Tổng quan về bệnh
Tuyến giáp là một phần của hệ thống nội tiết, có nhiệm vụ sản xuất, lưu trữ, giải phóng hormone triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4) vào máu, tham gia điều hòa sự trao đổi chất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của một số cơ quan như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa,... cũng như chuyển hóa các chất carbohydrate, chất béo, chất đạm,...
Suy tuyến giáp là hội chứng xảy ra khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm, dẫn tới không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Phụ nữ, đặc biệt là những người khoảng từ 20 – 40 tuổi có khả năng cao mắc phải bệnh lý này.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây suy tuyến giáp, tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân phổ biến nhất là do sự suy yếu, rối loạn của hệ miễn dịch. Bình thường, hệ miễn dịch có chức năng nhận diện các tế bào lạ như vi khuẩn, virus, vi sinh vật, tế bào già, lỗi và sinh ra các kháng thể để tấn công, phá hủy chúng.
Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị suy yếu, dẫn đến rối loạn hoạt động nên đã nhận nhầm các tế bào, mô tuyến giáp là tác nhân lạ nên sản xuất kháng thể tự sinh tấn công, phá hủy chúng, làm giảm nồng độ hormone tuyến giáp. Nhằm duy trì hoạt động bình thường của cơ thể, các tế bào lành còn lại của tuyến giáp phải hoạt động nhiều hơn để sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, khiến cho cơ quan nội tiết này phình to ra và hình thành nên u bướu ở cổ (trường hợp này còn được gọi là bướu cổ do suy tuyến giáp). Vì thế, để kiểm soát tốt hội chứng suy tuyến giáp thì cần tác động vào “phần gốc” này.
Hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn là nguyên nhân chính gây suy giáp (ảnh minh hoạ)
Triệu chứng thường gặp
Mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh suy giáp. Người bệnh thậm chí có thể luôn trong tình trạng kiệt sức dù nghỉ ngơi hay ngủ đủ giấc cũng không hồi phục.
Tăng cân
Hormon tuyến giáp giúp điều chỉnh trọng lượng cơ thể, lượng thức ăn và chuyển hóa chất béo và đường. Những người giảm hormon tuyến giáp có thể bị tăng cân và tăng chỉ số khối cơ thể (BMI). Ngay cả những trường hợp suy giáp nhẹ cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng cân và béo phì. Nhiều bệnh nhân suy giáp có khuôn mặt sưng húp.
Đau cơ và khớp
Suy giáp có thể ảnh hưởng đến cơ và khớp: Nhức mỏi, đau, cứng khớp, sưng khớp, co cứng cơ, yếu nhược cơ khớp. Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa rối loạn tuyến giáp và viêm khớp dạng thấp.
Thay đổi tâm trạng và trí nhớ
Những người mắc bệnh suy tuyến giáp không được điều trị thường gặp phải chứng lo âu, phiền muộn, hoặc ngược lại là lãnh đạm, thờ ơ, suy giảm trí nhớ, giảm chú ý và tập trung, trầm cảm, suy nghĩ và nói chậm chạp hơn... Những triệu chứng này diễn ra do não thiếu hormon để hoạt động chính xác. Những thay đổi não này có thể đảo ngược khi được điều trị.
Cảm giác lạnh
Suy tuyến giáp có thể làm chậm quá trình trao đổi chất, dẫn đến giảm nhiệt độ cơ thể. Do đó, một số người có lượng hormon tuyến giáp thấp có thể luôn cảm thấy lạnh hoặc có khả năng chịu lạnh kém.
Táo bón
Các nghiên cứu báo cáo rằng tuyến giáp hoạt động kém có thể gây ra vấn đề với hoạt động của dạ dày, ruột non và ruột kết khiến một số người bị táo bón.
Cholesterol cao
Hormon tuyến giáp có vai trò quan trọng để loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể qua gan. Nồng độ hormon tuyến giáp thấp khiến gan thực hiện chức năng này khó khăn hơn và mức cholesterol trong máu tăng lên. Nghiên cứu cho thấy rằng có tới 13% người có cholesterol cao cũng có tuyến giáp hoạt động kém. Do đó, những người bị cholesterol cao nên định kỳ kiểm tra bệnh suy giáp.
Nhịp tim chậm
Những người bị suy giáp cũng có thể có nhịp tim chậm hơn bình thường (dưới 60lần/phút). Mức hormon tuyến giáp thấp ảnh hưởng đến tim gây rối loạn huyết áp, nhịp tim, xơ cứng động mạch. Rối loạn nhịp tim có thể gây yếu, chóng mặt và khó thở. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng như tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp, có cơn đau thắt ngực hoặc suy tim.
Rụng tóc
Rối loạn hormon tuyến giáp không được điều trị là một nguyên nhân gây rụng tóc. Điều này là do hormon tuyến giáp rất cần thiết cho sự tăng trưởng và sức khỏe của nang lông.
Da khô và tóc và móng tay yếu
Tuyến giáp hoạt động kém ảnh hưởng đến da và gây ra các triệu chứng như: da khô, dễ bong vảy, thô, xanh tái, da mỏng,... Những người bị suy giáp cũng có thể gặp tình trạng tóc khô và thô, dễ gãy hoặc móng tay xỉn màu.
Bướu cổ
Tuyến giáp phát triển gây tình trạng cổ to hơn bình thường gọi là bướu cổ. Các triệu chứng khác bao gồm: ho, khàn tiếng, khó nuốt, nghẹn, khó thở.
Thay đổi kinh nguyệt
Phụ nữ bị suy giáp dễ bị rối loạn kinh nguyệt. Suy giáp gây ra những vấn đề này vì nó ảnh hưởng đến các hormon khác có vai trò trong kinh nguyệt, chẳng hạn như: làm giảm quá trình sản xuất estrogen, làm giảm lượng globulin liên kết với hormon giới tính.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh suy tuyến giáp có ảnh hưởng như nhau đối với cả hai giới tính và có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ cao tuổi
Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Phụ nữ trên 60 tuổi
- Rối loạn tự miễn
- Gia đình có người thân, cha mẹ hoặc ông bà mắc bệnh tự miễn
- Đã được điều trị xạ trị iod hoặc thuốc ức chế tuyến giáp
- Tiền sử chiếu bức xạ ở cổ hoặc phần ngực trên
- Đã từng phẫu thuật tuyến giáp (hoặc một phần tuyến giáp)
- Đã từng mang thai hoặc sinh con trong vòng 6 tháng quá
Khi nào nên đi khám
Nếu bạn bị mệt mỏi không rõ nguyên nhân hoặc có các dấu hiệu, triệu chứng kể trên, hãy đi bác sĩ khám. Chỉ có một số ít trường hợp suy tuyến giáp có nguyên nhân do tai biến khi dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc suy giáp thoáng qua do viêm giáp có thể tự hồi phục. Còn lại đa phần các trường hợp suy tuyến giáp phải điều trị thay thế bằng hormon tuyến giáp tổng hợp. Những loại thuốc này là an toàn và hiệu quả khi dùng đúng liều.