Một số thói quen đơn giản bạn làm hàng ngày có thể ảnh hưởng đến xương làm cho vẻ đẹp tạo hóa, cha mẹ ban cho bỗng trở nên dị dạng, mất cân đối.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa điều trị ban ngày - Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM về những "tật xấu" nhiều người hay làm thường ngày có thể vô tình ảnh hưởng tiêu cực tới khuôn mặt, gây lão hóa, xuống sắc nhanh:
Bệnh là bất khả kháng nhưng tật do thói quen tạo nên. Xin giới thiệu vài thói quen góp phần tàn phá gương mặt của mỗi người chúng ta.
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa điều trị ban ngày - Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM
Đưa tay lên mặt
Bàn tay của chúng ta tiếp xúc với rất nhiều đồ vật trong sinh hoạt và làm việc hàng ngày. Vì vậy nó không sạch như chúng ta tưởng mà chứa rất nhiều vi khuẩn. Thói quen sờ tay lên mặt thường xuyên sẽ khiến da không được sạch, từ đó khiến cho da dễ nổi mụn và tình trạng mụn sẵn có sẽ trầm trọng hơn.
Chống cằm
Ngoài thói quen chạm tay lên mặt gây ra tình trạng mụn, thì chống tay lên cằm lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến xương cằm và việc lưu thông máu. Nó có thể khiến cho cằm bị lệch và da vùng cằm của bạn lão hóa nhanh hơn. Nếu chống cằm một bên lâu dài sẽ khiến gương mặt bị biến dạng, mất cân đối.
Đưa dụng cụ lên miệng
- Ngậm ống hút: Chúng ta buộc phải mím môi khi nhấm nháp đồ uống thông qua ống hút, điều này gián tiếp hình thành các nếp nhăn xung quanh miệng. Điều tương tự cũng áp dụng đối với việc hút thuốc lá.
- Vệ sinh mặt không đúng cách, sử dụng khăn mặt không sạch, dùng chung khăn: Là một trong những lỗi hay gặp nhất của mọi người, đặc biệt là những người bận rộn gây nên tình trạng mụn cho làn da, nhiễm trùng mặt, nấm da, lây lan nhiều bệnh da..
Dùng nhiều mỹ phẩm cũng không khiến bạn đẹp hơn nếu còn duy trì các tật xấu gây hại cho da. (Ảnh minh họa)
Đưa thuốc, chất lạ lên mặt
- Ai cũng biết, thuốc đông y là một loại “mỹ phẩm” tự nhiên. Chúng tác động vào da và ngấm dần vào máu trong quá trình đắp mặt hoặc uống. Thế nên, chúng có công dụng lâu dài và an toàn, chứ không thể có tác dụng nhanh chóng như các loại hóa chất. Hơn nữa, việc dùng thuốc đông y để uống hay đắp mặt đều phải sử dụng theo đúng liều lượng và tùy từng loại da. Với các loại mặt nạ không nguồn gốc, không ai biết chúng gồm những thành phần gì. Cũng không loại trừ khả năng người bào chế thuốc có cho thêm một thành phần chất tẩy trắng nào đó vào thuốc ảnh hưởng da mặt. Hơn nữa, do sự hiểu biết hạn chế, nhiều người tự ý mua thuốc theo công thức trên mạng về tự pha chế với nhiều loại trái cây, sữa chua để đắp lên mặt và lại dùng thường xuyên khiến da bị dị ứng nên sưng đỏ, viêm tấy, cứng, khó hồi phục...
- Nhiều người sử dụng rượu thuốc được giới thiệu "làm hết mụn mủ, se khít chân lông, hết vết thâm mụn". Tuy nhiên, không sử dụng thuốc đúng cách, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn đến khô, đỏ da, bong vảy vùng mặt; nặng hơn nữa là phản ứng lan rộng ra toàn thân, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Khuyến cáo nên cân nhắc khi sử dụng rượu thuốc vì có nhiều tác dụng phụ hoặc chưa được kiểm chứng về độ an toàn. Khi gặp vấn đề về da, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu. Không sử dụng phương pháp dân gian, truyền miệng để xử lý mụn, nhất là vùng da nhạy cảm như da mặt.
Tư thế lúc ngủ
- Nằm nghiêng khi ngủ: Nguyên nhân của việc xuất hiện các nếp nhăn trên má và cằm là do khuôn mặt của bạn bị ép vào gối trong lúc nằm nghiêng khi ngủ. Nằm nghiêng một bên khi ngủ thường xuyền gây mặt lớn mặt nhỏ do bên nhóm cơ bên nằm nghiêng bị tì đè. Các chuyên gia khuyên rằng nằm ngửa khi ngủ là tư thế tốt nhất để chúng ta duy trì ngoại hình trẻ đẹp, sự tươi tắn và tinh thần thoải mái.
- Nằm sấp khi ngủ: Nằm sấp được cho là một cách ngủ phản khoa học. Thông thường mọi người giữ tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng thay đổi khi ngủ. Nằm sấp khi ngủ có thể làm thay đổi hình dạng khuôn mặt khiến đường sống mũi lệch và khóe miệng không đối xứng, khuôn mặt dễ hình thành nếp nhăn khóe miệng ở một bên.
Biểu cảm quá mức cũng ảnh hưởng tới gương mặt. (Ảnh minh họa)
Sử dụng điện thoại, máy vi tính liên tục trong nhiều giờ
- Bệnh lý da: Trong thời đại công nghệ hiện nay, mọi người có xu hướng sử dụng các thiết bị điện tử để làm việc và giải trí với tần suất cao. Điều này không chỉ gây tổn thương cho mắt mà còn dẫn đến những tác hại khôn lường với làn da. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi ánh sáng xanh xuyên qua da, các loại oxy phản ứng được hình thành, dẫn đến tổn thương DNA cũng như làm trầm trọng hơn những vấn đề về da như nám và sạm màu. Ngoài tác nhân làm tăng sắc tố da, ánh sáng xanh còn làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể gây mất ngủ, làm tinh thần mệt mỏi, căng thẳng. Đây là nguyên nhân chính khiến các vết thâm mụn càng khó lành hơn. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc gần với màn hình điện thoại sẽ kích thích sản xuất các gốc tự do trong da, phá vỡ collagen, khiến làn da mất đi sự đàn hồi tự nhiên, thúc đẩy quá trình lão hóa, dẫn đến hình thành các nếp nhăn.
- Bệnh lý cơ: Gây đau cơ, vẹo cổ do sử dụng cơ vùng cổ liên tục ở một tư thế. Sử dụng máy tính, điện thoại liên tục nhiều giờ cũng gia tăng gánh nặng cho cơ vùng cổ làm cho chưng ta tìm tư thế nghiêng để giảm mỏi, từ đó gây đau cơ cổ, gia tăng thoái hóa cột sống cổ, cũng gây đau lưng, ảnh hưởng độ cong cột sống và biến cơ vùng lưng.
Thở bằng miệng
Khi vận động nhanh, mạnh, chúng ta có thể phải há miệng để thở. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể vì thải ra nhiều CO2, sau đó sẽ hít thở trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu hít thở bằng miệng trở thành thói quen, nó có thể làm khuôn mặt bạn dài hơn, hàm hõm vào, mũi xệ và thậm chí là răng mọc xô lệch tạo nên” răng hô, mỏ nhọn, mũi tẹt”.
Thói quen nhai một bên
Hầu hết mọi người có thói quen chỉ nhai một phía nhưng tốt hơn hết bạn nên tập thói quen nhai cả hai bên. Nhai một bên trong thời gian dài sẽ khiến khuôn mặt bất cân xứng. Điều này cũng không tốt cho sức khỏe hàm của bạn.
Nghiến răng
Việc nghiến răng liên tục khi ngủ hay khi nói chuyện khiến cho cấu trúc khuôn mặt bị biến đổi. Nghiến răng nhiều làm cơ hàm lớn hơn, má rộng hơn, khuôn mặt vì thế càn trở nên thiếu tự nhiên và mất cân đối.
Sử dụng cơ mặt không hợp lý
Cơ nào sử dụng thường xuyên sẽ phát triển, bởi cảm xúc thái quá.
- Nhướn mày
Một số người thường hay nhướn, nhếch mày để thể hiện biểu cảm ngạc nhiên của gương mặt. Nếu hành động này diễn ra quá thường xuyên và lặp lại trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến cơ mặt nhất là cơ bụng trán và có thể tạo thành nhiều nếp nhăn ngang ở trán, hiện tượng "mày cao mày thấp", chân mày lệch mất cân đối.
- Nhếch mép: Hành động này không nên diễn ra thường xuyên vì có thể khiến cơ miệng của bạn bị lệch theo hướng bạn nhếch mép, làm cho miejng mất cân đối.
- Cười nhiều quá, hết cỡ: Thường xuyên cười nhiều quá, thường xuyên tạo nhiều vết chân chim vùng thái dương.
- Nhíu mày: Thường xuyên cau mày do cảm xúc khó chụ sẽ tạo nên nếp nhăn giũa trán, tạo nên nếp nhăn thăng ở trán.
Trên đây là một số tật ảnh hưởng đển vẻ đẹp của gương mặt làm cho gương mặt biến dạng, lệch lạc, khó điều chỉnh còn gây nên mụn, sẹo mặt gây tổn thương đến cơ, ảnh hưởng đến xương làm cho vẻ đẹp tạo hóa, cha mẹ ban cho bỗng trở nên dị dạng, mất cân đối, làm tốn nhiều tiền để điều chỉnh, điều trị, chăm sóc. Chúng cũng khiến bạn không tự tin trong cuộc sống, ảnh hưởng tâm lý, tình cảm, hạnh phúc gia đình... Hãy hạn chế đưa tay lên mặt, bớt cảm xúc thái quá, điều chỉnh tư thế khi nằm, ngồi, đúng, ăn uống đây đủ, tập luyện đúng cách để cuộc sống thăng hoa, tươi đẹp cả thể xác lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.