Khi trẻ bị sốt cao, đau đầu, kèm theo nôn ói, rất nhiều phụ huynh lo lắng con bị ảnh hưởng đến não. Liệu điều này có đúng không? TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM sẽ giải đáp cụ thể.
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Chào bác sĩ!
Con tôi 6 tuổi, cháu mắc COVID-19 và xuất hiện triệu chứng sốt, sang ngày thứ 3 thì có thêm tình trạng đau đầu, kèm theo đó là nôn khi ăn. Tôi rất lo lắng không biết con có bị não không vì đọc trên mạng thì có nói đến việc trẻ đau đầu, kèm nôn là biểu hiện của bệnh não.
Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên và tôi cần phải làm gì trong giai đoạn con vừa mắc COVID-19, vừa có những triệu chứng như trên.
Xin cảm ơn bác sĩ.
Trước hết, nếu trẻ bị sốt cao, đau đầu, kèm nôn trớ nếu cho uống thuốc điều trị các triệu chứng trên không đỡ thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám.
Sốt, đau đầu và nôn là những đặc tính khá điển hình của Omicron. Trong quá trình tư vấn, tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi: Con mắc COVID-19 bị đau đầu và nôn liệu có phải bị não không?
Với trường hợp này, nếu trẻ bị đau đầu và nôn, sốt mà uống thuốc hạ sốt, thuốc ói thấy hết thì không phải trẻ bị não và khoảng 36 giờ sau trẻ sẽ hết các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu uống thuốc mà trẻ không hết đau đầu thì có nguy cơ bị não và cần đi khám.
Hiện trẻ mắc COVID-19 dù là biến chủng gì bố mẹ cũng không nên lo lắng, quá trình chăm sóc trẻ bị nhiễm virus cần chú ý 2 điều rất quan trọng.
Nếu trẻ nôn, sốt và đau đầu không đáp ứng thuốc thì cần cho đi khám.
Đầu tiên là phải bình tĩnh: Điều này rất quan trọng, bởi như trường hợp trên khi thấy con sốt, đau đầu, kèm nôn ói nếu mất bình tĩnh thì phụ huynh dễ xử lý sai với tình trạng của trẻ và để lại hậu quả nặng nề.
Nên nhớ, khi mắc COVID-19, đa số sẽ tự khỏi sau vài ngày. Dù trẻ có thể gặp những triệu chứng như sốt cao, rét run, phụ huynh cũng cần bình tĩnh cho trẻ uống hạ sốt đúng liều lượng/cân nặng. Tóm lại là bình tĩnh điều trị theo từng triệu chứng trẻ đang có.
Điều thứ hai là đừng làm sai: Khi trẻ mắc COVID-19, rất nhiều phụ huynh chăm con sai cách, điển hình rõ nhất là tự ý dùng thuốc điều trị. Hay khi trẻ bị sốt, lạnh thì nhiều bố mẹ mặc thêm áo, đắp thêm chăn cho trẻ. Điều này là không đúng. Việc nên làm là dùng nước ấm lau người cho trẻ, nới lỏng quần áo…
Một thói quen khác nhiều người mắc là lạm việc xông mũi họng cho trẻ. Việc này không nên, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi vì có thể gây bỏng niêm mạc đường hô hấp.
Tóm lại, khi trẻ mắc COVID-19 ngoài việc tuân thủ quy định của Bộ Y tế, phụ huynh cần đẩy mạnh chăm sóc dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho trẻ. Nếu trẻ chán ăn có thể chia nhỏ nhiều bữa, cho trẻ dùng thức ăn lỏng, dễ ăn. Phòng ở (cách ly) cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát.
Với trẻ nhỏ, việc theo dõi sát các triệu chứng là rất quan trọng, khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường, sốt cao không đáp ứng thuốc, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, co giật, môi tím tái thì cần đưa đến viện để khám và cấp cứu kịp thời.
|
Tin liên quan
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Tin bài cùng chủ đề COVID-19 ở trẻ em
Bé trai D.D.L.L (5 tuổi, ngụ thôn Pré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) tử vong tại Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng với chẩn đoán do suy hô hấp, viêm phổi nặng, bại não vì mắc COVID-19.