Hoá ra để mướp đắng hết vị đắng lại đơn giản thế này mà không phải ai cũng biết.
Mướp đắng là loại quả vô cùng bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ. Mướp đắng chứa vitamin A, vitamin C, canxi, kali, phốt pho, kẽm, đồng, sắt và magie. Mướp đắng cũng cung cấp một số vitamin B và chất chống oxy hóa hữu ích, như lutein và zeaxanthin. Ăn mướp đắng một cách khoa học sẽ rất tốt cho sức khỏe. Không chỉ thế, nó còn có thể làm được thành nhiều món ăn ngon cho gia đình. Chẳng hạn như xào với trứng hoặc các loại thịt, nội tạng động vật. Mướp đắng cũng có thể ăn sống trực tiếp, nấu canh, làm nộm gỏi.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết ăn mướp đắng vì chính vị đắng của nó. Do vậy, đầu bếp đã mách, muốn mướp không còn đắng nữa, các bạn hãy làm thêm 2 bước nữa, đảm bảo mướp vẫn giòn ngon, xanh mướt nhưng không hề đắng.
Vậy đó là bước gì, các bạn hãy cùng tham khảo cách làm dưới đây của đầu bếp nhé:
Trước tiên, khi mua mướp đăng về, cần rửa bằng nước sạch để loại bỏ bụi bẩn bám trên bề mặt quả. Mướp đắng có nhiều khe kẽ vì thế cách rửa mướp đắng cũng cần cẩn thận hơn một chút. Mướp đắng mua về cho vào chậu, rắc một lượng bột bắp và muối tinh thích hợp lên trên mặt mướp đắng. Sau đó vẩy lên một ít nước, dùng tay chà xát lên bề mặt của mướp đắng trong 30 giây. Các hạt tinh bột ngô nhỏ và dính, có thể hút chất bẩn ở các kẽ trên bề mặt mướp đắng. Còn muối giúp khử trùng cho mướp đắng.
Dùng tay cọ vỏ mướp đắng, rửa lại bằng nước sạch cho đến khi không còn chút tinh bột nào bám vào mướp đắng nữa. Nhờ cách rửa này, bạn có thể yên tâm rằng mướp đắng sạch bụi bẩn và đem chuẩn bị chế biến được rồi.
Nếu như bạn đem mướp đắng để xào thì chỉ việc bổ nó ra rồi moi hết ruột. Nếu để nhồi thịt thì chỉ rạch một đường dọc theo thân quả và moi ruột. Dù là bổ đôi hay rạch quả thì sau khi moi hết ruột mướp đắng xong, hãy dùng thìa nạo hết phần màu trắng bên trong quả mướp đắng đi. Phần trắng này chính là nguyên nhân gây ra vị đắng của mướp vì thế tốt nhất bạn nên nạo cho sạch.
Nếu xào, tiếp tục dùng dao cắt mướp đắng thành những lát mỏng vừa ăn và đều nhau.
Cho mướp đắng vào một bát to, thêm một lượng đường vừa phải, đảo đều rồi ướp trong khoảng 20 phút. Hết thời gian, đem rửa mướp đắng 2 lần với nước sạch. Đường có tính khử nước yếu (tức là loại bỏ nước ra khỏi quả) hơn muối, sẽ không làm mướp đắng bị mềm, đồng thời có thể loại bỏ được vị đắng và giúp nó giòn hơn.
Tiếp theo, đổ một lượng nước vừa đủ vào nồi, mở lửa vừa đun sôi, cho mướp đắng vào chần nhanh, chần cho đến khi mướp chuyển sang màu xanh đậm thì vớt ngay ra, để ráo nước.
Thêm dầu ăn vào chảo, để lửa to, cho hành băm nhỏ tỏi băm nhỏ vào phi thơm. Sau đó cho mướp đắng vào xào trên lửa lớn, đảo nhanh tay. Nêm chút muối và bột nêm (tùy ý) cho vừa miệng rồi tắt bếp. Chỉ xào mướp khoảng 2 phút mới giữ được độ giòn, màu xanh đẹp mắt, nếu xào lâu mướp mất màu, mềm nhũn không ngon.
Nếu thích trứng bạn có thể cho trứng vào xào cùng mướp đắng. Lưu ý, trứng bạn xào chín tái trước rồi cho ra đĩa. Sau đó xào mướp đắng gần chín thì cho trứng vào đảo cho cả hai chín tới là tắt bếp.
Còn nếu bạn dùng mướp đắng nhồi thì cũng sơ chế như trên nhé, sau khi chần xong đem nhồi thịt rồi nấu theo ý thích.
Như vậy để khử vị đắng của mướp đắng bạn chỉ cần nhớ 2 bước quan trọng, đó là ướp đường với mướp. Ướp đường làm mướp đắng bớt đắng và giòn hơn. Bước thứ 2 là sau khi rửa lại thì cần chần qua mướp, mướp đắng vừa xanh lại giòn, vị đắng lại giảm thêm 1 lần nữa.
Chúc các bạn thành công!