Khế là loại quả dân dã mà hầu như ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu rõ những công dụng của quả khế đối với sức khỏe.
Khế là loại quả có nguồn gốc từ Sri Lanka và hiện nay được biết đến rộng rãi tại Đông Nam Á. Cây khế có nhiều cành, cao đến khoảng 4m, lá kép dài khoảng 4cm. Hoa khế màu hồng tím, xuất hiện tại nách lá hoặc đầu cành. Quả khế thường có 5 múi, thỉnh thoảng có thể có 6 múi. Quả khế giòn, có vị chua ngọt, hao hao giống vị của quả lê, dứa.
Có hai giống là khế chua và khế ngọt. Khế chua thường có múi nhỏ, còn khế ngọt thường có múi to và mọng hơn. Quả khi còn non có màu xanh, khi chín ngả sang màu vàng. Quả khế có tên tiếng Anh là "star fruit" là bởi khi cắt ngang quả sẽ cho ra hình dạng 5 cánh như ngôi sao.
Không chỉ là một loại quả được nhiều người yêu thích, quả khế còn đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe. Thành phần dinh dưỡng của quả khế khá đa dạng.
Trong một quả khế trung bình nặng 91 gam có chứa:
- Chất xơ: 3 gam
- Chất đạm: 1 gam
- Vitamin C: 52% RDI (Khẩu phần ăn hàng ngày tham khảo)
- Vitamin B5: 4% RDI
- Folate: 3% RDI
- Đồng: 6% RDI
- Kali: 3% RDI
- Magiê: 2% RDI
- Phốt pho: 10,9 mg
- Canxi: 2,73 mg
- Natri: 1,8 mg
- Calo: 28
- Cacbohydrat: 6,1 gam
Quả khế rất giàu chất xơ, chứa khoảng 60% nguồn cellulose, 27% hemicellulose và 13% pectin. Bên cạnh đó, quả khế còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất ấn tượng, bao gồm các chất chống oxy hóa tự nhiên như vitamin C và axit gallic, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Tác dụng của quả khế
Quả khế là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, bao gồm beta carotene và vitamin C. Một người có thể hấp thụ khoảng 31mg vitamin C từ một quả khế cỡ trung bình. Lượng vitamin C được khuyến nghị trong chế độ ăn uống là 90mg mỗi ngày đối với nam giới trưởng thành và 75mg mỗi ngày đối với phụ nữ trưởng thành. Đối với phụ nữ mang thai, lượng vitamin C cần thiết tăng lên 85mg mỗi ngày và đối với phụ nữ trong thời kỳ cho con bú là khoảng 120mg mỗi ngày.
Cơ thể không tự tạo ra vitamin C, vì vậy chế độ ăn uống cần phải bổ sung đầy đủ loại vitamin này. Ngoài việc chống lại quá trình căng thẳng oxy hóa, vitamin C còn cần thiết cho việc sản xuất collagen mà cơ thể cần để chữa lành.
Quả khế cũng chứa rất nhiều hợp chất thực vật lành mạnh, bao gồm quercetin, axit gallic và epicatechin. Các hợp chất này có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ và nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau.
Các hợp chất thực vật trong quả khế đã được chứng minh là giúp làm giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ và cholesterol. Một số nghiên cứu cũng cho rằng chúng có khả năng chống lại ung thư nhưng vẫn cần xem xét thêm.
Lượng chất xơ dồi dào trong quả khế có thể giúp máu hấp thụ glucose từ từ và cân bằng lượng đường trong máu. Quả khế có chứa chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ hòa tan tan trong nước tạo thành chất giống như gel. Chất xơ không hòa tan không tan mà tạo khối giúp thức ăn và chất thải dễ dàng đi qua đường tiêu hóa.
Chất xơ hòa tan trong khế có tác dụng giảm cholesterol, loại bỏ các phân tử chất béo, từ đó có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Chất xơ hòa tan cũng giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách làm chậm tốc độ cơ thể hấp thụ carbohydrate.
Ngoài ra, lá, quả và rễ của khế có chứa các hợp chất saponin, flavonoid, alkaloid và tannin, có tác dụng chống oxy hóa và chữa lành vết thương.
Ở Ấn Độ, quả khế được ăn để cầm máu và giảm trĩ, nước ép dùng làm thuốc hạ sốt. Ở Brazil, người ta dùng khế làm thuốc lợi tiểu trong trường hợp tiểu ít. Nước sắc cành lá mang quả trị lở ngứa do sơn ăn (nếu để nhựa mủ của cây sơn-Rhus verniciflua dính da sẽ gây lở loét da). Hột khế giã nát sắc uống có tính lợi sữa, điều kinh, giải độc. Bột hột khế khô có tính an thần nhẹ.
Y học cổ truyền Trung Quốc thường sử dụng quả khế, lá khế và hột khế để điều trị sốt, đau họng, ho, hen suyễn, đau đầu và các vấn đề về da.
Tác dụng phụ của quả khế
Việc ăn quá nhiều khế hoặc ăn khế chưa chín có thể gây ra một số tác dụng phụ, nguyên nhân chủ yếu do hàm lượng oxalat cao.
Quả khế chứa một hợp chất là oxalat hoặc axit oxalic. Điều này xảy ra tự nhiên ở nhiều loại cây khác nhau, chẳng hạn như cây đại hoàng, củ dền và các loại rau lá sẫm màu như rau bina và cải bẹ. Cơ thể cũng sản xuất oxalat như một chất thải và bài tiết tự nhiên qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu hấp thụ quá nhiều oxalat, có thể gây ra tổn thương thận, sỏi thận.
Những người đang mắc các bệnh về thận không nên ăn khế hoặc chỉ nên ăn ít khế, nhất là khế chua, nếu không có thể gây ra các biến chứng thần kinh, bao gồm cả lú lẫn và co giật, thậm chí tử vong. Những người đang uống thuốc đặc trị cũng hạn chế ăn khế vì loại quả này có thể thay đổi cách phân hủy và sử dụng một loại thuốc trong cơ thể bạn.
Khế hầu như an toàn với mọi người nhưng hàm lượng oxalat trong khế chưa chín thường cao hơn. Vì vậy, việc ăn khế chưa chín có thể gây ra đau bụng hoặc nôn mửa ở một số người.
Nguồn tham khảo: Star Fruit 101 — Is It Good For You? - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 23/1/2019.The health benefits of star fruit and how to enjoy it - Đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today - Xuất bản ngày 28/4/2021. |