Thay đổi màu tóc có thể khiến bạn nhìn trẻ trung, mới lạ hơn nhưng không ít người e ngại việc này có thể dẫn tới ung thư. Liệu thực tế có giống với những lời đồn bạn vẫn nghe?
Bài viết dưới đây là từ chia sẻ của PGS.BS gốc Việt Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran), Đại học Y khoa California Northstate University, Sacramento, California (Mỹ) trên kênh Youtube về thắc mắc về mối liên quan giữa việc nhuộm tóc và nguy cơ ung thư:
Tôi từng nhận được khá nhiều câu hỏi về việc dùng thuốc nhuộm tóc lâu dài có bị ung thư hay không. Thật ra, đây là câu hỏi được không ít chuyên gia, bác sĩ đặt ra trong nhiều năm nay.
PGS.BS Trần Huỳnh, Đại học Y khoa California Northstate University, Sacramento, California (Mỹ).
Thống kê cho thấy khoảng 50% phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc thường xuyên tại Mỹ. Tỉ lệ nam giới nhuộm tóc thường xuyên có vẻ thấp hơn mặc dù không có con số cụ thể.
Từ nhiều năm nay, Hiệp hội ung thư Mỹ (American Cancer Society) đã có bài khuyến cáo về thuốc nhuộm tóc và ung thư. Cơ quan này kết luận là chưa có bằng chứng rõ ràng trong việc thuốc nhuộm tóc có thể gây ra ung thư, cụ thể là ung thư bàng quang và ung thư máu.
Một điều cần lưu ý là những nghiên cứu này dựa trên các thuốc nhuộm tóc từ những năm 1970 -1980 - thời kỳ thuốc nhuộm tóc thường dùng chất aromatic amines. Đây là chất có thể gây ra ung thư trong các thí nghiệm ở phòng thí nghiệm. Sau này nhiều nhà sản xuất thuốc nhuộm đã thay đổi thành các chất khác nhưng 2 thành phần chính của thuốc nhuộm cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên là amoniac và peroxide.
Có 3 loại thuốc nhuộm tóc chính trên thị trường hay được sử dụng:
- Thuốc nhuộm màu tạm thời ngắn hạn: Xịt màu lên tóc, thường chỉ sau một tuần là bay màu và màu chỉ bám vào bề mặt tóc chứ không bám vào thân tóc.
- Thuốc nhuộm màu tạm thời dài hạn: Các hóa chất có thể thấm vào thân tóc, và lưu ở đó từ sau 5 đến 10 lần gội đầu.
- Thuốc nhuộm lâu dài (thông dụng nhất): Có hai thành phần chính là amoniac và peroxide. Nó sẽ biến đổi các thành phần hóa học để màu thấm lâu dài vào tóc chúng ta. Thuốc nhuộm màu càng đen thì càng có thêm nhiều hóa chất….
Một số người có thể bị dị ứng khi nhuộm màu tóc. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê, trong thuốc nhuộm tóc có khoảng 5.000 hóa chất bên cạnh 2 thành phần chính: Chất ammonia có tác dụng là mở thân tóc ra, chất peroxide để làm đổi màu (bạn tưởng tượng cơ chế nhuộm tóc như kiểu “mở cửa sợi tóc ra, đẩy màu vào bên trong để thay đổi màu cho tóc).
Các chất còn lại gồm rất nhiều loại khác nhau và đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số chất phụ gia trong số đó có thể gây dị ứng. Là một bác sĩ da liễu, tôi gặp rất nhiều người bị dị ứng do thuốc nhuộm tóc và cách chữa đơn giản nhất là ngưng dùng loại thuốc nhuộm tóc đó.
Ung thư là một bệnh phức tạp, có nhiều nguyên nhân khác nhau, và rủi ro xảy ra bệnh ung thư tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe nền tảng, giới tính, tuổi tác, cách sống (có hút thuốc, uống rượu không…), và nơi sống. Vì vậy, để tìm ra một yếu tố hay một sản phẩm hoặc dịch vụ gây ra ung thư là một điều khó khăn.
Trường hợp thuốc nhuộm tóc càng khó hơn vì có rất nhiều loại thuốc nhuộm trên thị trường, sản xuất bởi hàng ngàn nhãn hiệu trên nhiều nước khác nhau. Mặc dù thành phần chính của thuốc nhuộm nhìn chung là giống nhau, nhưng các thành phần phụ, cách sử dụng, và người dùng thường khác nhau, ở nhiều nơi trên thế giới nên câu hỏi thuốc nhuộm có gây ra ung thư hay không càng khó trả lời.
Tuy nhiên, một nghiên cứu quan sát đăng trên tạp chí International Journal of Cancer (ngày 3/12/2019), có thể cho chúng ta thêm thông tin về câu hỏi về sự liên hệ giữa thuốc nhuộm tóc và ung thư.
Đây là nghiên cứu chị em với trên 46.000 bệnh nhân, theo dõi từ năm 2003 đến 2009. Trong nghiên cứu này, các bệnh nhân đều có chị hay em mắc ung thư vú và nghiên cứu tìm hiểu xem người chưa mắc ung thư vú có mắc hay không và nếu có thì các rủi ro có thể là gì. Vì các chị em có thể có nhiều điểm tương đồng về môi trường sống, gene và cách sống nên nghiên cứu này có thể tìm ra các rủi ro trong việc phát triển ung thư vú.
Nghiên cứu này có nhiều kết quả thú vị. Trong vòng 8 năm có thêm 2.794 trường hợp ung thư vú được phát hiện. Khi phụ nữ dùng thuốc nhuộm thường xuyên trong một năm trước khi tham gia nghiên cứu thì tăng 9% tăng rủi ro mắc ung thư vú hơn phụ nữ không nhuộm. Đặc biệt phụ nữ da màu gốc Phi, nếu họ nhuộm mỗi năm tới 8 lần thì khả năng ung thư vú tăng rất là cao, tới 60% so với người không dùng thuốc nhuộm. Phụ nữ da trắng thì rủi ro ung thư vú tăng 8%. Nếu phụ nữ dùng thuốc duỗi để tóc thẳng ra thì tăng thêm 30% khả năng mắc ung thư vú so với người không dùng thuốc duỗi tóc.
Ăn uống lành mạnh, hạn chế bia rượu và thuốc lá có thể giúp bạn ngừa ung thư tốt hơn là cố đoạn tuyệt với nhuộm tóc. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nghiên cứu này có nhiều điểm “yếu”: Nghiên cứu quan sát không đủ mạnh để trả lời xem đâu là nguyên nhân. Hơn nữa, nghiên cứu dùng cho cặp có một chị em đã mắc ung thư vú, mà bản thân bệnh ung thư vú có liên quan tới gene, nghĩa là cô chị hay em chưa mắc bệnh đã có rủi ro mắc cao hơn người bình thường. Vì thế, việc phát hiện tỷ lệ mắc ung thư tăng lên chưa chắc khẳng định việc người dùng thuốc nhuộm tóc sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, nghiên cứu không chỉ ra loại hóa chất nào đã dùng gây ung thư vú mà chỉ chung chung là thuốc nhuộm tóc.
Nhiều nhà khoa học đã cho rằng nghiên cứu này cần xem xét lại cẩn thận vì khiến người xem có thể hiểu lầm rằng thuốc nhuộm tóc có thể gây ung thư.
Trở lại với câu hỏi có nên ngưng thuốc nhuộm tóc, rõ ràng nếu chỉ dựa vào nghiên cứu trên thì có thể khẳng định chưa thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng thuốc nhuộm tóc gây ra ung thư.
Nếu bạn có sức khỏe bình thường, dùng thuốc nhuộm tóc mà không bị dị ứng, dùng vừa phải không quá nhiều, không bị tác dụng phụ nào khác, thì vẫn có thể sử dụng.
Cách ngăn ngừa ung thư bây giờ là hạn chế những việc đã được chứng minh là gây ung thư như hút thuốc, uống rượu. Ngoài ra, bạn nên quan tâm hơn tới việc tập thể dục, giảm cân, ăn uống cân bằng.
Trong cuộc sống vẫn có rất nhiều điều đáng tận hưởng và khám phá. Bạn hãy cứ tiếp tục cuộc sống lành mạnh vui tươi của mình và có thể sử dụng thuốc nhuộm tóc nếu không gặp tác dụng phụ nào.