Bị bố mẹ tịch thu điện thoại, cắt wifi vì bỏ bê học hành và luôn nhốt mình trong phòng kín chơi game, cô nữ sinh đã phản ứng lại bằng cách không ai ngờ tới.
Đây là một trường hợp vừa được Ths.BS Nguyễn Hồng Bách (Viện Tâm lý ứng dụng và phát triển MP) tiếp nhận và điều trị thành công. Bệnh nhân là nữ sinh lớp 9, tên Hoa đang học tại một trường THCS có tiếng ở Hà Nội. Hoa có sở thích chơi game đến quên ăn, quên ngủ. Khi thấy kết quả học tập của con giảm sút, bố mẹ Hoa mới điều tra và phát hiện nhiều hôm con thức trắng đêm để chơi game.
Quyết định dùng biện pháp mạnh để con vào khuôn khổ, tập trung học tập, gia đình đã thu điện thoại của Hoa, cắt mạng wifi. “Đó là “người tình” của con (điện thoại), bố mẹ làm vậy là không tôn trọng con. Hãy trả lại cho con”, Hoa nói như hét vào mặt bố mẹ. Thế nhưng, phụ huynh của nữ sinh này vẫn cương quyết “thiết quân luật”.
Bất ngờ, Hoa phản ứng ngay trước mắt bố mẹ bằng cách lột bỏ quần áo, trần truồng đứng giữa nhà. Thậm chí nữ sinh này còn dọa sẽ cứ thế ra đường. Mục đích duy nhất Hoa làm vậy là để đòi lại điện thoại, máy tính.
Nữ sinh nghiện game sau khi bị bố mẹ ngăn cản đã phản ứng một cách dữ dội. Ảnh minh họa.
Thấy con như vậy, bố mẹ Hoa buộc phải đưa đi khám và cô bé được chẩn đoán bị nghiện game, cần cai nghiện. Bác sĩ Hồng Bách cho biết, nữ sinh này phải dùng thuốc, kết hợp với các kỹ thuật chuyên sâu khác để điều trị. Sau 3 tháng, Hoa đã dần ổn định, quay trở lại học tập và không cần chơi game hay đòi điện thoại.
Bác sĩ Bách cho biết, trong thời đại công nghệ, không chỉ trẻ vị thành niên, người lớn cũng nghiện game, nghiện điện thoại. Rất nhiều người khi không có điện thoại, bị ngắt mạng thì bứt rứt, khó chịu, không tập trung làm việc… đó cũng là biểu hiện của nghiện mạng internet, nghiện điện thoại.
Có một thực tế khá phổ biến hiện nay là khi thấy con chơi game, phản ứng của bố mẹ thường rất cực đoan, như trường hợp nữ sinh trên là một ví dụ khi lập tức tịch thu điện thoại, cắt mạng… “Hậu quả chúng ta có thể thấy được ngay, đó là bố mẹ phản ứng tiêu cực một, con sẽ phản ứng tiêu cực gấp 10 lần. Thậm chí còn dễ để lại hậu quả đáng tiếc. Do vậy, khi biết con nghiện game, bố mẹ cần bình tĩnh theo dõi xem con nghiện ở mức độ nào để có biện pháp can thiệp phù hợp”, bác sĩ Bách cảnh báo.
Bác sĩ Hồng Bách cho rằng, bố mẹ cần bình tĩnh không nên phản ứng tiêu cực khi phát hiện con nghiện game.
Vị chuyên gia này cho biết, nghiện game có hai cơ chế: Nghiện phổ cập, và Nghiện sâu. Đối với nghiện phổ cập , trẻ ngày nào cũng phải chơi game 15 phút, 20 phút, 1 tiếng. Tuy nhiên, việc chơi game này không ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt, học tập của trẻ. Tình trạng này có thể điều trị bằng cách can thiệp tâm lý nâng cao nhận thức cho trẻ. Khi nhận ra được những nguy hại vì chơi game quá nhiều, trẻ có thể hạn chế.
Đối với những trường hợp nghiện sâu tới mức bỏ học, tìm mọi cách có thể chơi game thì có thể dẫn tới những vấn đề về tâm thần, người nghiện sẽ xuất hiện nhưng ảo thức, loạn thần, hoang tưởng… Do vậy, những đứa trẻ nghiện game sâu bắt buộc phải đi cai nghiện. Trẻ có hiện tượng loạn thần thì cần dùng thuốc để có thể ngủ được.
Bác sĩ Bách cũng lưu ý thêm, ranh giới giữa tình trạng nghiện phổ cập và nghiện sâu rất mong manh. Do vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, phụ huynh cần dạy con biết quản lý thời gian khi giải trí. Nên thường xuyên quan tâm, giám sát con để có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và đưa đi khám kịp thời để cai nghiện game cho trẻ.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi