Theo bác sĩ Phạm Minh Triết khi trẻ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm cần có sự quan tâm, trò chuyện và thấu hiểu của cha mẹ để giúp các em có thể vượt qua những rắc rối trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn.
Ths.BS Phạm Minh Triết, Nguyên Trưởng khoa Tâm Lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện là nghiên cứu sinh tại Trường Nghiên cứu Tâm lý, Đại học Quốc...
Con phải sống
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho thanh thiếu niên 10 - 24 tuổi. Dù đã có nhiều cảnh báo, những số liệu thống kê cho thấy, tình trạng này ở tuổi thanh thiếu niên đang ngày một tăng.
Ths.BS Phạm Minh Triết, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hiện là nghiên cứu sinh tại Trường Nghiên cứu Tâm lý, Đại học Quốc gia Úc. Một ngày cuối tháng 4, vị bác sĩ trở về nước để thăm gia đình và hợp tác làm việc với một số dự án đã lên kế hoạch.
Dòng tin nhắn của Quỳnh và bác sĩ Triết. Ảnh: BSCC.
Trong thời gian chờ lên máy bay từ Úc về TP.HCM, bác sĩ Triết nhớ lại những bệnh nhi không may mắc các rối loạn tâm lý mình từng khám và điều trị. Trong đó, có trường hợp nữ sinh giữa đêm chỉ muốn chết sau khi đã uống 2 vỉ thuốc.
Bệnh nhân trên tên Vương Thị Quỳnh, đang học một trường THPT ở TP.HCM. Trước đó, em bị rối loạn lo âu, trầm cảm được điều trị bằng thuốc theo toa kết hợp liệu pháp tâm lý trong 3 tháng thì ổn định.
Kỳ nghỉ hè đến, theo kế hoạch Quỳnh sẽ đi du lịch với gia đình nên việc can thiệp tâm lý được giãn ra, khoảng 4 tuần tái khám một lần. Và lần nào, nữ sinh này cũng được bác sĩ Triết kê thuốc theo toa cho uống. “Lần đó, đã hơn 6 tuần chưa thấy con đăng ký tái khám theo lịch hẹn, tôi đinh ninh là con đã ổn. Đùng một cái, con nhắn tin cho tôi…”, bác sĩ Triết nhớ lại.
Hôm đó là vào tối chủ nhật, công việc của bác sĩ Triết rảnh hơn một chút. “Buổi tối, một người bạn vừa đến nhà chơi thì anh nhận được tin nhắn qua facebook, với nội dung: “Bác sĩ ơi! Con đã uống hết 2 vỉ thuốc rồi. Con muốn chết. Con muốn đi”.
Vừa đọc xong tin nhắn của Quỳnh, bác sĩ Triết nhắn trả lời lại ngay: “Con nói chuyện với bác nhé. Bác sẽ chờ con”.
Khi tin nhắn vừa gửi đi, bác sĩ Triết liền xin lỗi người bạn để vào phòng riêng chuẩn bị nói chuyện với người bệnh từ xa, với mục tiêu: “Con phải sống”. “Đó là một buổi làm việc chạy đua với thời gian và đầy căng thẳng của tôi”, bác sĩ Triết chia sẻ.
Cuộc nói chuyện của bác sĩ đã giúp Quỳnh đồng ý ói ra số thuốc đã uống. Ảnh minh họa.
Bác sĩ chạy đua với thời gian cứu để cứu nữ sinh
Điều khó khăn lúc đó của bác sĩ Triết là thuyết phục Quỳnh ói thuốc ra càng sớm càng tốt. Càng để lâu, nguy cơ thuốc ngấm vào máu tăng lên thì hậu quả càng nặng nề. Tuy vậy, việc thuyết phục nữ sinh này hoàn toàn không dễ và không thể bằng yêu cầu hay ra lệnh.
“Khi đối diện với một thiếu nữ tuổi teen, không còn thiết tha gì với cuộc sống, với những người xung quanh nữa thì việc tìm ra một lý do để con muốn sống là rất khó. Tôi không thể nói vài câu là con có thể nghe theo. Lúc đó, tôi đã giống như một kẻ sắp chết đuối bơi trong đống giải pháp, kinh nghiệm và nỗi sợ hãi không giúp được con”, bác sĩ kể lại cảm xúc của mình.
Trong thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, bác sĩ lựa chọn, việc đầu tiên mình cần làm là lắng nghe Quỳnh nói. Tuy nhiên, vị bác sĩ tính nhanh số thuốc nữ sinh đã uống mất bao lâu sẽ gây chết người để căn thời gian cho hai bên trò chuyện.
Ngay sau đó, cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và bệnh nhân bắt đầu. May mắn, khi được bác sĩ nhẹ nhàng nói chuyện, thuyết phục, Quỳnh kể nguyên nhân tự tử là bị ba mắng, đánh do để phòng bừa bộn. Trong lúc buồn bực, em đã nghĩ quẩn.
Dù được mẹ phát hiện, liên tục gõ cửa xin nói chuyện, ra sức khuyên con gái ói thuốc ra, nhưng Quỳnh không thích và không muốn. Quỳnh cứ vậy ngồi im trong phòng, mặc ba mẹ lo sợ. “Con không buồn cũng không tức giận ai hết, chỉ thấy trống rỗng. Bây giờ, con không còn cảm xúc gì với ai nữa. Con chỉ muốn chết thôi”, Quỳnh nói bằng giọng dứt khoát với bác sĩ.
Suốt thời gian nói chuyện với Quỳnh, bác sĩ Triết liên tục nhìn đồng hồ và dự liệu, nếu để nữ sinh nói càng lâu, nguy cơ càng lớn. “Lúc đó, tôi chỉ có một niềm tin là mình sẽ thuyết phục được con ói hết thuốc ra. Tôi cũng tin rằng, chính bản thân con cũng có niềm tin mình sẽ tiếp tục sống”, bác sĩ Triết nói.
Khi thời gian để số thuốc mà Quỳnh đã uống có tác dụng chỉ còn vài phút nữa, bác sĩ Triết đã vô cùng lo sợ và đặt câu hỏi: “Nếu con không ói thuốc ra thì sẽ ra sao”. Đúng lúc đó, bác sĩ Triết nghe Quỳnh nấc lên, giọng sợ hãi. “Nghe con khóc trong điện thoại, tôi gần như đã khóc theo, bởi vì tôi biết mình sắp thành công rồi”, bác sĩ Triết kể.
Bác sĩ Nguyễn Minh Triết
Chờ cho Quỳnh khóc một lát, bác sĩ Triết nói: “Con có thể làm giúp bác sĩ một việc không?”. Nghe vậy, Quỳnh đáp: “Con có giúp được gì cho ai đâu. Mà bác sĩ muốn con giúp gì?”. “Con ói hết thuốc con vừa uống được không?”, bác sĩ nói với Quỳnh.
Ngập ngừng một lúc, Quỳnh đồng ý. “Mười phút sau, tôi nhắn tin hỏi thăm tình hình. Con trả lời: “Con ói rồi”. Chỉ có vậy thôi mà tôi hạnh phúc vỡ òa”, bác sĩ Triết chia sẻ.
Chờ đến khi sức khỏe Quỳnh ổn định, bác sĩ Triết mới nhắn tin hỏi thăm. Nhận được lời nhắn: “Con ổn rồi” của cô nữ sinh tuổi teen, vị bác sĩ mới thấy nhẹ nhõm.
Mấy năm qua, bác sĩ Triết sang Úc học tiến sĩ tâm lý nên không có điều kiện gặp lại Quỳnh. “Lần này, tôi về nước một thời gian ngắn chỉ với mục đích thăm gia đình, bạn bè và làm một số việc riêng nên không xếp lịch gặp bệnh nhân. Con là bệnh nhân duy nhất tôi tự lên lịch hẹn lần này”, bác sĩ Triết chia sẻ.
Theo bác sĩ Triết, trầm cảm là căn bệnh khiến trẻ luôn cảm thấy buồn rầu, trống rỗng, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích cũng như bi quan về tương lai, giảm tự tin hay không thể tập trung. Đây cũng là căn bệnh khiến trẻ thường có các biểu hiện như cáu kỉnh, giận giữ, không hợp tác nên hay bị hiểu nhầm là “sự nổi loạn của lứa tuổi ẩm ương”. Hoặc có lúc trẻ tự làm đau bản thân, có hành vi tự sát nếu gặp các vấn đề khó giải quyết trong cuộc sống.
Bác sĩ Triết cũng cho rằng, trầm cảm ở trẻ hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ nên quan tâm đến con và cùng con chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống. Việc được chia sẻ và hướng dẫn tháo gỡ các vấn đề gặp phải sẽ giúp trẻ giảm tâm lý bi quan hay cực đoan.
Đối với những trẻ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm đã có ý định tự tử một lần như Quỳnh, bác sĩ Triết cho rằng, các em rất có thể sẽ lặp lại lần nữa, vì vậy cha mẹ cần khéo léo quan sát, quan tâm và thấu hiểu con mình hơn. Trong trường hợp trẻ gặp khó khăn khi chia sẻ với người thân thì cha mẹ hãy giúp con trò chuyện với chuyên gia tâm lý, để con có thể dễ dàng thổ lộ những khúc mắc hơn.
* Tên nữ sinh trong bài đã được thay đổi.
Tin liên quan
Mỗi câu dưới đây gồm nhiều lời phát biểu. Bạn hãy đọc chăm chú, chọn ra câu mô tả gần giống nhất tình trạng mà mình cảm thấy trong một tuần...
Năm mới là thời gian lý tưởng để khởi đầu những thói quen mới và cải thiện sức khỏe của bản thân. Việc duy trì một lối sống lành mạnh không...
Hà Nội - Ở tuổi 40, Tiến Đạt là giám đốc một sàn giao dịch bất động sản, thu nhập tiền tỷ, nhưng mỗi sáng anh thức giấc với cảm giác trống...
Sau khi viết đơn xin nghỉ việc, chị Hoàng Ý Loan bị trầm cảm và chỉ biết “nhốt” mình trong phòng, nghĩ đến những điều tiêu cực. Tới khi bị...
Tin bài cùng chủ đề Mental Health
Việc kỳ vọng quá cao vào bản thân để rồi không thực hiện được, hay những ám ảnh từ lúc nhỏ luôn xuất hiện mỗi khi gợi nhớ lại khiến nhiều bạn trẻ bị rơi vào “hố sâu” tâm lý mà không hề nhận...