Đề nghị tăng lương chính là lời khẳng định cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có khả năng và thực sự nghiêm túc với sự nghiệp của mình, sẵn sàng làm việc chăm chỉ để đạt được thành công.
Tại sao phụ nữ ít khi đề nghị tăng lương?
Với tư cách là một nhà tuyển dụng công ty, Vicki Salemi, một chuyên gia nghề nghiệp của monster.com, chia sẻ rằng: “9 trong số 10 phụ nữ không đưa ra đề nghị thương lượng mức lương trong khi 9 trong 10 nam giới đã làm vậy".
Theo Salemi, việc phụ nữ ít khi yêu cầu tăng lương có thể vì nhiều lý do khác nhau.
"Nhiều người có suy nghĩ rằng: "Có được công việc này là tốt rồi", "Mình thật may mắn khi có việc đó", "Tôi không muốn làm điều gì mạo hiểm" hay "Tôi không nghĩ họ có nhiều tiền và vì sao mình phải làm như vậy"...
Một lý do khác khiến các chị em thường ngần ngại trong việc đề nghị tăng lương hơn chính là do họ cảm thấy không thoải mái khi nói về tiền bạc. Họ chọn cách tránh đối mặt".
Tại sao đề nghị tăng lương lại quan trọng?
Bất kể bạn đã ở vị trí hiện tại được vài năm và chuẩn bị thực hiện bước phát triển tiếp theo hay bạn đang nhắm đến một vị trí mới và muốn mức lương tăng lên trước khi chuyển đi, theo Salemi thì việc xây dựng sự tự tin luôn là cần thiết cho sự phát triển nghề nghiệp và giá trị tài chính của bạn.
Đề nghị tăng lương cũng là lời khẳng định cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có khả năng và thực sự nghiêm túc với sự nghiệp của mình, sẵn sàng làm việc chăm chỉ để đạt được thành công.
"Bạn có được tăng lương hay không là một chuyện, nhưng việc đưa ra đề nghị đó cũng chính là sự thể hiện bạn đánh giá cao bản thân và công việc của mình", Salemi giải thích.
Và khi bạn đã sẵn sàng cho cuộc trò chuyện đó, đây là những sai lầm mà bạn cần tránh để đạt được thành công.
Sai lầm 1: Bạn không xây dựng nền móng
Đã biết bao lần bạn trắng đêm khi có những dự án lớn. Bạn từng tham gia và đảm nhiệm gấp đôi công việc của đồng nghiệp để hỗ trợ khi đồng nghiệp khác gia đình có việc đột xuất. Thế nhưng những điều đó bạn lại không ghi chép lại hay thể hiện ra cho cấp trên - người mà bạn đề nghị tăng lương để họ được biết. Bạn không đưa chúng vào để đề nghị của mình trở nên thuyết phục, sếp của bạn không có lý do gì để cho bạn thêm những con số 0 đó vào phần lương.
Hãy xem xét cuộc thảo luận đó giống như cách bạn có làm để thực hiện bài luận ở trường đại học, chứng minh lập luận của mình bằng những luận điểm, luận cứ một cách chắc chắn.
"Đừng chỉ nói rằng: "Tôi nghĩ mình cần được trả nhiều tiền hơn". Bạn cần thu thập thông tin cần thiết để cho cấp trên biết được lý do vì sao việc tăng lương cho bạn là hoàn toàn xứng đáng.
Hãy bắt đầu từ những lời khen ngợi của đồng nghiệp, khách hàng hay nhà cung cấp dành cho bạn. Tiếp sau đó, thể hiện thành tích vượt trội của bạn thông qua những con số cụ thể: Bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho công ty trong năm qua hay tăng thêm bao nhiêu lợi nhuận hay xây dựng được quy trình giúp công ty giảm thời gian xử lý công việc", Salemi gợi ý.
Sai lầm 2: Bạn suy nghĩ quá nhiều
Nếu những lo lắng của bạn làm mất đi sự tự tin của bạn, hãy nghĩ đến điều này: Đàn ông thường đề nghị tăng lương một cách rất thoải mái, không nghĩ ngợi quá nhiều và phụ nữ cũng cần như vậy.
"Đôi khi phụ nữ suy nghĩ quá mức như: "Ồ, như vậy họ có nghĩ mình tham lam quá không?", hay "Họ có thể sẽ không thích mình" hay bất kỳ lý do nào khác. Không! Việc bạn đề nghị cấp trên tăng lương cho mình không có gì là xấu. Điều tệ hại chính là khi bạn tiếp tục làm việc cho một nhà tuyển dụng không coi trọng đóng góp của mình."
Sai lầm 3: Bạn xin lỗi khi đưa ra đề nghị
Bạn từng nói xin lỗi khi một người lạ bỗng nhiên đi ngang qua và va vào người bạn? Khi bạn quá phấn khích về điều gì đó, bạn lập tức xin lỗi vì cảm giác như mình đang khoe khoang hay thể hiện sự quá tự hào.
Theo Marc Cenedella, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Ladders, đây là đặc điểm khá thường gặp ở phụ nữ.
"Đừng thể hiện sự hối lỗi hay giải thích rằng bạn rất hiểu nếu như công ty không thể tăng lương cho mình hay nói rằng bản thân cũng cảm thấy khó xử khi phải đưa ra yêu cầu này. Đây là một giao dịch kinh doanh. Bạn cung cấp giá trị cho công ty và họ trả tiền cho điều đó. Bạn không nên làm việc miễn phí và cũng không nên để sếp của bạn mong đợi điều đó. Hãy đề nghị một cách tự tin."
Sai lầm 4: Bạn không tận dụng các mối quan hệ
Bạn có thể cảm thấy ngại ngùng, không thoải mái khi chia sẻ với những chị em khác vấn đề liên quan đến công việc, tiền lương vì cho rằng tài chính không nên là chuyện đem ra bàn tán. Tuy nhiên, đừng ngần ngại tận dụng các mối quan hệ quen biết của mình để có cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường việc làm.
Bạn có thể biết được cùng với vị trí của mình ở trong ngành và khác ngành đang được trả mức lương là bao nhiêu, mức độ tuyển dụng thế nào... Đây là những thông tin rất hữu ích trong việc đưa ra đề xuất tăng lương của bạn. Có thể bạn sẽ nhận ra, lâu nay mình đã nhận một mức lương thấp hơn nhiều so với cùng vị trí tại các công ty khác.
Sai lầm 5: Bạn thiếu bằng chứng xác thực
Có thể bạn đã có một cuộc trò chuyện tốt đẹp với người tuyển dụng song nếu như bạn không có bằng chứng gì về cuộc trò chuyện đó, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp mọi chuyện như chưa từng xảy ra. Đừng để những sự chuẩn bị của bạn đều từ tai này chui qua tai khác của họ.
Hãy đảm bảo rằng, bên cạnh cuộc trò chuyện, bản thân luôn có sự chuẩn bị về giấy trắng mực đen. Bạn có thể viết đề nghị tăng lương thành văn bản, qua email hay viết tay... Không ai biết chuyện gì có thể xảy ra, nhỡ cấp trên vì lý do nào đó mà quên đi lời đồng ý tăng lương với bạn. Chính vì vậy, hãy đảm bảo mình có bằng chứng rõ ràng khi cấp trên thể hiện sự đồng thuận.
Sai lầm 6: Bạn không tìm cho mình một phương án khác
Khi bắt đầu cuộc trò chuyện có phần khó xử này với nhà tuyển dụng, bạn không chỉ nên đưa ra tất cả những lý do khiến mình hoàn toàn xứng đáng với mức lương cao hơn mà còn nên chuẩn bị sẵn một phương án khác. Bất kể bạn thích công ty đó hay hoà đồng với đồng nghiệp thế nào, nếu đó là nơi không có chỗ cho sự nghiệp của bạn phát triển thì việc ở lại chính là hành động bạn tự kìm hãm sự nghiệp của mình.
Và thậm chí ngay cả trong trường hợp đối phương chấp nhận đề nghị tăng lương của bạn, theo chuyên gia Salemi, bạn luôn cần suy nghĩ một cách rõ ràng và chắc chắn: Đây có phải là điều mình thực sự muốn?
"Luôn có cơ hội tốt hơn ở đó, nơi bạn sẽ không phải liên tục chứng minh giá trị của mình với nhà tuyển dụng qua lời nói để đề nghị tăng lương. Chuyển sang một môi trường mới, bạn hoàn toàn có thể nhận được mức lương khởi điểm cao hơn mức lương mà bạn có thể nhận được ở công ty hiện tại sau khi điều chỉnh tăng. Và bạn có thể làm cả hai - nhận mức tăng lương đó và tìm kiếm một công việc mới với môi trường cạnh tranh hơn", Salemi nói.