Dùng nước đun sôi để nguội là việc nên làm, tuy nhiên quá trình sử dụng cần lưu ý để không gây hại cho sức khỏe.
Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội
Khi nói về thói quen sinh hoạt tốt cho sức khỏe, người Việt ta thường có câu: “Ăn chín, uống sôi”, có nghĩa là đồ ăn phải nấu chín, nước uống phải đun sôi. Tuy nhiên, thời gian qua có không ít thông tin cho rằng, việc uống nước đun sôi để nguội có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí là gây ung thư nếu để quá 3 ngày. Điều này khiến nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng khi gia đình uống nước đun sôi để nguội thường xuyên.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, không có chuyện uống nước đun sôi để nguội gây ung thư, đây có thể là chiêu “tung hỏa mù” gây tâm lý hoang mang cho người dân để đạt mục đích cá nhân nào đó.
PGS Thịnh khẳng định, việc uống nước đun sôi để nguội là tốt cho cơ thể, bản chất của việc đun sôi nước là dùng nhiệt để tiêu diệt các vi sinh vật, ký sinh trùng (nếu có) ở trong nước, quá trình đun sôi nước không gây ra những chất gây hại cho cơ thể, cũng như không tạo ra chất gây ung thư.
Các chuyên gia khẳng định, nước đun sôi để nguội không gây ung thư, nhưng vẫn phải lưu ý về cách bảo quản. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho rằng, hiện chưa có bất cứ công bố khoa học hay hội nghị khoa học uy tín nào đề cập về vấn đề nước đun sôi để nguội có chất gây ung thư.
Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng khuyến cáo người dân không nên tích trữ nước đun sôi để nguội quá lâu, vì nó có thể bị vi khuẩn xâm nhâp gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, nước đun sôi để nguội lâu ngày sản sinh ra một lượng muối nitrat - chất gây tổn hại đến nhiều tế bào trong cơ thể. Cụ thể, mỗi lít nước có thể sản sinh ra 0,004mg muối nitrat, để sau 3 ngày - lượng muối này là khoảng 0,011mg và sau 20 ngày lên tới 0,73mg.
Cùng quan điểm trên, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng người dân cần bỏ ngay thói quen để nước đun sôi quá lâu, vì càng để lâu nước càng bẩn. “Rất nhiều gia đình hiện có thói quen đun nước sôi, sau đó để nguội rồi tích trữ dùng vài ngày hoặc cả tuần. Thậm chí, có trường hợp nước trong bình chưa hết lại rót bồi thêm nước mới đun sôi vào… Đây là sai lầm hay gặp nhất, người dân cần thay đổi thói quen này”, PGS Thịnh cảnh báo.
Không uống nước đun sôi để nguội quá lâu, không rót nước mới khi bình còn nước cũ. Ảnh minh họa.
Theo ông Thịnh, quá trình đun sôi sẽ tiêu diệt các vi sinh vật, ký sinh trùng và phân rã chúng tạo thành chất hữu cơ trong nước, đây chính là nguồn thức ăn cho những vi sinh vật ở ngoài xâm nhập vào.
Do vậy, nguy cơ tái nhiễm vi sinh vật là rất lớn, khiến nước nhanh bị thiu và lượng vi sinh vật nhân lên gấp bội, thậm chí loại nước này còn gây hại cho sức khỏe hơn lúc chưa đun sôi.
Từ những phân tích trên, PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người dân tốt nhất chỉ dùng nước đun sôi để nguội trong ngày, không nên để qua đêm. Trường hợp có thể là quá bận thì cũng không nên đun nước một lần dùng cho 3 ngày hoặc cả tuần.
Ngoài ra, tuyệt đối tránh việc đổ nước mới vào bình khi vẫn còn nước cũ, bởi hành động này vô tình sẽ càng nhân số lượng vi khuẩn của nước tăng lên nhanh chóng, gây hại cho cơ thể người.
Dụng cụ đựng nước sôi để nguội nên là bình thủy tinh có nắp đậy kín, quá trình sử dụng cần phải vệ sinh bình đựng nước thường xuyên để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, làm nhiễm khuẩn nguồn nước gây nguy hại cho sức khỏe.
Tin liên quan
Chế độ ăn của người mắc bệnh gan như viêm gan và xơ gan phải cân bằng, đủ chất dinh dưỡng vì đây là một phần của liệu pháp điều trị.
Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm
Cà tím có thể gây dị ứng. Dị ứng cà tím rất hiếm nhưng vẫn xảy ra với các dấu hiệu phát ban, sưng tấy và khó thở... Nếu không được cấp cứu kịp thời có nguy cơ đe dọa tính mạng.