Theo nghiên cứu của Anh và Mỹ, những người ăn được vị đắng có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn so với những người không thể ăn được vị này.
Trong năm vị: chua, ngọt, đắng, cay, mặn thì vị ít người ưa thích nhất có lẽ là đắng. Nhưng người xưa có câu "thuốc đắng giã tật" để ám chỉ vị đắng có thể chữa trị được bệnh. Nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã chứng minh điều đó.
Nghiên cứu của Anh-Mỹ: Những người có thể ăn được vị đắng có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania ở Mỹ và Đại học Leeds ở Anh đã hoàn thành một nghiên cứu về mối quan hệ giữa vị đắng và nguy cơ ung thư, được công bố trên “Tạp chí Dinh dưỡng Châu Âu”. Dữ liệu nghiên cứu được lấy từ 5.500 phụ nữ, sau 20 năm theo dõi chế độ ăn uống và cuộc sống của họ, kết quả cho thấy: Những phụ nữ nhạy cảm với vị đắng nhất có nguy cơ ung thư cao hơn 58% và những người ít nhạy cảm với vị đắng có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 40% so với người không nhạy cảm với hương vị này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng mối quan hệ giữa nhạy cảm với vị đắng và ung thư nhiều khả năng liên quan đến chất lượng chế độ ăn uống tổng thể, bao gồm cả lượng rau ăn vào. Những người có độ nhạy cảm cao với vị đắng thường sợ và ít ăn rau, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Những người ăn được vị đắng có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn so với những người không chịu được. (Ảnh minh họa)
Ăn nhiều rau đắng có thể chống ung thư?
Sau khi xem nghiên cứu này, bạn có nghĩ rằng ăn nhiều rau đắng có thể ngăn ngừa ung thư không? Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã đề cập trong “Hướng dẫn dinh dưỡng và tập thể dục cho người sống sót sau ung thư” rằng ăn nhiều rau có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Nhưng đồng thời các hướng dẫn cũng nêu rõ rằng không có bằng chứng rõ ràng để khẳng định loại rau nào có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của các khối u. Tuy nhiên, rõ ràng là ăn không đủ rau sẽ làm tăng tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư.
Nói cách khác, rau quả đúng là có tác dụng phòng chống ung thư nhưng cơ chế chưa được làm rõ. Vì vậy, chưa có loại rau nào được chứng minh chắc chắn là có tác dụng phòng chống ung thư. Do đó, cách tốt nhất là mọi người không nên kén ăn, nên tiêu thụ tất cả các loại rau.
Đừng từ chối 5 loại rau đắng nhưng tốt cho sức khỏe
Nhiều loại rau không được ưa thích vì có vị đắng hoặc khó ăn. He Hongju, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Kỹ thuật Rau Quốc gia (Trung Quốc) cho biết, bốn loại rau dưới đây tuy không dễ ăn nhưng lại chứa những chất hỗ trợ sức khỏe quan trọng đối với cơ thể con người.
1. Mướp đắng
Vị đắng của mướp đắng đến từ cucurbitacin và quinine, hai chất này có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch và kiểm soát lượng đường trong máu. Vì vậy mướp đắng càng có giá trị dinh dưỡng cao. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, mướp đắng còn có tác dụng thanh nhiệt, trừ hỏa, trừ phiền, đối với những người bị nhiệt ẩm ăn mướp đắng vô cùng có lợi.
Hàm lượng chất chống oxy hóa trong nó cũng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra. Đặc biệt, trong hạt mướp đắng có một loại chất ức chế protease giúp ức chế tế bào ung thư bài tiết protease, từ đó ức chế tế bào ung thư chuyển dịch và xâm lấn lan sang các vùng khác.
2. Ngải cứu
Ngải cứu từ lâu được Đông y tin tưởng lựa chọn để chữa bệnh đau khớp, viêm khớp, giảm các cơn đau bụng. Không chỉ thế, nó còn có tác dụng phòng chống ung thư, tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả nhờ chất artmisinin. Chất artmisinin khi đi vào cơ thể sẽ khiến cho tế bào ung thư bị nhiễm độc và tác dụng với chất sắt có trong cơ thể tạo thành các gốc tự do, "tiêu diệt" tế bào ung thư.
3. Các loại rau cải đắng
Họ nhà rau cải có nhiều loại rau có vị đắng như cải xoăn, củ cải trắng, rau bồ công anh, rau đắng... Những thực phẩm này có chứa các hợp chất gọi là glucosinolate, tạo cho chúng có vị đắng nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật đã chỉ ra rằng glucosinolate có thể làm chậm sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư, nhưng những kết quả này đã không được lặp lại một cách nhất quán trong các nghiên cứu trên người.
Ngoài tác dụng chống ung thư tiềm ẩn, glucosinolate trong các loại rau họ cải giúp men gan của bạn xử lý chất độc hiệu quả hơn, giảm tác động tiêu cực của chúng lên cơ thể.
4. Cải bẹ xanh
Cải bẹ xanh cũng giống mướp đắng, có “vị đắng” riêng, đối với người không chịu được vị đắng thì uống canh cải khó chịu như uống thuốc bắc. Cải bẹ xanh tuy có vị đắng nhưng hàm lượng canxi gần tương đương với sữa, lên đến 230mg canxi trên 100g và tỷ lệ hấp thụ tương đương với sữa. Và các nguyên tố vi lượng trong cải bẹ xanh có thể tốt cho não.
5. Cần tây
Cần tây cũng nằm trong danh sách loại rau có vị đắng nhưng rất tốt cho sức khỏe. Vị đắng của cần tây nhẹ hơn so với các loại rau trên nhưng cũng không dễ ăn với những người nhạy cảm với vị đắng.
Cần tây chứa vitamin C, beta carotene, flavonoid và có ít nhất 12 loại chất dinh dưỡng chống oxy hóa bổ sung được tìm thấy trong thân cần tây. Chất chống oxy hóa bảo vệ các tế bào, mạch máu và các cơ quan khỏi bị tổn thương do quá trình oxy hóa.
Ngoài ra, cần tây và hạt cần tây có khoảng 25 hợp chất chống viêm có thể bảo vệ chống lại chứng viêm trong cơ thể. Ăn cần tây cũng có lợi cho đường tiêu hóa nhờ các hợp chất chống viêm và chất chống oxy hóa có trong nó.
Loại rau đắng không nên ăn
Người ăn được vi đắng thường có sức khỏe tốt, nhưng không phải loại chất đắng nào cũng tốt cho cơ thể con người. Có những loại rau có vị đắng mà chúng ta không nên ăn vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
1. Mướp, bầu bí bị đắng
Các loại quả như mướp, bầu, bí thường chứa cucurbitacin. Cucurbitacin thường được loại bỏ tuy nhiên do thụ phấn chéo và một số yếu tố khác làm tăng mức độ cucurbitacin trong trái cây hoặc rau quả.
Trong trường hợp bình thường, ăn một chút cucurbitacin sẽ không gây hại cho cơ thể. Nhưng nếu bạn vô tình ăn quá nhiều thì phản ứng ngộ độc sẽ xảy ra như buồn nôn, nôn, tình trạng nặng sẽ gây suy hô hấp, tuần hoàn, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương chức năng gan và thận, thậm chí gây tử vong.
Ngoài quả mướp, bầu, bí ra, còn có một số thực phẩm chứa nhựa đắng cucurbitacin như: bí đỏ, bí xanh, dưa chuột, dưa vàng và bí vàng... cần lưu ý khi ăn.
2. Cà chua xanh
Cà chua xanh có chứa chất solanin, chất này khiến khoang miệng có cảm giác đắng chát, rất dễ gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc đường tiêu hóa sau khi ăn. Nghiêm trọng hơn, nó có thể làm tê liệt hệ thần kinh trung ương, trong trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
3. Khoai tây mọc mầm
Khoai tây mọc mầm cũng chứa solanin gây ra vị đắng. Hoặc khi một củ khoai tây tiếp xúc với ánh sáng, nó sẽ tạo ra chất diệp lục. Điều này cũng có thể dẫn đến hàm lượng solanine cao. Nếu ăn phải chất này có thể gây buồn nôn, nôn mửa, da xanh, tiết nước bọt, chóng mặt và các triệu chứng ngộ độc khác sau khi ăn.