Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc bệnh tim ở Nhật Bản khá thấp còn tuổi thọ tại nước này thuộc nhóm cao nhất thế giới. Bí mật của người Nhật nằm ở chính những công thức ăn uống đơn giản ai cũng có thể học hỏi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dưới đây là 5 bí mật trên bàn ăn của người Nhật Bản giúp họ là “bậc thầy” của sức khỏe và tuổi thọ:
1. Người Nhật một ngày ăn tới 30 loại thực phẩm
Đầu năm 1985, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã xây dựng bảng “Hướng dẫn Ăn uống lành mạnh” và khuyên người dân cố gắng ăn 30 loại thực phẩm (bao gồm cả dầu ăn và các loại gia vị) mỗi ngày để đảm bảo dinh dưỡng toàn diện.
Để tránh năng lượng nạp vào quá nhiều khi ăn đa dạng thực phẩm, mỗi món người Nhật chỉ ăn lượng rất nhỏ. Họ cũng ưu tiên các loại trái cây và rau củ bổ dưỡng giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và kéo dài tuổi thọ.
Các chuyên gia Nhật cũng khuyến nghị, mỗi người nên ăn trung bình mỗi ngày nên ăn 12 loại thực phẩm không trùng lặp trở lên, mỗi tuần đạt ít nhất 25 loại.
Con số nghe có vẻ nhiều nhưng thực tế không khó để đạt mục tiêu này. Ví dụ, một bát mì đã bao gồm trứng, thịt, chút rau cải, nấm, mộc nhĩ, muối, mắm… Hay món thịt hầm có thêm nấm hương, cà rốt, măng, tảo biển, gia vị…
2. Người Nhật thường xuyên ăn Natto
“Natto” là những hạt đậu nành đã luộc chín được ủ với Enzym (Bacillus natto) ở một môi trường 40°C trong vòng 14-18 giờ để lên men thành những hạt đậu có màu nâu, độ nhớt cao và bền, có mùi nồng hơi khó chịu với người không quen.
Natto là món ăn dân dã được nhiều người dân Nhật sử dụng hàng ngày, đặc biệt là vào buổi sáng. Nó được xem như món ăn cho sức khỏe, bởi Natto không qua chế biến như: nấu, xào, hấp… mà được lên men nên giữ được lượng đạm, vitamin dồi dào, lại dễ hấp thu.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Nhật Bản còn phát hiện Natto chứa các enzym tan huyết khối tự nhiên, giúp điều chỉnh lipid máu và giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch.
3. Người Nhật ưu tiên ăn cá
Ở Nhật, trung bình mỗi người hàng năm ăn khoảng hơn 100kg cá. Lượng tiêu thụ cá ở nước này đứng đầu thế giới. Đặc biệt, cách ăn cá của người Nhật cũng rất đặc biệt: Ăn sashimi với mù tạt và nước tương, hoặc đặt cả con cá lên lửa để nướng rồi rưới nước sốt…
Theo các nghiên cứu, cá biển sâu giàu axit béo omega-3 nên tiêu thụ thường xuyên giúp giảm huyết áp và giảm mức chất béo trung tính trong cơ thể.
Chúng ta có thể học người Nhật bằng cách mỗi tuần ăn cá biển sâu hai lần. Thực hiện liên tục 1-2 tháng, sức khỏe tim mạch sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, cá biển sâu có thể có ký sinh trùng, ăn quá nhiều cũng ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ. Do đó, cách tốt nhất để ăn là hấp và sử dụng không quá 60 gam mỗi lần. Nên kết hợp nhiều trái cây và rau củ trong chế độ ăn.
4. Người Nhật ăn nhiều các món hấp, luộc, rau trộn
Người Nhật thích trộn rau diếp, cà rốt, dưa chuột… với một số loại gia vị vào để ăn. Họ cũng thường hấp, luộc thực phẩm thay vì chiên rán. Các cách chế biến này giữ được lượng dinh dưỡng của thực phẩm, tốt cho sức khỏe, hạn chế các vấn đề về tim mạch.
5. Người Nhật hạn chế dùng muối trong món ăn
Từ năm 1975, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một loạt các chiến dịch phổ biến kiến thức tới người dân về lợi ích của việc nên cắt giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày. Có thể thấy, ngày nay, các món của người Nhật thường thanh đạm, ít mặn, lượng muối được dùng rất ít.
Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, người Việt Nam ăn mặn gần gấp đôi lượng muối cần thiết và là một trong những nước ăn mặn nhất thế giới. Số lượng lớn bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, mạch máu não và tăng huyết áp hiện nay đều có liên quan mật thiết với chế độ ăn mặn. Chúng ta cần học người Nhật trong việc giảm muối khi chế biến thực phẩm tại nhà, hạn chế dùng mì ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn - những thứ vốn chứa nhiều muối.