Bài tập vẩy tay theo bí kíp Dịch cân kinh giúp nhiều nhân vật trong truyện kiếm hiệp trở thành cao thủ, có sức mạnh khó ai bì được. Ở đời thực, đây là bài vận động tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng phù hợp và không nên tự tập theo hướng dẫn trên mạng.
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ sinh ngày 20/9/1963, tại Vĩnh Long. Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa II Y học cổ truyền năm 2005.
Hiện bác sĩ là: Giảng...
Bài viết dưới đây là chia sẻ của BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Y Dược TP. HCM, lý giải về những điều cần biết liên quan tới bài tập vẩy tay mà gần đây nhiều người mách nhau tự tập để nâng cao sức khỏe:
Dịch cân kinh là gì mà nhiều người coi là “Bí kíp trường sinh”?
Dịch Cân kinh (dịch: dịch chuyển; cân: gân cốt; kinh: sách) vẫn được xem là một bài vận động rất tốt cho sức khỏe, được nhiều người ưa chuộng.
Dịch cân kinh là tên gọi rút gọn của Dịch cân tẩy tủy kinh hay có nơi gọi là Đạt Ma dịch cân kinh, là một cuốn sách võ thuật dạy cách thổ nạp chân khí, nhằm cường thân kiện thể, trường sinh. Dịch cân kinh là bí kíp quan trọng hàng đầu trong những tác phẩm kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung như Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký.
Trong tác phẩm Thiên long bát bộ của ông, nhân vật Trang Tụ Hiền nhờ luyện Dịch cân kinh mà đẩy được kịch độc ra khỏi cơ thể rồi trở thành một cao thủ trong giới võ lâm. Còn nếu cưỡng cầu luyện có thể dẫn đến tẩu hỏa nhập ma như trường hợp của Cưu Ma Trí.
Ngày nay, phép chữa bệnh theo Dịch cân kinh được gọi là phất thủ liệu pháp. Đây là phương pháp khí công chữa bệnh bằng cách lắc tay đơn giản, dễ nhớ, dễ tập.
Chuỗi động tác trong bài tập Đạt ma Dịch cân kinh. (Ảnh minh họa)
Tồn tại ngoài đời thực, Dịch cân kinh không cao siêu như những gì Kim Dung viết. Dịch cân kinh là tên rút gọn của Dịch cân tẩy tủy kinh hay có nơi gọi là Đạt Ma dịch cân kinh, chữ Hán có nghĩa "cuốn kinh chỉ phép co duỗi gân". Gồm một chuỗi bài tập kết hợp hơi thở, Dịch cân kinh hướng đến cải thiện sức khỏe cơ bắp, gân đồng thời tăng cường sức mạnh, sự linh hoạt, tốc độ, mức chịu đựng, sự cân bằng và khả năng phối hợp cơ thể.
Về xuất xứ, tương truyền Dịch cân kinh do Bồ Đề Đạt Ma lĩnh ngộ sau 9 năm diện bích ở chùa Thiếu Lâm vào khoảng thế kỷ VI. Tuy nhiên, giả thuyết này bị nhiều người nghi ngờ. Theo Hiệp hội Khí công Trung Quốc, nguyên mẫu của các thức trong Dịch cân kinh được tìm thấy trong văn bản 2.000 năm tuổi có tên Minh họa về vận khí.
Không chỉ nguồn gốc mà số thức trong Dịch cân kinh cũng gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng bí kíp này gồm 18 thức, tương ứng với 18 vị La Hán. Ngày nay, phiên bản được Viện Hàn lâm Y học Trung Quốc công nhận chỉ có 12 thức.
Mục đích cơ bản của Dịch cân kinh là biến những gân, cơ mỏng manh trở nên khỏe mạnh, chắc chắn. Động tác trong Dịch cân kinh vừa mạnh mẽ vừa chậm rãi, nhẹ nhàng. Người tập cần vận dụng cả ý chí lẫn thể chất, kết hợp với hơi thở.
Nhờ kết hợp các động tác vận động với hơi thở, Dịch cân kinh có tác dụng xua tan mệt mỏi, điều hòa khí huyết. Cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sung mãn thì đẩy lui được bệnh tật và thấy đời vui tươi, hạnh phúc.
Như vậy, Dịch cân kinh thực sự có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên bạn cũng không thể kỳ vọng tác dụng lập tức như phép nhiệm màu giống trong truyện Kim Dung.
Theo tiểu thuyết của Kim Dung, người hùng Lệnh Hồ Xung thoát chết nhờ luyện Dịch cân kinh. (Ảnh minh họa)
Ở nước ta, mọi người thường biết tới bản Dịch cân kinh của tác giả Trần Đại Sỹ.
Theo dịch giả này, bài tập đầu tiên mạo danh Dịch cân kinh chỉ có một thức duy nhất là đứng thẳng tại chỗ, đưa hai tay tập vẫy vẫy như chim non tập bay. Đây là bài tập được rất nhiều người biết đến ở Việt Nam hiện nay.
Có cơ sở khoa học, y khoa nào cho bài tập Dịch cân kinh?
Những nghiên cứu nghiêm túc bên Trung Quốc cũng chỉ ra rằng bản Dịch cân kinh đầu tiên ra đời cùng lắm là đầu đời Thanh. Trong bài tựa bộ Thiếu Lâm tự tư liệu của Vưu Cốc, Diêu Nguyên, xuất bản tháng 10.1984 có đoạn viết: “Từ trước đến nay, mật bản Dịch Cân kinh nói là nội công Thiếu Lâm, rồi được lưu truyền trên trăm năm đến giờ. Căn cứ vào sự kết thành của nội dung bộ sách cũng như cú pháp thì không thể nào tin được. Bộ này chỉ có thể được viết vào thời Thanh Khang Hy (1662-1723), Ung Chính (1723-1736) là quá”.
Nội dung bài tập Dịch cân kinh chia thành 12 thức. Mỗi thức gồm nhiều câu khẩu quyết. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài thì các khẩu quyết này cũng bị tam sao thất bản, các bài tập này ngày nay đã có thể khác rất xa bản gốc ban đầu. Dịch cân kinh vẫn bị phủ màu sắc huyền bí, với nhiều dị bản, do đó việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên trong tiểu thuyết của mình, Kim Dung nói rằng Dịch cân kinh do Đạt Ma lão tổ sáng tạo ra sau 9 năm ngồi quay mặt vào tường trong hang động. Kể ra, hư cấu cũng là một thủ pháp thường thấy trong các tiểu thuyết. Đáng lẽ độc giả đọc truyện nên hiểu như vậy. Tuy nhiên, nhiều người lại từ câu chuyện hư cấu của văn học mà khăng khăng cho là sự thực.
Ở Trung Quốc, Dịch cân kinh chỉ là một trong mấy môn khí công phổ biến được đưa vào dạy đại trà trong các đại học, không có gì là mật truyền, bí truyền cả. Từ năm 1974, nó được một số đại học y khoa dạy trong chương trình đào tạo các thầy tẩm quất và bác sĩ thể thao. 11 năm sau, tại Đại hội y khoa toàn Trung Quốc, người ta đã bỏ công phân tích, thẩm định, bỏ đi những chỗ rườm rà và bắt đầu thống nhất dạy Dịch cân kinh trong các trường đại học y khoa.
Dịch cân kinh là bài tập vận động tốt nhưng cần luyện đúng và nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi thực hiện với mục đích nâng cao thể trạng hay chữa bệnh. (Ảnh minh họa)
Bản Dịch cân kinh của Trần Đại Sỹ được tung lên mạng đã khơi mào cho nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn. Với hiểu biết của mình, tác giả cho rằng những động tác vận động kết hợp hô hấp như vậy có giá trị dưỡng sinh và phục hồi sức khỏe, tinh thần rất tốt.
Lưu ý gì khi tập vẩy tay kiểu Dịch cân kinh để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe?
Nội dung của Dịch cân kinh tập những gì hiện nay còn chưa được thống nhất. Phiên bản lưu truyền phổ biến đơn giản nhất là chỉ cần tập vẩy tay mấy ngàn cái là chữa được bách bệnh. Còn tùy người tập lựa chọn tập cái gì, sức khỏe thể chất ra sao mà sự tác động là khác nhau. Tuy nhiên tự ý luyện tập không qua tham khảo ý kiến người có chuyên môn thì có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp các cô bác lớn tuổi đi công viên chỉ nhau tập Dịch cân kinh vẩy tay mấy ngàn cái, sau đó hai tay mỏi nặng, sưng đau khớp, hạn chế vận động. Hậu quả trên 2 cánh tay như vậy gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt.
Ngày nay, các thông tin dễ tìm kiếm và vô cùng phong phú, nhưng cũng dễ khiến nhiều người “lạc lối”. Việc mọi người tìm kiếm và làm theo các bài hướng dẫn trên mạng để tự điều trị các vấn đề sức khỏe nên được nhìn dưới nhiều góc độ. Thông tin trên mạng rất nhiều và nếu chúng ta biết cách sử dụng nó thì rất tốt, nhưng sẽ gây hại nếu áp dụng không phù hợp.
Thực tế, không chỉ bài tập này, các bộ môn vận động khác như như bơi lội, chạy bộ, aerobic, gym khi tập đúng thì đều có tác dụng tốt với sức khỏe, cơ thể được vận động phù hợp sẽ khỏe mạnh, khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, các bệnh mãn tính được kiểm soát tốt hơn, sức đề kháng mạnh hơn. Vấn đề ở đây là cần tập đúng và phù hợp.
Với bài tập vẩy tay Dịch cân kinh, khi tham khảo các thông tin hướng dẫn cách tập luyện, bạn cần xem xét hướng dẫn trên mạng là nguồn nào, chất lượng thông tin đến đâu. Bên cạnh đó còn phụ thuộc trình độ của người tìm kiếm thông tin có hiểu đúng hay không nữa. Sức khỏe là vấn đề cần được cá nhân hóa vì mỗi người có đặc điểm khác nhau, từ đó mà luyện tập cũng khác nhau. Nên an toàn nhất là cần có người có chuyên môn hỗ trợ bạn. Còn tự tập luyện thì hên xui, có thể tốt, có thể không do phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố khác nhau.
Tin liên quan
Đây đều là những bài tập dễ dàng thực hiện và không cần tốn quá nhiều sức lực để thực hiện.
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Các nhà khoa học thấy rằng làm vườn cật lực vào cuối tuần cũng giúp bạn kéo dài tuổi thọ chẳng khác nào chống đẩy, gập bụng hay squat.
Những bài tập này thực hiện rất đơn giản tại nhà nhưng lại có nhiều tác dụng cực tốt vì không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, mà còn tăng khoái...
Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe
Nhiều người luôn cố gắng dậy sớm mỗi ngày để tập luyện vì nghĩ như vậy tốt cho sức khỏe, vóc dáng và tuổi thọ. Sau khi thực hiện bài trắc nghiệm dưới đây, bạn có thể bất ngờ khi tìm ra đáp...
chủ đề phổ biến