực tiếp lại “cậy răng” chẳng nói được một câu. Đây liệu có phải dấu hiệu bất thường về tâm lý và cần đi khám?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách hiện đang là Giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền Thông, thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam.
Cô gái chỉ thích giao du trên mạng, khi gặp ngoài đời luôn cảm thấy đơn độc
Thu Hương (21 tuổi, ở Hà Nội) đang là sinh viên một trường đại học, cô có ngoại hình xinh đẹp và phong cách ăn mặc trẻ trung. Trên mạng xã hội, Hương được đánh giá là một người hoạt ngôn, dễ gần khi sẵn sàng tiếp chuyện, trả lời mọi bình luận của mọi người, kể cả với những người không quen biết.
Khi tham gia các hội nhóm trên mạng, Hương cũng bàn luận rất rôm rả về một vấn đề nào đó. Thậm chí, những ý kiến của cô còn được khen là “có tình, có lý” và được mọi người ghi nhận. Vì thế, Hương luôn ôm điện thoại bên mình, nhằm không bỏ sót bất cứ vấn đề gì liên quan, dù đó chỉ là câu chuyện phiếm.
Thế nhưng, điều khá bất ngờ là khi gặp mặt trực tiếp để bàn luận về một vấn đề gì đó, Hương lại im như thóc, không đưa ra ý kiến gì. Cô luôn có cảm giác bản thân đang rất đơn độc, muốn tách ra khỏi mọi người. Dù những người ngồi trước mặt Hương vẫn là những người trước đó đã trao đổi trên mạng xã hội.
Người bị cô độc hướng ngoại có thể rất rôm rả trên đoạn thoại, nhưng gặp mặt trực tiếp lại khó gần, cảm thấy đơn độc. Ảnh minh họa.
“Khi tiếp xúc trực tiếp, Hương tỏ ra rất ngại ngùng với người đối diện. Ai hỏi gì cô ấy cũng ậm ừ cho qua chuyện, chứ không đưa ra ý kiến như lúc trao đổi online. Đáng nói là, cùng thời điểm đó, Hương lại đang bàn luận rất náo nhiệt trên một hội nhóm khác. Chúng tôi nhiều lần khuyên Hương đi khám tâm lý, tâm thần nhưng cô ấy khẳng định mình vẫn bình thường”, một người bạn của Hương chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý trị liệu Nguyễn Hồng Bách - giám đốc Viện tâm lý học và truyền thông cho biết, trường hợp như cô gái trên ngày càng phổ biến, trong chuyên môn đây họi là hội chứng cô độc hướng ngoại. Hội chứng này có tên khoa học là Outgoing Autism, hay còn được biết đến với tên gọi khác - “tự kỷ hướng ngoại” (giả tự kỷ).
“Hai khái niệm “cô độc” và “hướng ngoại” hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng nó lại tồn tại bên trong tâm trí của họ. Thế nên, những người mắc phải hội chứng này thường rất khó hiểu và khó để kết nối”, bác sĩ Bách chia sẻ.
Không khó nhận ra người mắc hội chứng cô độc hướng ngoại
Theo bác sĩ Bách, dấu hiệu dễ nhận biết khi ai đó mắc hội chứng này, là họ thường coi điện thoại là vật bất ly thân, như trường hợp cô gái trên là một ví dụ điển hình. Đối với họ, chiếc điện thoại là cách họ “bảo vệ” bản thân khỏi những tác nhân bên ngoài.
Theo đó, khi cảm thấy không thể tiếp tục hòa nhập với đám đông, họ sẽ sử dụng điện thoại để tìm kiếm thế giới riêng cho mình, chia sẻ ý kiến cá nhân và hoàn toàn phớt lờ mọi thứ xung quanh. “Mục đích của việc chăm chú vào điện thoại là giúp những người mắc hội chứng tránh được những cuộc đối thoại gượng gạo hay giúp họ quên đi cảm giác bị bỏ rơi, bơ vơ giữa đám đông. Người cô độc hướng ngoại luôn mang theo điện thoại, khó thiết lập và duy trì mối quan hệ trực tiếp”, bác sĩ Bách phân tích.
Dấu hiệu rất dễ nhận thấy của người mắc hội chứng cô độc hướng ngoại là coi điện thoại như vật bất ly thân. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể bắt nguồn từ sự nhút nhát, cảm giác tự ti của bản thân hay một vài yếu tố khác. Ngoài ra, những cá nhân mắc phải hội chứng này còn khá khó khăn trong việc giao tiếp, bày tỏ suy nghĩ của bản thân và thấu cảm với người xung quanh. Tất cả những yếu tố trên khiến họ gặp trở ngại trong việc xây dựng mối quan hệ với xã hội và dần khiến bản thân trở nên cô độc, tâm trạng “nắng mưa thất thường”.
“Những cá nhân có tâm trạng “nắng mưa thất thường” rất khó điều chỉnh và kiềm chế cảm xúc của mình, họ dễ nổi nóng, cáu gắt và nhạy cảm, thế nên thường rất khó để giao tiếp hay bắt chuyện với mọi người và thường thu mình lại để tránh đả kích đến những người xung quanh”, bác sĩ Bách nhận định.
Cô độc hướng ngoại là một vấn đề tâm lý cần trị liệu để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, một dấu hiệu khác cũng rất đáng chú ý, đó là người mắc hội chứng cô độc hướng ngoại chỉ lạnh nhạt, khó kết nối với người lạ, mới lần đầu gặp mặt. Với người quen biết, họ cũng chỉ trò chuyện đúng chừng mực và không bộc lộ quá nhiều cảm xúc. Còn với những người thân thiết, họ như biến thành một con người khác, cởi mở, nhiệt tình. Tóm lại, người cô độc hướng ngoại sẽ có cách cư xử khác nhau khi gặp mỗi người khác nhau phụ thuộc vào tình trạng quan hệ đó.
Với những người mắc hội chứng này, bác sĩ Bách cho rằng, họ cần được trị liệu tâm lý, để giúp hòa đồng với mọi người, không ảnh hưởng đến công việc. Phương pháp trị liệu có thể là giúp họ giảm dần những suy nghĩ, hành động tiêu cực bằng cách gợi mở, khuyến khích họ kể, nói chuyện và chia sẻ những điều trong cuộc sống của mình, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tin liên quan
Mỗi khi găp áp lực, stress trong cuộc sống và công việc, chị Hạnh lại "chữa lành" bằng cách đi mua sắm. Chồng chị đã phải đưa vợ vào viện...
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, thuốc điều trị rối loạn lo âu sẽ khiến người uống cảm thấy bồn chồn, bốc hỏa, run, rối loạn cương dương hoặc...
Chữa lành là việc nên làm khi nội tâm cơ thể gặp vấn đề, tuy nhiên khi nào nên thực hiện và cách thức ra sao thì không phải ai cũng hiểu.
Tin bài cùng chủ đề Ths.BS Nguyễn Hồng Bách
Do bất đồng với bố mẹ, chàng thiếu niên lấy sách làm bạn, thậm chí là lấy nhà vệ sinh làm không gian sống, để rồi sau đó mắc bệnh phải trị liệu.