Thay vì ngày nào cũng ăn cơm, thử món cháo kê hay ngô luộc... cho bữa ăn chính có thể mang lại tác dụng tuyệt vời.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Gạo là một trong những thành phần không thể thiếu trong ba bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, ngoài gạo trắng, có những loại hạt ngũ cốc khác nhau cũng có tác dụng riêng biệt, hữu ích với sức khỏe không kém hạt gạo.
Ngũ cốc ích thận: Hạt kê
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng hạt kê có công năng dưỡng thận khí, thanh nhiệt, thông tiểu tiện, chữa di tinh. Ăn cháo kê thường xuyên có thể bồi bổ tinh khí, kéo dài tuổi thọ.
Ngoài ra, khi nấu cháo kê, bạn có thể ninh hạt kê với các loại hạt thô khác nhau để tạo thành cháo có mùi vị đa dạng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Tuy nhiên, hạt kê có tính mát, những người khí trệ, tỳ vị hư yếu không nên dùng quá nhiều.
Hạt kê vừa rẻ, vừa có thể chế biến nhiều món nhuận tràng. (Ảnh minh họa).
Ngũ cốc ích tiêu hóa, nhuận tràng: Hạt lúa mạch
Hạt lúa mạch nổi tiếng với tác dụng thanh nhiệt. Với cách sử dụng đa dạng, từ dùng lúa mạch nguyên vỏ, lúa mạch thô, lúa mạch tách vỏ, và bột lúa mạch, ngũ cốc này là nguồn cung cấp chất xơ, mangan, molipden và selen, vitamin B1, phốt pho, crom, magie và niacin dồi dào. Hàm lượng chất xơ cao trong lúa mạch có vai trò đặc biệt trong việc tăng cường sức khỏe đường ruột của cơ thể. Trong một cuộc nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở những người phụ nữ trưởng thành, việc ăn nhiều lúa mạch giúp cải thiện đáng kể chức năng ruột và tăng thể tích phân.
Một nghiên cứu khác còn chỉ ra, ăn lúa mạch giúp ngăn ngừa sỏi mật và giảm nguy cơ phẫu thuật túi mật.
Kinh nghiệm dân gian Trung Quốc chỉ ra cách sử dụng lúa mạch hiệu quả: rửa sạch lúa mạch, sao trên chảo cho đến khi hạt lúa mạch xém cạnh, thơm nhẹ, hạt phồng lên thì cho ra ngoài, để nguội rồi cho vào lọ đậy kín, thi thoảng pha với nước sôi uống vào buổi sáng thay trà.
Ngũ cốc tốt cho tim mạch: Ngô
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng ngô có vị ngọt, tính bình, đi vào kinh mạch gan, kinh thận và kinh bàng quang sẽ có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng, giúp tăng cường sinh lực cho lá lách, làm dịu gan và túi mật. Đặc biệt, ngô còn có tác dụng giúp bạn ăn uống ngon miệng hơn do tính điều hòa khai vị. Do đó, những người kém ăn như trẻ em, người ốm bệnh nằm liệt lâu ngày có thể ăn nhiều ngô hơn. Loại ngũ cốc này không chỉ có thể làm ngon miệng, bổ tỳ vị, mà còn bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người.
Ăn ngô vừa ngon miệng, vừa tốt cho sức khỏe.(Ảnh minh họa).
Ngô chứa nhiều chất xơ, giúp hạ lượng đường trong máu do khả năng làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn thành đường. Loại hạt này giúp bảo vệ tim mạch, cải thiện chức năng não bộ và làm đẹp da hiệu quả.
Ngũ cốc bổ âm: Gạo nếp cẩm
Từ xa xưa, gạo nếp cẩm đã nổi tiếng là loại gạo thuốc, gạo trường thọ. Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, gạo nếp cẩm có vị ngọt, tính thông kinh lạc tỳ vị, bổ tỳ dưỡng âm, bổ can thận, bồi bổ cơ thể, làm ấm bụng, cải thiện thị lực, thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Hơn nữa, vỏ gạo có chứa sắc tố anthocyanin - có khả năng chống oxy hóa mạnh, có vai trò hạ lipid máu, chống xơ vữa động mạch và điều hòa lượng đường trong máu.
Giá trị dinh dưỡng từ gạo nếp cẩm đáng để được nhắc đến bởi tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Chất xơ từ hạt gạo có thể giúp glucose (đường) từ hạt được cơ thể hấp thụ trong một khoảng thời gian dài hơn. Lớp màng đen bên ngoài của nếp cẩm chứa nhiều vitamin E, giúp làm ẩm và phục hồi làn da rất hiệu quả.