Không chỉ tạo được nhiều món ngon, hành tây còn mang lại nhiều tác dụng cho sức khỏe, trong đó không thể không kể đến khả năng ngăn ngừa mắc một số loại ung thư, giúp cải thiện tâm trạng và làm đẹp da, tóc.
Hành tây thuộc họ thực vật Allium (bao gồm cả hẹ, tỏi và tỏi tây). Các loại rau này có mùi vị cay nồng đặc trưng và một số dược tính.
Các loại hành tây khác nhau về kích thước, hình dạng, màu sắc và hương vị. Một số loại phổ biến nhất là hành đỏ, vàng và trắng. Hương vị cũng đa dạng, có thể từ ngọt và ngon đến sắc, cay và hăng, thường tùy thuộc vào mùa mà người ta trồng và ăn hành tây.
Hành tây được trồng từ nhiều thế kỷ trước. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, Trung Quốc là nước sản xuất hành lớn nhất trên thế giới.
Nhiều người ngại chế biến hành tây vì khâu thái thường gây cay mắt. Tuy nhiên, đây là loại rau củ có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, cải thiện tâm trạng và duy trì sức sống của da và tóc. Vì thế, thật lãng phí nếu bạn bỏ qua hành tây trong thực đơn gia đình mình.
Hành tây có nhiều loại khác nhau, trong đó hành tây tím, trắng... là phổ biến. (Ảnh minh họa)
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về lợi ích của hành tây, hàm lượng dinh dưỡng và lưu ý khi sử dụng loại củ này:
Lợi ích của hành tây với sức khỏe
Hành tây có thể có tác động tích cực đến một số khía cạnh khác nhau của sức khỏe:
Ngăn ngừa ung thư
Các chất chống oxy hóa trong hành tây có thể giúp chống lại các hợp chất gốc tự do.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá mối liên quan giữa các loại rau họ Allium với khả năng ngăn ngừa một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày và đại trực tràng.
Một nghiên cứu năm 2019 trên Tạp chí Ung thư Lâm sàng Châu Á Thái Bình Dương đã so sánh 833 người bị ung thư đại trực tràng với 833 người không mắc bệnh. Kết quả cho thấy, nguy cơ ung thư đại trực tràng thấp hơn 79% ở những người thường xuyên ăn các loại rau họ Allium, chẳng hạn như hành tây.
Các chuyên gia chưa hiểu đầy đủ về cơ chế chính xác mà một số hợp chất trong hành tây ức chế ung thư. Một số giả thuyết cho rằng hành tây ức chế sự phát triển của khối u và đột biến tế bào.
Thịt bò xào hành tây là món khoái khẩu của nhiều người. (Ảnh minh họa)
Một chén hành tây cắt nhỏ cung cấp ít nhất 13,11% lượng vitamin C mà một người lớn cần trong ngày. Đóng vai trò là một chất chống oxy hóa, vitamin C cũng giúp chống lại sự hình thành các hợp chất gốc tự do có liên quan đến ung thư.
Một đánh giá từ năm 2015 cho thấy mối quan hệ phổ quát giữa việc tăng tiêu thụ các loại rau họ Allium và việc giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày và đường tiêu hóa.
Theo các tác giả, trong số các hợp chất được gọi là organosulfur có trong hành tây, một số hợp chất có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u. Tuy nhiên, họ kết luận rằng không phải tất cả các hợp chất organosulfur đều có đặc tính chống oxy hóa. Cần có nghiên cứu sâu hơn để xác nhận hợp chất nào trong hành tây có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh ung thư.
Các tác giả gợi ý rằng hành tây và các loại rau Allium khác không ngăn ngừa ung thư một cách riêng lẻ mà hoạt động song song với các yếu tố lối sống khác để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hành tây có lợi cho da và tóc
Là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, hành tây có thể hỗ trợ việc xây dựng và duy trì collagen. Collagen được ví như một loại “keo dính” liên kết các mô trong cơ thể lại với nhau, giúp củng cố cấu trúc cho da và tóc.
Hành tây có thể chế biến thành nhiều món ngon, tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Hành tây giúp điều chỉnh huyết áp
Một đánh giá năm 2019 cho thấy quercetin, một hợp chất trong vỏ hành tây, có liên quan đến việc giảm huyết áp khi các nhà nghiên cứu chiết xuất và sử dụng nó như một chất bổ sung.
Tuy nhiên, nghiên cứu chưa xem xét các tác động tiềm ẩn đối với huyết áp của việc ăn hành tây như một phần của chế độ ăn uống thay vì dùng quercetin ở dạng bổ sung.
Giá trị dinh dưỡng của hành tây
Hành tây là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa trong khi lại có hàm lượng calo thấp.
Một cốc hành tây băm nhỏ cung cấp:
64 calo
14,9 gam (g) carbohydrate
0,16 g chất béo
0 g cholesterol
2,72 g chất xơ
6,78 g đường
1,76 g protein
Hành tây là một nguồn tốt của các chất dinh dưỡng sau đây:
- Vitamin C: Đáp ứng 13,11% nhu cầu khuyến nghị hằng ngày (RDA) đối với nam và 15,73% đối với nữ.
- Vitamin B6: Đáp ứng khoảng 11,29 -14,77% RDA tùy thuộc vào độ tuổi.
- Manga: Cung cấp khoảng 8,96% đối với nam và 11,44% đối với nữ
Hành tây cũng chứa một lượng nhỏ: Canxi, sắt, folate, magiê, phốt pho, kali, chất chống oxy hóa quercetin và lưu huỳnh.
Ăn hành tây có rủi ro gì không?
Ăn hành tây nhìn chung khá an toàn. Tuy nhiên, một số người có thể bị dị ứng hoặc không dung nạp với hành tây. Nếu gặp bất cứ phản ứng bất lợi nào sau khi ăn hành tây, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Có cách giúp bạn giảm cay mắt khi thái hành tây. (Ảnh minh họa)
Tại sao thái hành tây khiến chúng ta chảy nước mắt?
Nhiều người ngại thái hay băm nhỏ hành tây bởi việc này có thể khiến họ “phát khóc”. Thật ra, phản ứng gây cay và chảy nước mắt do sự hiện diện của một chất gọi là syn-Propanethial-S-oxide trong hành tây.
Hóa chất này là một hợp chất lỏng hoạt động như một tác nhân kích thích tuyến lệ, nghĩa là nó gây chảy nước mắt hoặc châm chích cho mắt.
Để giảm bớt tình trạng này, Hiệp hội Hành tây Quốc gia (Mỹ) khuyên bạn nên để củ hành tây lên ngăn đá tủ lạnh khoảng 30 phút trước khi thái. Khi hái hành, bạn cắt bỏ phần chóp trước, sau đó bóc bỏ lớp vỏ ngoài cùng của củ hành, để nguyên phần gốc vì đây là nơi có hàm lượng chất kích thích cao nhất.
Dù không mấy dễ chịu khi thái hành tây, đừng ngại ăn loại củ này bởi nó có thể mang tới cho bạn nhiều lợi ích sức khỏe. Tất nhiên, không có một loại thực phẩm riêng lẻ nào giúp bạn khỏe mạnh, sống thọ cả, quan trọng nhất vẫn kết hợp nó trong chế độ ăn uống đa dạng, hợp lý và có một lối sống lành mạnh.