Trầm cảm 'ẩn' bên trong người thành công

Ngày 13/04/2024 08:09 AM (GMT+7)

Hà Nội - Ở tuổi 40, Tiến Đạt là giám đốc một sàn giao dịch bất động sản, thu nhập tiền tỷ, nhưng mỗi sáng anh thức giấc với cảm giác trống rỗng.

"Tôi nhốt mình trong phòng tắm và tát liên tục vào mặt để tỉnh táo hơn, sau đó khoác lên người bộ vest lịch lãm, gặp đối tác, nhân viên, trở thành một người hoàn hảo vào ngày hôm đó", Đạt chia sẻ với bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, hôm 2/4, khi bắt đầu buổi trị liệu tâm lý.

Từ cuối năm 2023, khi thị trường bất động sản có tín hiệu tích cực, Đạt bận rộn với lịch trình họp hành, khảo sát thị trường, tuyển dụng nhân viên, ký kết hợp đồng. Anh thường xuyên ra khỏi nhà lúc 6h, trở về khi tối khuya trong cảm giác mệt mỏi, rã rời. Tuy nhiên, người đàn ông không thể chợp mắt, hay suy nghĩ mông lung, nỗi chán chường len vào giấc ngủ chập chờn. Sáng hôm sau, anh buộc gạt đi cảm giác yếu đuối và chán nản, đóng vai trong hình ảnh một giám đốc tự tin, giàu năng lượng, "để làm động lực kéo cả con tàu hàng trăm nhân viên".

Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như gia đình, khiến anh tìm đến Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương khám. Đạt chia sẻ sự thành công trong sự nghiệp với khối tài sản lớn không mang lại sự thỏa mãn và vui vẻ, ngược lại, anh hay tự chỉ trích bản thân, cảm thấy thiếu năng lượng, trống rỗng. Thậm chí, anh thường xuyên cáu gắt và xa lánh vợ con, dù trẻ đang ở độ tuổi cần được bố mẹ gần gũi.

Hà Linh, 32 tuổi, cũng cảm thấy bất hạnh dù là người sáng lập thương hiệu thời trang nổi tiếng, được nhiều người yêu mến và theo dõi trên mạng xã hội. Lúc ở một mình, cô thường xuyên tìm đến rượu bia, chất kích thích để vơi đi cảm giác cô đơn, chán nản.

"Thật khó hiểu, dù tôi đã đạt được tham vọng trở nên nổi tiếng nhưng không hề thấy hạnh phúc, ngược lại vẫn luôn cảm thấy đau khổ, chán nản, bế tắc với cuộc sống dù hàng ngày truyền cảm hứng cho nhiều người", Linh cho hay.

Nhiều người giấu bệnh hoặc đi khám muộn, khiến các rối loạn tâm thần trở nên trầm trọng. Ảnh: Merald Psychiatry

Nhiều người giấu bệnh hoặc đi khám muộn, khiến các rối loạn tâm thần trở nên trầm trọng. Ảnh: Merald Psychiatry

Tình trạng của Đạt và Linh ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, được bác sĩ Thu gọi tên là rối loạn trầm cảm nặng (Major Depressive Disorder: MDD), mô tả về những người có bề ngoài thành công nhưng phải vật lộn với sức khỏe tâm thần của bản thân.

Rối loạn trầm cảm nặng đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, tuyệt vọng dữ dội và lặp đi lặp lại; mất hứng thú với các hoạt động bản thân yêu thích; cô lập khỏi các mối quan hệ; liên tục chỉ trích bản thân; thất vọng, khó chịu với những thất bại nhỏ; thiếu năng lượng; luôn cảm thấy trống rỗng dù vẫn làm việc bình thường.

"Đôi khi giàu có hay nổi tiếng lại là áp lực lớn đối với cuộc sống, họ phải gồng mình lên để chống chọi lại cảm giác đơn độc trong thế giới của riêng mình", bà Thu nói, cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người thành công bị trầm cảm ẩn. Điều nguy hiểm là những người này không thể chia sẻ với người thân, bạn bè vì họ muốn giữ hình ảnh.

Mặt khác, một số người trải qua các sang chấn tâm lý tuổi thơ như bị bạo hành, lạm dụng..., nhưng không được chữa lành, cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Nhóm khác có cá tính mạnh mẽ, muốn thể hiện bản thân, cái tôi cao, cầu toàn..., làm việc đến kiệt quệ thể chất và tinh thần, dẫn đến trầm cảm.

Theo Medical Daily, trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh này, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trầm cảm, rối loạn lo âu hiện len lỏi trong xã hội Việt Nam với ước tính khoảng gần 6 triệu người mắc bệnh, theo thống kê năm 2022.

Bác sĩ Thu nhận định stress là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại, điều quan trọng là cần nhận ra bản thân gặp vấn đề và đánh giá tình trạng này ở góc độ tích cực. Từ đó, mỗi người nên học và tập luyện các kỹ năng ứng phó để giúp tâm lý cân bằng, không căng thẳng mãn tính, nguy cơ cao dẫn đến các bệnh nghiêm trọng khác. Các kỹ năng được bác sĩ khuyến cáo là thiền, tập thể dục như chạy bộ, ăn uống lành mạnh, tìm ra các thú vui, gặp gỡ bạn bè, hoạt động thiện nguyện... Trường hợp nặng nên khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý hành vi (CBT).

Với người trầm cảm ẩn, việc thừa nhận và nói ra những cảm xúc rất quan trọng, thậm chí có thể đề nghị người thân, bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ. Mọi người không nên giấu bệnh cũng như tỏ ra hình ảnh thành công, mạnh mẽ trong khi nội tâm tan vỡ. "Việc được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu sẽ giúp người trầm cảm ẩn trút bỏ được gánh nặng tâm lý, từ đó tìm ra nhiều giải pháp tích cực cho bản thân", bác sĩ Thu nói.

* Tên nhân vật được thay đổi

Mắc trầm cảm, cô phóng viên chữa lành bằng cách không tốn tiền thuốc, lại có lợi cho kinh tế gia đình
Sau khi viết đơn xin nghỉ việc, chị Hoàng Ý Loan bị trầm cảm và chỉ biết “nhốt” mình trong phòng, nghĩ đến những điều tiêu cực. Tới khi bị chồng chê...

Mental Health

Theo Thúy Quỳnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mental Health