Gạo nếp có bổ dưỡng hơn gạo tẻ không? Những người không nên ăn các món từ gạo nếp, kể cả bánh chưng

DIỆU THUẦN - Ngày 04/02/2024 14:00 PM (GMT+7)

Theo các bác sĩ, ăn gạo nếp tốt cho xương khớp, tốt cho hệ thần kinh và cải thiện chứng mất ngủ. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người tỳ vị quá hư nhược không nên ăn nhiều các món chế biến từ gạo nếp.

Gạo nếp được trồng ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, loại gạo này cũng là thực phẩm quen thuộc với hầu hết mọi người, vì nó có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau, lại dễ ăn, giá rẻ.

Nhờ đặc tính hạt gạo to tròn, dẻo, mềm, vị ngọt tự nhiên và có mùi thơm đặc trưng, gạo nếp ngoài dùng cho các món ăn ngày thường, còn được người dân mua vào dịp Tết Nguyên đán để nấu xôi, nấu rượu, nấu chè, làm các loại bánh, nhất là bánh chưng, bánh tét...

Gạo nếp là thực phẩm quen thuộc với rất nhiều người. Ảnh minh họa.

Gạo nếp là thực phẩm quen thuộc với rất nhiều người. Ảnh minh họa.

Chị Hồng Hạnh (quê gốc Quảng Bình), hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM cho biết, gia đình chị thường dùng gạo nếp để nấu các món xôi như xôi gấc, xôi xéo hay xôi đậu xanh… ăn sáng. Vào dịp Tết Nguyên đán, chị thấy ý nghĩa nhất là được cùng gia đình ngồi bên nhau gói bánh chưng, bánh tét đặt lên bàn thờ tổ tiên, mang đi biếu và đãi khách khi đến chơi dịp đầu năm.

Tết năm 2023 và Tết năm nay, vì 3 con còn nhỏ, vợ chồng chị phải ở lại TP.HCM đón năm mới. Không thể về quê nhưng chị vẫn mua gạo nếp về gói bánh chưng, bánh tét cho đỡ nhớ quê và mang đi biếu người quen, các nhân viên trong công ty.

Theo bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, gạo nếp không chỉ là loại lương thực quan trọng trong các bữa ăn hằng ngày và các dịp lễ, Tết mà còn được ghi nhận như một vị thuốc chữa bệnh.

Bác sĩ Nhi cho biết, trong gạo nếp có một lượng lớn protein, axit amin, chất béo, đường, canxi, các vitamin B1, B2, B3, sắt, phospho và tinh bột… Trong đó hàm lượng canxi tương đối cao, có tác dụng tốt cho việc củng cố sự chắc khỏe xương và răng của người ăn. Còn lượng vitamin B có trong gạo giúp thúc đẩy sự thèm ăn, tăng cường nuôi dưỡng thần kinh và cải thiện triệu chứng mất ngủ.

Chị Hạnh thường nấu xôi nếp và muối vừng cho cả nhà ăn bữa sáng. Ảnh: Hồng Hạnh.

Chị Hạnh thường nấu xôi nếp và muối vừng cho cả nhà ăn bữa sáng. Ảnh: Hồng Hạnh.

“Gạo nếp còn gọi là nhu mễ, theo quan điểm của y học cổ truyền, có tính ấm, vị ngọt, tác dụng bổ khí kiện tỳ vị chỉ tả, ôn ấm trung tiêu, cố biểu liễm hãn (giảm tiết mồ hôi) và giảm đi tiểu thường xuyên”, bác sĩ Nhi chia sẻ.

Vị bác sĩ cũng cho biết, với những người kén ăn, buồn nôn, tiêu chảy do tỳ vị khí hư, hay người dễ ra mồ hôi, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, khó thở do khí hư, ăn gạo nếp sẽ giúp tình trạng bệnh được cải thiện. 

Trẻ em, người già không nên ăn nhiều gạo nếp

Theo bác sĩ Nhi, tinh bột trong gạo nếp là amylopectin phân nhánh nên khó tiêu hóa, thủy phân ở ruột, dạ dày đồng thời kích thích dạ dày co bóp và tăng tiết nhiều axit hơn. Vì vậy, bác sĩ Nhi khuyến cáo, những người bị viêm dạ dày tá tràng cấp, u đường tiêu hóa hoặc vừa trải qua phẫu thuật đường tiêu hóa thì nên không nên ăn.

“Gạo nếp có hàm lượng chất béo, tinh bột và chỉ số đường cao, vì vậy người bị tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì nên hạn chế ăn hoặc ăn càng ít càng tốt”, bác sĩ Nhi nhấn mạnh.

Chị Hồng Hạnh gói bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Ảnh: Hồng Hạnh.

Chị Hồng Hạnh gói bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Ảnh: Hồng Hạnh.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng đồng tình với ý kiến trên. Theo bác sĩ Vũ, trong gạo nếp có chứa nhiều amilopectin tạo nên độ dẻo đặc trưng của cơm nếp nhưng lại rất khó tiêu. Vì vậy, trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người tì vị quá hư nhược không nên ăn nhiều.

Đặc biệt, các bác sĩ lưu ý, những người có vết thương hở, người có cơ địa đàm thấp nhiệt, đang sốt, ho có đờm vàng hoặc vàng da, chướng bụng thì không nên ăn các món chế biến từ gạo nếp. Bởi gạo nếp dẻo, có tính ấm nên những người này ăn sẽ bị khó tiêu, vết thương lâu lành và gây nóng cơ thể.  

Sau khi ăn cỗ ngày Tết, 6 điều này tuyệt đối đừng làm kể cả ăn trái cây
Ăn hoa quả hay uống trà ngay sau những bữa ăn no nê dịp Tết đều không phải là thói quen tốt.

Tết nguyên đán

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh