Nhiều món đậu phụ hương vị thơm ngon, tuy nhiên chưa chắc tốt cho sức khỏe.
Ăn đậu phụ tốt như thế nào? Cách chọn đậu phụ không chứa chất hại sức khỏe
Đậu phụ là thực phẩm giá thành rẻ và rất phổ biến trong đời sống hàng ngày trong mọi gia đình. Nguyên liệu chính làm nên đậu là hạt đậu nành, qua quá trình ngâm đậu, xay, nấu... khá cầu kỳ để làm nên món đậu phụ. Món ăn không chỉ mềm, bùi, thích hợp với mọi lứa tuổi mà còn chứa nhiều đạm thực vật nên được đánh giá tốt cho sức khỏe.
Đậu phụ rất giàu protein, khoáng chất và canxi, có thể thay thế cho thịt. Đậu phụ bao gồm các khoáng chất như đồng, selen, magiê, phốt pho, mangan, sắt, axit amin và vi chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Theo các nghiên cứu, thường xuyên ăn đậu phụ sẽ làm giảm nguy cơ ung thư, loãng xương, tốt cho tim mạch, ngăn ngừa lão hóa và bệnh thiếu máu.
Tuy nhiên, hiện nay, một số loại đậu có thể sử dụng thạch cao trong quá trình sản xuất, dùng lâu dài sẽ đầu độc cơ thể, gây bệnh thận.
Theo các chuyên gia, dựa vào cảm quan thì đậu phụ chứa thạch cao thường rất cứng, nặng tay hơn so với đậu sản xuất bằng phương pháp truyền thống. Càng sử dụng nhiều thạch cao thì miếng đậu phụ càng cứng. Vì thế, nên lựa chọn các loại đậu hũ được xuất bằng phương pháp truyền thống, ít dùng các phụ gia hơn để đảm bảo cho sức khỏe.
Ngoài ra, hiện nay, ngoài sử dụng thạch cao trong quá trình sản xuất, đậu phụ thành phẩm cũng được "biến tấu" thành nhiều hương vị để phục vụ cho thị hiếu của người dùng. Trên thị trường xuất hiện các loại đậu phụ khác nhau, ngon hơn, đậm đà hơn và có xu hướng thêm nhiều loại hương vị mới, ví dụ đậu phụ hạnh nhân, phô mai, cá...
Mặc dù hương vị các loại đậu phụ này rất đa dạng, các chuyên gia thực phẩm khuyến cáo bạn nên hạn chế vì các loại sau đây thực chất không phải làm từ đậu nành.
Đậu hũ hạnh nhân
Món đậu hũ hạnh nhân, như tên gọi, được làm bằng cách thêm đường vào bột hạnh nhân, vì có màu trắng sữa và hình dạng giống như đậu hũ nên nó được gọi là đậu hũ hạnh nhân.
Đậu hũ hạnh nhân. (Ảnh minh họa).
Là một món tráng miệng, đậu hũ hạnh nhân tuy chứa một số chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể nhưng hàm lượng đường lại vượt quá mức cần thiết cho cơ thể. Ăn một lượng lớn trong thời gian dài dễ dẫn đến vấn đề béo phì, vì vậy thi thoảng bạn mới nên ăn món này, thay vì ăn liên tục như món ăn bình dân là đậu phụ.
Đậu phụ Nhật Bản
Món ăn về cơ bản là loại đậu phụ đóng gói, ở Việt Nam gọi là đậu hũ non. Đậu phụ Nhật Bản có hình dáng tương tự như đậu phụ nhưng vị mềm hơn, thơm hơn, khi chạm vào sẽ vỡ ra.
Nếu để ý kỹ thành phần của đậu phụ Nhật Bản, bạn sẽ thấy rằng nó không liên quan gì đến đậu nành, thành phần chính của món đậu phụ này là trứng và muối.
Mặc dù trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng do đã qua chế biến nên món ăn chứa một lượng muối natri nhất định, kết hợp với một lượng lớn gia vị được thêm vào trong quá trình chế biến. Do đó, ăn nhiều món này dễ dẫn đến hấp thụ quá nhiều ion natri, làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
Phù trúc (váng đậu)
Phù trúc hay còn gọi là tàu hũ ky hoặc váng đậu là một sản phẩm làm từ hạt đậu nành. Thành phần chủ yếu của váng đậu là protein chiếm 45%, tiếp theo là lipid và carbonhydrate - chiếm khoảng 22%, 8% là nước.
Chất béo trong phù trúc không phải là thành phần tốt cho sức khỏe, nhất là khi bạn mua loại váng đậu chiên qua dầu. Ăn nhiều loại này có thể gây thừa calo, béo phì, tim mạch...
Đậu hũ cá
Loại đậu hũ này được làm bằng cách trộn thịt cá, tinh bột và gia vị. Nếu là đậu hũ cá giá rẻ thì hàm lượng thịt cá ít hơn, trong một số trường hợp có thể chứa phần lớn dạng viên bột, với bột bắp là chủ yếu.
Để làm tăng hương vị của đậu phụ cá, một số loại muối, gia vị và dầu cũng được thêm vào trong quá trình sản xuất. Do đó, đậu hũ cá trở thành thực phẩm nhiều muối, nhiều chất bột đường, ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Chỉ thi thoảng bạn mới nên ăn.
Đậu hũ thối
Đậu hũ thối là loại đậu phụ đã được cho lên men để dậy mùi, đây được xem là món ăn đặc sản của Trung Quốc mà nhiều người Việt Nam cũng yêu thích. Tuy nhiên, món ăn được cảnh báo là "một miếng tương đương 12g muối", chưa kể nấm mốc tồn tại trong món ăn tiềm ẩn nguy cơ hại sức khỏe.
Món đậu hũ thối được nhiều người thích vì mùi vị đặc biệt. (Ảnh minh họa).
Một số nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lên men, đậu phụ thối sẽ sản sinh ra các amin như methylamine, putrescine, serotonin. Các chất này giúp cho món ăn có mùi rất đặc biệt nhưng không hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Thêm nữa, do tính chất lên men nặng nên quá trình chế biến đậu phụ thối dễ bị vi khuẩn xâm nhập, dễ gây ngộ độc thực phẩm.