Chì là một kim loại độc có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em và có thể gây ra các chứng rối loạn não và chậm phát triển. Chì có thể tồn tại trong không ít những thực phẩm mà trẻ ăn hàng ngày.
Trẻ em có nguy cơ nhiễm độc chì cao nhất
Chị Tần phát hiện con gái 5 tuổi gần đây biếng ăn, hay quấy khóc, đêm ngủ không ngon giấc, cân nặng cũng sụt giảm nghiêm trọng. Vì vậy, chị Tần đã đưa con gái đến bệnh viện, sau hàng loạt các cuộc kiểm tra, cuối cùng cô bé được kết luận là nhiễm độc chì.
Trong trường hợp bình thường, hàm lượng chì trong máu của đứa trẻ là khoảng 0-100μg/L, trong khi hàm lượng chì của con gái cô Tần cao tới 209μg/L. Kết quả chẩn đoán này khiến gia đình chị Tần rất lo lắng, làm sao một đứa trẻ 5 tuổi lại bị nhiễm độc chì? Theo điều tra dữ liệu, trong số 17.000 trẻ em từ 0-6 tuổi, trong đó có 10,15% trẻ có lượng chì trong máu cao hơn 100μg/L, tức là cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ bị nhiễm độc chì.
Nhiễm độc chì ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ?
Ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ
Theo nghiên cứu, mỗi khi hàm lượng chì trong máu tăng thêm 1μg/l thì chỉ số thông minh sẽ giảm đi 2 điểm. Ngoài ra, Bách khoa toàn thư về nuôi dạy con cái của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ cũng chỉ ra rằng, ngay cả một liều lượng chì tương đối nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến não bộ của trẻ và thậm chí là gây tổn thương não.
Chậm phát triển
Một lượng lớn chì tích tụ trong cơ thể sẽ cản trở quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng như canxi, sắt, kẽm,… của trẻ. Ngoài ra khả năng miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, các chức năng khác nhau của cơ thể còn tương đối yếu, trẻ sẽ rất dễ bị tổn thương, cơ thể chậm lớn. Vì vậy cha mẹ cần phải cảnh giác.
Những thực phẩm trẻ hay ăn hàng ngày có thể chứa lượng lớn chì
1. Bắp rang bơ
Tin chắc rằng, cả người lớn và trẻ nhỏ đều thích ăn bắp rang bơ. Những hạt bắp nổ giòn, thơm mùi bơ sữa rất hấp dẫn. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu ý, nếu mua bắp rang bơ bằng máy quay tay truyền thống bên ngoài thì tốt nhất không nên cho trẻ ăn, vì loại máy này có chứa nguyên tố chì, nó cũng có thể nhiễm vào những hạt ngô. Nếu ăn lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc chì ở trẻ, hơn nữa, bản thân loại thực phẩm này không có giá trị dinh dưỡng.
2. Trứng muối
Trong các loại trứng, trứng muối được xếp vào thức ăn có hàm lượng canxi cao nhất vì trong quá trình chế biến, hàm lượng canxi trong vỏ trứng tan vào trong trứng. Mặc dù bổ dưỡng như vậy, bạn không nên cho con ăn nhiều trứng muối vì trong quá trình chế biến, trứng muối có sử dụng xút, vôi muối, chì ôxy hóa để ủ trứng.
Đặc biệt, hàm lượng chì nếu thẩm thấu vào cơ thể vượt quá hàm lượng cho phép sẽ gây nên các hiện tượng đau đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, ảnh hưởng tới gan, thận… Ngoài ra còn ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu canxi trong cơ thể. Nếu hàm lượng chì này tồn tại một thời gian dài trong cơ thể người sẽ gây nên hiện tượng thiếu canxi-nguyên nhân của bệnh loãng xương. Vì vậy, để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của con, cha mẹ cần cho con ăn ít trứng muối để tránh hấp thụ quá nhiều chì.
3. Trái cây đóng hộp
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại trái cây đóng hộp, trong đó có nhiều loại được thêm các chất phụ gia và phẩm màu tổng hợp khác nhau, chẳng hạn như kali sorbate và carmine. Hơn nữa trong thực phẩm tương tự như đồ hộp cũng có một lượng chì nhất định, mặc dù ăn vài lần cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ ăn trái cây tươi.
4. Thực phẩm bọc giấy báo
Ở những chỗ bán xôi, bánh mì hay thực phẩm ngoài lề đường hay sử dụng giấy báo, giấy in để gói cho tiết kiệm. Tuy nhiên, loại giấy này lại không an toàn như chúng ta vẫn tưởng. Bởi thành phần chính của mực in báo chính là hóa chất tổng hợp và tạp chất. Để tạo độ bám dính cao thì người ta phải sử dụng lượng lớn chì. Khi dùng để gói thực phẩm, chì sẽ từ đó và ngấm vào thức ăn và đi vào cơ thể. Do đó, cha mẹ nên tránh mua thực phẩm gói bằng giấy báo, tránh nguy cơ nhiễm độc chì ở trẻ.