Các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần có nhận thức đúng đắn, không nên vì quá sợ hãi COVID-19 khiến con em mình mắc bệnh khác.
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Trẻ viêm phổi nặng vì sợ COVID-19 không đi khám
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt ở nước ta đã ghi nhận một số ca nhiễm là trẻ nhỏ khiến các bậc phụ huynh hoang mang lo lắng, thậm chí là e ngại không đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Lý do các bà mẹ đưa ra là sợ lây lan dịch bệnh, nhất là một số cơ sở y tế phải cách ly vì xuất hiện ca nhiễm COVID-19.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ đến khám giảm đi rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lại xuất hiện một số ca bệnh nặng do bố mẹ chủ quan, phát hiện và đưa trẻ đến bệnh viện muộn. Đó cũng là tình trạng của một số bệnh viện sản nhi như Quảng Ninh, Phú Thọ…
Nhiều phụ huynh lo ngại COVID-19 không cho con đi khám khi có biểu hiện bệnh.
Điển hình như trường hợp bé gái 24 tháng tuổi mới phải vào bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều trị vì viêm phổi nặng. Theo chia sẻ của mẹ bệnh nhân, khoảng 2 tuần nay cháu bị ho sổ mũi, mua thuốc uống mãi không giảm, nhưng không dám đi bác sĩ vì sợ đến chỗ đông người bị lây COVID-19. Đến khi thấy bé thở mệt quá, mẹ mới đánh liều đưa đi khám.
Bác sĩ khám cho bé, nhìn thấy lồng ngực rút lõm nhiều khi hít vào. Bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị viêm phổi nặng, khò khè nhiều, cần nhập viện điều trị. Đây là một trường hợp bị bệnh nhưng để quá lâu, không đi khám bệnh sớm, tự ý điều trị tại nhà nên trở nặng.
Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác đang rục rịch vào mùa
TS Nguyễn Văn Lâm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trong mùa dịch COVID-19, sự cẩn thận là cần thiết, nhưng người dân không quá lo lắng, hoang mang, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với người bị nhiễm.
Vì vậy, người dân không vì sợ mà không đi khám bệnh, bỏ qua thời gian vàng lúc bệnh chưa phát tán nặng trong cơ thể để trị cho bé kịp thời. Hơn nữa, tại các bệnh viện đều có quy trình đảm bảo an toàn và phòng dịch cho trẻ đến khám vì thế các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm.
Phụ huynh đặc biệt chú ý khi giao mùa vì có nhiều bệnh truyền nhiễm xuất hiện, có nguy cơ mắc cao.
Hơn nữa, đây cũng là thời điểm chuyển mùa, ngoài COVID-19 rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác mà trẻ có nguy cơ mắc như sởi, thủy đậu, tay chân miệng… Vì thế, khi trẻ có bất kể dấu hiệu bất thường nào cần phải theo dõi và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám. Trong trường hợp trẻ mắc bệnh, nếu đi khám sớm phát hiện kịp thời thì việc điều trị sẽ tốt hơn, còn khi để quá muộn trẻ dễ bị biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, khi tới ngày tái khám, phụ huynh cũng nên thực hiện theo lời dặn của bác sĩ là khám đúng ngày đúng giờ.
Miền Nam nắng nóng nhiều bệnh ở trẻ phát triển mạnh
TS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết, với điều kiện thời tiết nắng nóng ở TP.HCM như hiện nay có rất nhiều bệnh ở trẻ sẽ phát triển nhanh. Nguyên nhân là do sinh hoạt chống nóng nực làm sức đề kháng giảm, do nhiệt độ thuận lợi các bệnh theo mùa xuất hiện.
Các căn bệnh thường gặp nhất đó là sốt virus, các bệnh theo mùa như tay chân miệng, thủy đậu, quai bị , sốt phát ban, mưa nhiều chút thì lại sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm hô hấp…
Để phòng bệnh, TS Trương Hữu Khanh khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cho trẻ:
- Bú đủ, uống đủ nước vì mùa nóng tiết mồ hôi nhiều nên cần phải bù lượng nước đã mất;
- Phòng ngủ cần thoáng mát dễ ngủ vì ngủ không được cũng bệnh, tốt nhất là máy lạnh 27 độ, quạt thì thoảng thôi, không quạt trực tiếp vào bé suốt đêm;
- Ngủ không đủ sẽ dễ bệnh hơn;
- Khi đi từ ngoài vào phòng máy lạnh phải giữ ấm thời gian đầu;
- Không tắm lâu, không chơi đùa ngoài nắng lâu;
- Chăm sóc dinh dương cho trẻ đầy đủ. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa, làm thức ăn loãng, trẻ lớn thì ăn có canh, có rau xanh, trẻ còn bú thì bú nhiều cữ…;
- Bảo đảm bé ngủ ngon đủ giấc;
- Lau mặt, lau mình, mặc đồ thoáng, tìm nơi thoáng mát cho ăn.
Ngoài đưa đi khám khi có dấu hiệu bất thường, các phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ khi ở nhà.
Phòng bệnh nhưng không nên quá hoang mang về COVID-19
COVID-19 lây truyền qua đường hô hấp thông qua dịch tiết xuất phát từ người mang mầm bệnh ho, khạc, hắt hơi. Nếu trẻ vô tình hít những giọt dịch tiết này vào mũi hoặc tay chạm vào những bề mặt dính phải dịch hô hấp có chứa virus rồi đưa tay lên dụi mắt mũi miệng sẽ có nguy cơ lây bệnh.
Vì vậy, để tránh lây cho bé, cần phải rửa tay sạch sẽ thường xuyên, mang khẩu trang đúng cách cho bé và người thân khi đến chỗ đông người, nhất là bệnh viện.
Để an toàn cho bé, phụ huynh nên hướng dẫn bé rửa tay đúng cách, tối thiểu 20 giây. Dạy bé không đưa tay dụi mắt, mũi miệng khi chưa rửa tay. Thức ăn phải nấu chín, không mớm cho trẻ ăn, không dùng miệng thổi thức ăn cho mau nguội.
Hiện chưa có vaccine phòng COVID-19, nhưng phụ huynh vẫn nên tiêm chủng phòng bệnh cúm, sởi và các bệnh do virus gây bệnh khác theo hướng dẫn của ngành y tế.
Tin liên quan
Nhà Tây Sơn kéo dài khoảng 30 năm nhưng là một triều đại rạng danh, tỏa sáng trong lịch sử dân tộc. Trong ba anh em nhà Tây Sơn, ông chính...
Tin bài cùng chủ đề Cách phòng, chữa COVID-19
Việc triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 liều cơ bản cho trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên sẽ được Bộ Y tế khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể khi...