Rau muống là loại rau vô cùng quen thuộc nhưng có một số hiểu lầm về loại rau này khiến không ít người từng e dè, không dám ăn.
Rau muống là loại rau vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam, cả lá và thân của rau muống đều có thể ăn được. Rau muống có thể chế biến thành nhiều món phong phú như rau muống xào tỏi, rau muống luộc, rau muống xào thịt bò, trâu,...
Không chỉ là loại rau ngon, dễ ăn, rau muống còn có những lợi ích sức khỏe rất tốt. Rau muống có tính nhuận tràng nhẹ nên có thể dùng cho bệnh nhân trĩ nhưng tác dụng này thường chỉ thấy rõ ở những người ít ăn rau muống trước đây.
Trong rau muống có vitamin C và các chất glucoside, polyphenolic có tác dụng chống oxy hóa. Các chất oxy hóa là các chất đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...
Mặc dù rau muống ngon và bổ nhưng có một số hiểu lầm về rau muống khiến không ít người sợ hãi, không dám ăn mà bỏ phí loại rau này.
1. Nước luộc rau muống chuyển màu xanh đen chứng tỏ có hóa chất
Sau khi luộc rau muống, không ít người khá bất ngờ và hốt hoảng khi sau một lúc nước rau đột nhiên chuyển màu đen hay xanh đậm. Nhiều người lo ngại rằng hiện tượng nước rau muống chuyển màu là do tồn dư hóa chất sau khi sử dụng chất kích thích hay phân bón hóa học.
Thực tế, việc nước rau muống luộc sau khi để một lúc có hiện tượng chuyển màu xanh đen không hề đáng lo ngại. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm (nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định nước rau luộc chuyển màu vẫn sử dụng được bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng và dinh dưỡng khi sử dụng.
Lý do nước rau muống chuyển màu là trong nước có dư lượng canxi và magie nên có tính kiềm. Bởi vậy khi luộc rau chỉ cần thêm chút muối hay vắt nước cốt chanh vào bát nước rau sẽ không còn tình trạng này.
2. Canh rau muống vắt chanh, dầm sấu là tốt nhất
Mùa hè ăn rau muống luộc, nhiều gia đình nhất định phải vắt chanh hoặc dầm sấu để nước canh có vị chua, dễ ăn. Nhiều người còn tranh cãi vắt chanh hay dầm sấu vào nước rau muống ngon và bổ hơn. Thực tế dù vắt chanh hay dầm sấu đều có lợi và mang lại hương vị ngon. Nhưng nhiều người chỉ quan tâm tới điều này mà bỏ quên một việc quan trọng hơn.
Nếu luộc rau muống mà thêm chút muối thì nước rau muống sẽ trở thành vị thuốc thanh nhiệt, giải độc trong ngày hè và còn có công dụng chống táo bón, thích hợp cho người huyết áp cao, nhịp tim nhanh. Vì vậy, khi luộc rau muống nhớ thêm một chút muối để rau vừa xanh mà lại còn bổ dưỡng hơn.
3. Vắt chanh có thể nhận biết rau muống có hóa chất
Từng có thông tin rằng muốn biết rau muống có tồn dư chất hóa học, thuốc trừ sâu hay không thì chỉ cần vắt chanh là có thể nhận biết. Theo đó, nếu vắt chanh vào nước luộc rau muống mà giữ được màu xanh hay chuyển màu ít chứng tỏ rau ít hóa chất còn nếu chuyển đỏ hay vàng thì không tốt.
PGS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định thông tin này là hoang đường, không có cơ sở khoa học. Vắt chanh vào nước rau chuyển màu là phản ứng thông thường của nước chanh và các chất có trong rau muống, khi luộc bị thôi ra nước. Việc nước rau xanh đậm hay nhạt không liên quan tới thuốc trừ sâu.
4. Rau muống hút nhiều kim loại và thuốc trừ sâu
Không ít người từng truyền tai nhau nên ăn ít hoặc không ăn rau muống vì nó hút thuốc trừ sâu và kim loại nhiều nhất vì mọc ở mương nước dễ bị ô nhiễm.
Thực tế là rau muống có các loại thủy sinh và bán thủy sinh, rau muống có yêu cầu cao về chất lượng nước, dù là thủy sinh thì cũng không thể mọc trong mương nước bị ô nhiễm. Hơn nữa ngày nay, không ít nơi trồng rau muống trên đất hoặc trong nhà kính.
Về thông tin rau muống hấp thụ kim loại nhiều nhất so với các loại rau khác. Ngay từ năm 2015, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quảng Châu (Trung Quốc) đã khẳng định không có bằng chứng thực nghiệm nào chứng minh rằng rau muống có năng lượng hấp thụ kim loại nặng đặc biệt mạnh.
Hơn nữa, một loại rau nào đó có khả năng tích tụ kim loại nặng rất mạnh, cũng không nhất thiết đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Điều này được quyết định bởi môi trường sống của loại rau đó. Chỉ cần trồng ở môi trường sinh thái có đất, nguồn nước có hàm lượng kim loại nặng không vượt quá tiêu chuẩn thì không cần lo lắng.