Mối quan hệ với sếp cũng như đồng nghiệp nơi công sở có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp của mỗi người. Phải làm sao để không trở thành chân sai vặt của người khác khi làm thì bực mà từ chối thì ngại?
Nhìn thấy là réo tên
Ra trường với tấm bằng loại khá, Lanh Anh (24 tuổi, Hà Nội) từng không nghĩ rằng mình lại may mắn xin được việc vào một công ty nước ngoài. Với vị trí kế toán, cô được nhận mức lương 10 triệu vốn chẳng phải ít ỏi gì so với sinh viên mới ra trường.
Nỗ lực hết mình để được nhận vào làm chính thức, thế nhưng sau đó Lan Anh mới biết hóa ra môi trường đi làm không đơn giản như mình vẫn tưởng.
Sếp của cô là người rất hay sai vặt và đặc biệt “ưu ái” cô nhân viên mới chính là Lan Anh. Vị trí làm việc là kế toán song cô nàng được kiêm thêm đủ thứ việc trên đời. Mỗi sáng vừa xuất hiện, Lan Anh sẽ thấy tên mình được gọi một cách thân thương.
“Lan Anh ơi mua cho chị cốc cà phê. Nhớ dặn ít đường!”
“In cho chị chỗ tài liệu bên A mới gửi sang rồi đặt lên bàn nhé.”
“Hôm nay dưới cổng công ty có bán bưởi không? Mua cho chị 2 quả.”
“Đi hỏi thông tin làm visa, giấy phép lái xe cho bác sếp Hàn Quốc nhé. Chị bận quá!”
Bỗng dưng trở thành chân sai vặt, mỗi ngày đều làm những "việc không tên", Lan Anh không hề thấy dễ chịu. (Ảnh minh họa)
Đủ thứ việc, từ việc của công ty (nhưng không phải chuyên môn của Lan Anh) cho đến việc gia đình, việc cá nhân của sếp. Làm đủ các việc vặt xong cô nàng lại quay về hoàn thành công việc kế toán của mình.
Mỗi đầu việc chị sếp nhờ đều không phải quá nặng nhọc song việc liên tục bị sai vặt, ngay cả khi cô đã làm việc ở đó được 2 năm rồi khiến Lan Anh không hề thoải mái. Chưa kể, trong công ty cũng không ít lời xì xào, có người còn “nói mát” luôn trước mặt rằng: “Lan Anh sướng ghê! Được sếp thân thế” khiến cô nàng càng bực bội.
Từ chối là cả một nghệ thuật
Việc được tận dụng làm các công việc nhỏ như photo, pha trà hay làm việc nọ, việc kia giúp sếp là điều khá phổ biến với những nhân viên mới. Tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài, bạn sẽ chẳng thể nào cảm thấy dễ chịu khi phải làm việc không đúng chuyên ngành.
Nhiều người sẽ đơn giản mà nói rằng: “Sao không từ chối thẳng thừng luôn? Mình vào đó để làm việc chứ có phải vào để làm việc vặt đâu”. Cách làm này có thể khiến bạn chấm dứt cảnh bị sai vặt song lại khiến mối quan hệ của bạn với cấp trên cũng như đồng nghiệp trở nên xấu đi.
Bước 1, hãy bình tĩnh để nhìn nhận lại mọi chuyện. Việc giúp đỡ đồng nghiệp, hỗ trợ cấp trên là điều hết sức bình thường và nên làm. Hãy xem liệu việc mọi người đang nhờ bạn dừng lại ở mức độ nào. Nếu chỉ là những việc nhỏ, thi thoảng phát sinh thì hãy vui vẻ làm và nghĩ rằng đó là mối quan hệ, giúp đỡ qua lại nơi công sở.
Vậy nếu việc đó diễn ra một cách thường xuyên thì sao? Bước 2 chính là cần xem liệu có phải là do bạn quá tốt bụng và dễ tính không? Việc bạn không bao giờ nói không, luôn sẵn sàng nhận mọi lời trợ giúp hay thậm chí là chủ động làm sẽ khiến người khác nghĩ rằng có thể thoải mái nhờ vả.
Hãy thể hiện là mình sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác song bản thân còn rất nhiều việc của công ty quan trọng hơn và cần được ưu tiên. (Ảnh minh họa)
Thay đổi cách bạn thể hiện một chút, mọi người xung quanh sẽ sớm nhận ra và hạn chế việc nhờ vả, sai vặt hơn. Nếu họ không nhận ra và tình trạng trên vẫn tiếp tục thì hãy thể hiện tiếng nói của mình. Đó chính là bước 3.
Đừng hiểu nhầm việc này có nghĩa là bạn sẽ lên gặp thẳng sếp rồi nói gay gắt hay đem chuyện đi nói xấu với người khác. Bạn hoàn toàn có thể nói chuyện riêng với người cấp trên hay đồng nghiệp đó và từ chối một cách khéo léo.
Hãy thể hiện là mình sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác song bản thân còn rất nhiều việc của công ty quan trọng hơn và cần được ưu tiên. Bằng cách này, bạn vừa thể hiện được sự trách nhiệm, tâm huyết với công việc mà cấp trên cũng không bị mất lòng.
Từ chối cũng là cả một nghệ thuật và muốn “sống sót” một cách êm đẹp ở môi trường công sở, nhớ đừng từ chối ngay khi vừa nghe cấp trên nói, sau khi tranh cãi với sếp hay từ chối với khuôn mặt hằm hằm.
Sếp có thể là đồng minh nhưng cũng có thể trở thành “kẻ thù” nếu bạn không biết cách cư xử. Hãy tìm hiểu những mục tiêu và lịch làm việc của sếp rồi điều chỉnh sao cho mục tiêu và lịch của bạn càng giống thế càng tốt. Làm được điều này thì mối quan hệ của bạn và sếp chắc chắn sẽ trở nên tốt đẹp hơn.